03/10/2022 - 09:54

Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình

Hỏi: Ðối với hành vi xâm hại sức khỏe, ngược đãi hành hạ thành viên gia đình, người vi phạm sẽ bị xử phạt như thế nào?

Ðáp: Nghị định số 144/2021/NÐ-CP ngày 31-12-2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định số 144/2021/NÐ-CP) quy định, đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình, sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng. Phạt 10-20 triệu đồng đối hành vi sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình; không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu, buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Ðối với hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình, sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng; hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng. Phạt 10-20 triệu đồng đối với một trong những hành vi: tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân…

Hỏi: Cá nhân vi phạm về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng thì bị xử lý như thế nào?

Ðáp: Nghị định số 144/2021/NÐ-CP quy định phạt từ 5-10 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định. Ngoài ra, đối với hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau, sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

Hỏi: Hành vi ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, có vi phạm quy định về bạo lực gia đình không?

Ðáp: Ðối với những hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình; buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động; ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống, người vi phạm sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng.

H.Y

Chia sẻ bài viết