29/03/2020 - 08:09

Quốc Tổ trong lòng người phương Nam 

Hiếm có một đất nước nào trên thế giới, mọi người gọi nhau là “bà con”, là “đồng bào”. Cũng thật hiếm hoi và đáng quý biết nhường nào khi dân tộc Việt Nam có cùng chung Quốc Tổ Hùng Vương. Từ ngàn năm qua, đời nối đời, thờ cúng Hùng Vương đã là biểu hiện của lòng biết ơn và tôn vinh công lao dựng nước của Tổ tiên. Ở vùng đất miền Tây sông nước, tấm lòng hướng về Quốc Tổ được thể hiện trong nghệ thuật và dân gian.

Soạn giả Vĩnh Điền và “Tiếng trống Mê Linh”


Soạn giả Vĩnh Điền. Ảnh: DUY KHÔI
(Chụp lại từ tài liệu sưu tầm)

Là người Nam bộ, hẳn ai cũng đã ít nhất một lần được xem vở cải lương kinh điển “Tiếng trống Mê Linh”. Đó là chưa nói đến rất nhiều người xem hàng chục lần vẫn mê mẩn, thuộc lòng từng câu thoại, lời ca. Người mộ điệu say sưa nét diễn của cố nghệ sĩ Thanh Nga, Thanh Sang… đạt đến đỉnh xuất thần. Nhưng, hẳn nhiều người sẽ không chú ý đến nội dung vở cải lương - một câu chuyện bi hùng về lòng yêu nước cũng như tấm lòng người dân Nam bộ hướng về Quốc Tổ.

Vở diễn lấy bối cảnh vào năm 40 sau Công nguyên, mở đầu là không khí hội hè vui vẻ, với lời bố cáo: “Nghe đây, nghe đây! Tất cả đồng bào hãy nghe đây, nghe đây! Hôm nay là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Thi Tướng quân mời tất cả dân làng tề tựu trước Đền Hùng, chờ đến giờ làm lễ tế cáo cùng Quốc Tổ. Đồng bào hãy nghe đây, nghe đây!...”. Vậy nhưng lễ giỗ Vua Hùng năm đó đã bị tên Thái thú Tô Định và bọn tay sai ngăn trở. Chúng biết rằng lễ giỗ Vua Hùng là cội nguồn, là văn hóa dân tộc nên chúng thản nhiên chà đạp tín ngưỡng của dân ta với việc thờ cúng Tổ tiên. Kịch tính, cao trào của vở diễn nảy sinh ngay từ phút đầu tiên.

Trong vở diễn này, có những giá trị văn hóa được tôn vinh một cách rất khéo léo, tinh tế đầy tự hào. Tiếng trống đồng của cụ Đô Trinh luôn là tiếng non sông vang dậy, tiếng trống đồng trong thời khắc quan trọng quyết định nổi dậy của bà Trưng Trắc là lời hiệu triệu linh thiêng. Tiếng trồng đồng là hồn nước! Điều đó cho thấy, giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương được gửi gắm trọn vẹn trong vỡ diễn. Nói đến điều này lại không thể không nhắc đến lời hiệu triệu, lời thề của bà Trưng Trắc trong vở diễn khiến người xem nổi gai ốc, dâng trào tự hào dân tộc: “Hỡi đồng bào trăm họ/ Giặc Đông Hán đang xéo giày đất nước/ Nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang/ Thà chết mà đứng thẳng/ Không cam chịu sống quỳ/ Đất nước Nam cẩm tú/ Người dân Nam anh hùng/ Trước đền thờ Quốc Tổ/ Thề hy sinh giết giặc cứu non sông/ Xin thề!”.

Thành công của vở diễn “Tiếng trống Mê Linh” không thể không nhắc đến soạn giả Vĩnh Điền, người con của vùng đất Long Mỹ - Hậu Giang. Theo lời cố soạn giả Kiên Giang lúc sinh thời, nguyên tác của vở cải lương này vốn là vở chèo “Trưng Vương” của tác giả Việt Dung, được soạn giả Vĩnh Điền chuyển thể rất thành công. Cái hay của soạn giả Vĩnh Điền là đưa vào vở cải lương những ngôn từ rất văn chương, bác học nhưng lại gần gũi với đời sống người Nam bộ. Khí chất của Hai Bà Trưng cùng người dân Nam thời đó được chuyển tải trọn vẹn trong “hồn cốt” chung là hướng về Quốc Tổ Hùng Vương. Người ta còn nhắc đến soạn giả Vĩnh Điền trong “Tiếng trống Mê Linh” bởi một lớp ca diễn quá xuất sắc là “Mê Linh biệt khúc”. Vận dụng và dung hòa nhiều bài bản đã có, soạn giả Vĩnh Điền viết nên một lớp ca cảnh mẫu mực: “Trong giây phút chia tay, tim nguyện ghi lời thề…”.

Với tấm lòng ngưỡng mộ một tài hoa của vùng đất Cần Thơ - Hậu Giang, chúng tôi đã có lần tìm đến Chùa Nghệ sĩ (TP Hồ Chí Minh) để viếng mộ soạn giả Vĩnh Điền. Mộ chí ghi ông còn có tên khác là Lê Văn Niên, Lê Vĩnh Hưng, sinh năm 1930, mất năm 1987. Hơn 2 năm trước, chúng tôi đã tìm về quê hương của ông bên dòng sông Nước Trong, thuộc ấp 4, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Ông Lê Văn Thiều, em trai soạn giả Vĩnh Điền, kể rất nhiều chi tiết hay về anh mình, và dĩ nhiên không quên nhắc đến “Tiếng trống Mê Linh”. Người Cần Thơ - Hậu Giang đã góp một bản hùng ca về lòng yêu nước thông qua tấm lòng hướng về Quốc Tổ hùng thiêng.

Trích đoạn trong vở “Tiếng trống Mê Linh” với phân cảnh bà Trưng Trắc tế sống chồng với phía trước là chiếc trống đồng linh thiêng. Ảnh: DUY KHÔI

Người Cà Mau tạc chân dung Quốc Tổ

Đền thờ Vua Hùng ở ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, cách trung tâm thành phố Cà Mau chừng nửa tiếng chạy xe gắn máy theo quốc lộ 63. Ngôi đền nhỏ gọn nhưng trang nghiêm một mặt giáp lộ, một mặt giáp sông Bạch Ngưu. Chúng tôi được nghe bà con và các cô chú trong Ban Quản lý Đền thờ kể nhiều câu chuyện hay về lịch sử hình thành và việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương nơi đây, nhưng ấn tượng nhất vẫn là câu chuyện tạc chân dung Quốc Tổ.

Đền thờ Vua Hùng ở Cà Mau. Ảnh: DUY KHÔI

Hồi trước là cụ Châu Văn Tỷ, Trưởng Ban Quản lý Đền thờ Vua Hùng, gần đây là ông Phan Văn Thông, Phó Ban, cũng thuật y chuyện này bằng tất cả lòng tự hào. Đền thờ Vua Hùng có tại vùng đất này cách đây hơn 150 năm, lúc trước bằng tre lá, bà con quen gọi là Miếu Ông Vua. Thời chiến tranh, miếu nhiều lần bị bom đạn tàn phá, nhưng rồi dân làng lại cất lại, nhang khói lòng thành hướng vế Quốc Tổ. Xưa kia, ngai thờ Quốc Tổ chỉ là bái vọng, nghĩa là chỉ có lư hương đốt nhang mà không có bài vị, hình ảnh. Sau này, các vị bô lão đã làm nên bài vị và ghi 4 chữ “Kính nhớ Hùng Vương” để thờ.

Sau năm 1975, người dân Giao Khẩu luôn ao ước được chiêm ngắm chân dung Quốc Tổ, như người dân đất Tổ Phú Thọ. Vậy nhưng thời đó, kỹ nghệ chưa phát triển, chuyện giao thương còn khó khăn mà dân làng lại không có điều kiện kinh tế nên họ bàn nhau chuyện đắp tượng Vua Hùng qua tưởng tượng từ những hình ảnh đã được xem. Trước đây cụ Châu Văn Tỷ có kể, sau nhiều lần đắp tượng, rồi sửa chữa, thấy không đẹp, lại làm lại từ đầu, thì chân dung Vua Hùng đã hoàn thành, được thờ phượng từ đó đến nay. Nhìn pho tượng, thấy rằng trong trí tưởng tượng của người dân Giao Khẩu, Vua Hùng phương phi, đạo mạo nhưng hiền hậu, nhân từ. Đức Vua uy nghiêm trong áo mão có biểu tượng chim Lạc, ngự ngai vàng với tay tựa ghế có thanh chạm đầu rồng.

Cũng theo nhiều cụ già ở Giao Khẩu, tượng tạc xong và sơn phết xong, ai ai cũng xúc động đến rưng rưng vì chân dung Vua Hung đã ngự trị trên vùng đất cuối trời Tổ quốc. Dù vậy, vẫn có “lời ra tiếng vào” nói rằng chân dung vầy là không “giống”, rằng phải mập hơn, ốm hơn, cao hơn… Nhưng mọi lời ấy rốt cuộc trở nên vô nghĩa bởi ai đoan chắc chân dung Vua Hùng sẽ như thế nào, cái quý và điều quan trọng hết thảy là tấm lòng của người dân Cà Mau, là hình ảnh của Vua Hùng trong tâm trí và tưởng tượng của con cháu hôm nay. Vậy nên, pho tượng Vua Hùng đặt trong Đền thờ Vua Hùng đến nay đặc biệt có giá trị, được người dân chiêm ngắm bằng tất cả lòng thành. Câu chuyện tạc tượng Vua Hùng đã được chuyển thể thành một vở cải lương khá hay, trong đó sự góp mặt diễn xuất của nghệ sĩ người Cần Thơ Võ Minh Lâm, trong vai người con trai tâm huyết tạc tượng Vua Hùng.

***

Đâu đâu trên Tổ quốc Việt Nam, tấm lòng với Tổ tiên, nguồn cội, thân thương tiếng gọi đồng bào vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt nối kết mỗi người lại với nhau, giúp vượt qua những giai đoạn, thời khắc gian khó nhất. Trong những ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Tý 2020, đất nước ta đang phải gồng mình chống lại dịch bệnh COVID-19. Câu nói của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Đó là nghĩa đồng bào!” bỗng khiến mọi người xuyến xao và thấy mình có trách nhiệm hơn với Tổ quốc, với đồng bào giữa đại dịch. Dân tộc Việt Nam hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay bằng tất cả lòng tri ân Tổ tiên, bằng sự đoàn kết, chung sức chung lòng, tương thân tương ái.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết