18/12/2024 - 21:00

Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL:

Quan tâm đầu tư tương xứng cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ 

 

Năm 2024, Viện Lúa ĐBSCL tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) về cây lúa, tăng cường hợp tác quốc tế, duy trì mối quan hệ gắn kết với các địa phương. Chia sẻ về những kết quả đạt được trong năm qua, Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết:

- Năm 2024, Viện Lúa đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học. Cụ thể đã chuyển đổi sang hướng đấu giá giống lúa thuần OM 34 công khai, minh bạch, huy động sự tham gia của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh giống lúa ở ĐBSCL. Kết quả qua đấu giá đã chuyển giao quyền sử dụng giống lúa thuần OM 34 trong sản xuất và kinh doanh cho Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam và Công ty CP Giống cây trồng Sông Tiền. Đối với hoạt động bảo hộ giống lúa OM, Viện có 11 giống lúa đã có quyết định cấp bằng bảo hộ và 11 giống lúa đăng ký bảo hộ được chấp nhận đơn năm 2024. Bên cạnh đó có 7 giống lúa được công nhận lưu hành sản xuất năm 2024 (OM 34, OM 46, OM 11, OM 468 cho vùng ĐBSCL, OM 468 cho vùng Đông Nam Bộ, Duyên Hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; 3 giống OM 7347, OM 4900 và OM 6162 có quyết định gia hạn lưu hành năm 2024). Trong năm 2024, Viện cũng thực hiện 9 nhiệm vụ KHCN các cấp. Trong đó có 1 nhiệm vụ cấp nhà nước, 4 nhiệm vụ cấp bộ, 4 nhiệm vụ cấp tỉnh, 1 nhiệm vụ hợp tác quốc tế. Nhìn chung, nhiệm vụ KHCN các cấp của Viện được triển khai thực hiện đúng nội dung theo hợp đồng nghiên cứu, các kết quả và các sản phẩm khoa học đảm bảo đúng kế hoạch. Về hợp tác quốc tế, năm 2024, Viện tiếp đón 38 đoàn khách nước ngoài với 271 lượt khách đến tham quan, làm việc tại Viện. Viện Lúa cũng ký kết 2 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Viện với Đại học Quốc gia Kyungpôk Hàn Quốc và Viện nghiên cứu Lúa gạo Uzbekistan...

 

Nông dân tham quan các khu ruộng thí nghiệm của Viện Lúa ĐBSCL.

* Được biết năm qua Viện cũng đẩy mạnh đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Đến nay tiến độ các công trình, dự án ra sao, thưa Tiến sĩ?

- Trước yêu cầu cấp bách đầu tư cho cơ quan nghiên cứu hàng đầu cả nước về cây lúa, trong năm 2023, Viện đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt 2 dự án quan trọng nhằm góp phần xây dựng Viện thành trung tâm nghiên cứu khoa học về cây lúa theo chuẩn quốc tế. Viện đang triển khai Dự án thành phần "Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển giống lúa xuất khẩu" được khởi công xây dựng từ tháng 1-2024 và dự kiến hoàn thành gói thầu xây lắp tháng 3-2025. Dự án thành phần "Đầu tư xây dựng Viện Lúa ĐBSCL theo quy hoạch xây dựng Viện, giai đoạn 2021-2025" được khởi công xây dựng từ tháng 11-2023 và thời gian dự kiến hoàn thành gói thầu xây lắp tháng 3-2025. Nhờ nguồn vốn trung hạn và vốn xây dựng cơ bản do Bộ NN&PTNT phân bổ cùng các nguồn kinh phí khác, Viện Lúa đang tiếp tục kiện toàn khu nhà làm việc, khu nhà lưới, đồng ruộng thí nghiệm và sản xuất... khang trang và hiện đại. Năm 2024 là năm Viện tập trung cho nguồn lực cho 2 dự án đầu tư xây dựng cơ bản quan trọng này. Trong giai đoạn tiếp theo, Viện Lúa tiếp tục được Bộ NN&PTNT quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ nghiên cứu. Khi cơ sở hạ tầng hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần cải thiện, nâng chất môi trường làm việc, nâng tầm hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như văn hóa làm việc của Viện ngang chuẩn quốc tế.

* Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đang được triển khai mạnh mẽ ở ĐBSCL, xin Tiến sĩ cho biết Viện Lúa sẽ cùng tham gia vào đề án này như thế nào?

- Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao là giảm lượng lúa giống gieo sạ nhằm giảm chi phí đầu vào cho người dân. Để làm được điều này, vấn đề chất lượng hạt giống phải được quan tâm nhiều hơn. Trong khuôn khổ Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, nhu cầu giống có thể lên đến vài trăm ngàn tấn, trong khi hiện chỉ có một số doanh nghiệp chính quy đảm bảo được. Vì vậy, Viện Lúa ĐBSCL đang phối hợp với các địa phương để giải quyết vấn đề này bằng liên kết hình thành những vùng sản xuất giống tập trung, chất lượng hơn; nâng cao năng lực sản xuất giống của các hợp tác xã và tổ sản xuất. Nhằm phục vụ cho đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, Viện Lúa ĐBSCL cũng đang nghiên cứu chọn tạo tạo ra những giống lúa ưu thế vượt trội về năng suất, chất lượng gạo, có khả năng chống chịu sâu bệnh, sử dụng hiệu quả phân đạm và nước tiết kiệm, có khả năng phát thải thấp. Viện cũng tập trung nghiên cứu vai trò của cộng đồng vi sinh vật trong đất trong điều kiện ngập khi tương tác với cây lúa để sinh ra khí phát thải. Từ đó, tìm ra giải pháp ức chế, nhằm giảm phát thải trong điều kiện khó có khả năng quản lý nước. Để đóng góp nhiều hơn cho đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, Viện Lúa ĐBSCL mong muốn sự hợp tác của IRRI và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan trong nghiên cứu, tìm ra những giải pháp hữu hiệu hơn về giống, kỹ thuật nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải và tăng lợi nhuận cho người nông dân.

* Bước sang năm 2025, Viện sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa Tiến sĩ?

- Năm 2025, Viện sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành mọi hoạt động trong toàn Viện. Quản lý, kiểm tra thí nghiệm đồng ruộng cho vụ đông xuân 2024-2025. Về xây dựng cơ bản, Viện sẽ xúc tiến hoàn thiện các hạng mục đầu tư để trình Bộ NN&PTNT phê duyệt thiết kế cơ sở và báo cáo nghiên cứu khả thi. Viện cũng tăng cường kiểm tra, đánh giá việc triển khai tốt các nhiệm vụ KHCN các cấp; nghiệm thu các sản phẩm của các nhiệm vụ kết thúc năm 2024; triển khai và quản lý tốt khu nhà lưới và ruộng thí nghiệm. Đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, đào tạo, sản xuất kinh doanh các sản phẩm KHCN hoặc đăng ký bổ sung với cơ quan quản lý nhà nước. Thực hiện tốt việc sản xuất và cung ứng giống lúa các cấp theo các hợp đồng với các đơn vị, công ty, các tỉnh thành vùng ĐBSCL, miền Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Tiếp tục triển khai đăng ký và thúc đẩy công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ về giống lúa và chuyển nhượng bản quyền cho các đơn vị kinh doanh hạt giống. Đồng thời, giao chỉ tiêu cụ thể hoạt động sản xuất cho Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng tự chủ.

Trong điều kiện chịu tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu tái cơ cấu trong ngành Nông nghiệp, Viện Lúa cũng mong mỏi Nhà nước tiếp tục quan tâm  đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu dài hạn vào các lĩnh vực nghiên cứu mới. Đẩy mạnh chính sách bảo hộ giống cây trồng (đặc biệt là giống lúa thuần), có chính sách hỗ trợ thu tác quyền đối với các sản phẩm khoa học mang lại phúc lợi xã hội cao nhưng khó thực thi quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, tăng cường kinh phí cho nghiên cứu, có chính sách đặt hàng cho các tổ chức nghiên cứu tạo các sản phẩm KHCN có tính ứng dụng cao.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ!

MINH HUYỀN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết