01/06/2020 - 06:20

Kỷ niệm Ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6)

Quan tâm giáo dục, chăm sóc thiếu nhi phát triển toàn diện 

“Trẻ em như búp trên cành;
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”
Hai câu thơ thể hiện tình yêu thương của Bác Hồ dành cho thiếu nhi. Đó cũng là trách nhiệm của các cấp, các ngành: thường xuyên quan tâm, chăm lo thế hệ măng non của đất nước. Tại TP Cần Thơ, công tác chăm lo thiếu nhi ngày càng được quan tâm, góp phần vun đắp để những mầm xanh tương lai phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Mái ấm của trẻ yếu thế

Chị Lư Thị Ngọc Anh, Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, tặng quà cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng.

Hơn 20 năm gắn bó, bà Tăng Thị Kim Vân, Phó Giám đốc Nhà nuôi trẻ mồ côi Hướng Dương thuộc Hội Chữ thập đỏ TP Cần Thơ (ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), có thể kể cả ngày về hoàn cảnh của từng trẻ hiện đang sinh sống tại mái ấm này. Có bé bị bỏ rơi; có bé vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, cha mẹ đi làm thuê ở xa nên ít về thăm nom... Nhà nuôi trẻ mồ côi Hướng Dương thành lập từ năm 1996. Đến năm 2000, sau khi nghỉ hưu, người bác sĩ này tình nguyện về quản lý Nhà nuôi trẻ bởi tình yêu thương dành cho những cảnh đời bất hạnh. Bà Vân tâm sự, ban đầu Nhà nuôi trẻ là mái ấm của 15 cháu. Từ đó đến nay, nhà nuôi trẻ đã nhận nuôi dưỡng khoảng 100 cháu. Hiện tại, Nhà nuôi trẻ đang nhận nuôi 30 cháu từ 3 tuổi trở lên, ở nhiều tỉnh, thành.

Nhắc về khoảng thời gian khó khăn khi mới thành lập, bà Vân chia sẻ, toàn khuôn viên Nhà nuôi trẻ được đầu tư xây dựng trên diện tích 4.000m2; trong đó, sân chơi, thư viện, khu ăn, chỗ nghỉ chiếm 50% diện tích. Các hoạt động chăm lo, nuôi dưỡng trẻ chủ yếu từ hỗ trợ của các nhà hảo tâm, tổ chức phi chính phủ. Những năm đầu, mỗi trẻ được hỗ trợ tiền ăn 13.000 đồng/ngày, đến nay tăng lên 35.000 đồng/ngày. Từ mái ấm này, nhiều trẻ đã trưởng thành và có nghề nghiệp ổn định: 16 cháu tốt nghiệp cao đẳng, đại học; 12 cháu tốt nghiệp trung cấp nghề nghiệp. Bà Vân bộc bạch: “Chuyện ăn, mặc có thể còn thiếu thốn nhưng tập thể cán bộ, nhân viên Nhà nuôi trẻ luôn nỗ lực vận động các nguồn xã hội hóa để tạo điều kiện cho các cháu được học hành đàng hoàng với mong muốn giúp các cháu có nghề nghiệp ổn định, tương lai tươi sáng hơn”.

Em Lê Hoàng Phúc, 11 tuổi, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Long Thạnh 1, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, kể: “Con nghe bà kể, cha mẹ con bỏ đi thành phố từ năm con 3 tuổi. Từ đó, con vô đây (Nhà nuôi trẻ - PV) sinh sống cho đến nay. Ở đây, con được cô chú chăm lo; có bạn bè vui chơi. Con được đi học và ăn uống ngày 3 bữa. Lâu lâu, các anh chị sinh viên đến tổ chức vui chơi, tặng quần áo mới, con thích lắm!”. Khi hỏi về ước mơ tương lai, Phúc cười tươi: “Con ước mơ làm chú bảo vệ”. Câu trả lời khiến ai cũng bất ngờ. Hỏi ra mới biết, ở đây các cháu đều quý chú bảo vệ bởi chú thường hay vui đùa; có món ngon, quà đẹp, chú đều dành cho các cháu như người thân trong gia đình.

Còn em Nguyễn Văn Thuận (11 tuổi), vào sinh sống tại Nhà nuôi trẻ gần 2 năm, cũng được tạo điều kiện đến trường. Hoàn cảnh em rất thương tâm, mồ côi cha mẹ, em ở với bà ngoại. Cuộc sống khó khăn, em được gửi về Nhà nuôi trẻ gần 2 năm nay. Hiện em đang học lớp 4 tại Trường Tiểu học Long Thạnh 1, kết quả học tập rất khá.

Trên địa bàn thành phố, nhiều mái ấm, cơ sở nuôi dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được ra đời, đã và đang là “bệ đỡ” giúp thiếu nhi có cơ hội học tập, rèn luyện để hòa nhập cộng đồng. Tiêu biểu như: Trường Dạy trẻ khuyết tật, Trường Tương Lai, Trường Mầm non và Tiểu học Ngôi Sao (trường tư thục có nhận dạy trẻ tự kỷ). Hay như các cơ sở nhận nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật, như: Câu lạc bộ Trẻ em đường phố (Hội Từ thiện TP Cần Thơ), Trung tâm công tác xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ... Hiện toàn thành phố có hơn 281.420 trẻ, chiếm gần 22% dân số, trong đó 4.215 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đều được hỗ trợ theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013 của Chính phủ được hưởng đầy đủ chính sách trợ cấp thường xuyên hằng tháng.

Vì đàn em thân yêu

Nhiều trường học đã đưa các hoạt động trải nghiệm giáo dục kiến thức, kỹ năng cho thiếu nhi.  Trong ảnh: Giờ sinh hoạt của Trường Mầm non Trạng Tí 3, quận Ninh Kiều.

Nhằm tạo môi trường lành mạnh cho thiếu nhi phát triển toàn diện, các sở, ban, ngành thành phố cùng các đoàn thể đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp bảo vệ và chăm sóc thiếu nhi. Cụ thể, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 2511/QĐ-UBND ngày 21 tháng 10 năm 2019 về việc thành lập Ban Điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em TP Cần Thơ; các sở, ngành liên quan ký kết Quy chế phối hợp giải quyết án xâm hại tình dục trẻ em giữa Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Công an, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố. Đồng thời, thực hiện tốt chương trình nha học đường, sữa học đường; tổ chức khám sức khỏe cho học sinh các cấp học; triển khai tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường như bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết...

Riêng tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tuổi trẻ đã phát động phong trào “Vì đàn em thân yêu” nhằm huy động các nguồn lực xã hội chăm lo cho thiếu nhi. Hằng năm, trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, các cấp bộ Đoàn đều đề ra chỉ tiêu mỗi cơ sở Đoàn thực hiện ít nhất 1 công trình, phần việc vì đàn em thân yêu. Tại buổi giám sát của Trung ương Đoàn về việc triển khai Luật Trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại TP Cần Thơ, anh Đào Chí Nghĩa - Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, chia sẻ: “Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đã có nhiều hoạt động chăm lo cho thiếu nhi, như xây dựng sân chơi cho trẻ em ở 83 xã phường thị trấn. Đối với hoạt động tiếp sức đến trường, tuổi trẻ thành phố cũng đã vận động đỡ đầu cho 1.200 học sinh có hoàn cảnh khó khăn”.

Theo anh Nghĩa, điểm sáng trong công tác chăm lo cho thiếu nhi là thành phố đã xây dựng nhiều mô hình đồng hành cùng thiếu nhi, như: Câu lạc bộ Trẻ em ở cộng đồng, chương trình họp mặt “Nụ cười xuân”, các khóa huấn luyện “Học kỳ Quân đội”, “Chiến sĩ nhí” hay như chương trình “Vì trường đẹp cho em” triển khai ở các điểm trường khó khăn, góp phần tạo môi trường học tập, sinh hoạt lành mạnh cho thiếu nhi. Ngay trong dịch COVID-19, tuổi trẻ thành phố cũng đã tích cực triển khai chương trình hỗ trợ thiếu nhi nghèo vượt qua mùa dịch. Kết quả, đã vận động 550 phần quà, 5.000 lít dung dịch nước rửa tay, 1.000 khẩu trang và 5.000 ly sữa cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại các quận, huyện.

Các hoạt động giáo dục kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ cũng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Đến nay, tất cả trường học đã tích hợp giáo dục phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục, xâm hại trẻ em vào các bài dạy trên lớp. Trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp được triển khai thường xuyên theo từng chủ đề, như: “Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên”, “Tình bạn, tình yêu và gia đình”. Các chương trình tập huấn nâng cao năng lực, khả năng tự bảo vệ cho thiếu nhi, kỹ năng phòng chống đuối nước, kỹ năng tự vệ cho thiếu nhi được ngành chức năng và các tổ chức đoàn thể thường xuyên tổ chức.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận công tác chăm sóc và giáo dục thiếu nhi còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như nguồn kinh phí cho công tác thiếu nhi còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, sân chơi cho thiếu nhi chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của thiếu nhi... Thiết nghĩ, ngành chức năng cần chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ công tác thiếu nhi, có chính sách huy động nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi cho thiếu nhi. Qua đó, giúp thiếu nhi có cơ hội phát triển thể chất và trí tuệ, vững tin vào tương lai tươi sáng.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết