17/09/2020 - 07:34

Quan tâm, chăm sóc người cao tuổi 

Quận Cái Răng, TP Cần Thơ hiện có hơn 7.600 người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, chiếm khoảng 8,41% tổng dân số quận. Thời gian qua, quận thực hiện nhiều hoạt động chăm lo cho người cao tuổi, huy động nhiều nguồn lực giúp đỡ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời, nâng cao ý thức của cộng đồng về việc quan tâm, chăm sóc người cao tuổi trong mỗi gia đình.

Cán bộ dân số và tình nguyện viên thăm hỏi người cao tuổi tại phường Ba Láng.

Cán bộ dân số và tình nguyện viên thăm hỏi người cao tuổi tại phường Ba Láng.

Cụ bà Lê Thị Tư, ở khu vực 3, phường Ba Láng, quận Cái Răng, tuổi đã ngoài 80 nhưng ngày ngày vẫn ra vườn làm cỏ, chặt củi... Mặc dù sống với con cháu nhưng bà vẫn giữ thói quen làm lụng như thời tuổi trẻ. Bà cho biết, chỉ hai năm gần đây thỉnh thoảng bị tăng huyết áp và đau nhức xương khớp chứ sức khỏe vẫn tốt, ăn ngon, ngủ ngon.

Cô Võ Thị Nga, cộng tác viên dân số, đồng thời là tình nguyện viên của Tổ tình nguyện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở khu vực 3, phường Ba Láng, quận Cái Răng, phụ trách hỗ trợ 10 cụ cao tuổi tại địa phương, trong đó có bà Tư. Cô Nga thường đến trò chuyện, nên các cụ vui mừng lắm. Người cao tuổi thường mắc các bệnh mạn tính, phổ biến là bệnh cao huyết áp. Vì vậy, tình nguyện viên đến thăm nhà, kiểm tra huyết áp cho các cụ, hướng dẫn uống thuốc đúng giờ, chế độ dinh dưỡng phù hợp và các bài tập dưỡng sinh. Cô Nga chia sẻ: “Người cao tuổi rất cần sự quan tâm của người thân và những người xung quanh. Vì vậy, tình nguyện viên đến thăm hỏi, người cao tuổi quý lắm. Họ cảm thấy được yêu thương, tinh thần phấn chấn hơn. Những việc làm giản đơn thôi cũng mang đến niềm vui cho các cụ tuổi xế chiều”.

Cô Nga đã gắn bó với công tác dân số gần 20 năm qua. Riêng với mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng, cô trải qua 5 năm làm tình nguyện viên với nhiều hoạt động thiết thực. Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, tranh thủ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm gần xa, cô xin gạo, nhu yếu phẩm cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Hàng tháng, cô cùng với lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể địa phương tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ, chọn lọc lồng ghép nội dung tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, vai trò của người cao tuổi trong gia đình. Hàng năm, nhân dịp Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1-10, tổ chức khám sức khỏe, tặng quà cho người cao tuổi và các cụ tròn 70 tuổi được tổ chức lễ mừng thọ, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đối với những “cây cao bóng cả”.

Bà Liêu Thúy Phượng, Phó Trưởng Phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Chăm sóc sức khỏe sinh sản quận Cái Răng cho biết, Đề án Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng được Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ triển khai thực hiện, hướng đến mục tiêu phát huy vai trò của người cao tuổi và nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi. Đề án gồm có các mô hình là Câu lạc bộ Người cao tuổi giúp người cao tuổi và Tổ tình nguyện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng. Tại quận Cái Răng, từ cuối năm 2014, các mô hình này được thành lập ở 2 phường Ba Láng và Tân Phú, đến nay, nhân rộng ra 5/7 phường của quận.

Các câu lạc bộ, tổ tình nguyện huy động sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể, với cơ cấu thành viên gồm Trưởng, Phó Trạm y tế các phường, Hội Người cao tuổi, đại diện ban ngành, cán bộ dân số và đội ngũ 137 cộng tác viên dân số... Các tình nguyện viên thường đến nhà thăm hỏi, lắng nghe và trò chuyện với người cao tuổi. Đồng thời phối hợp với các Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ tặng quà cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Phối hợp với Hội Người cao tuổi địa phương tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ với nhiều nội dung phong phú. Qua đó, người cao tuổi chia sẻ cùng nhau những kinh nghiệm, hay những khó khăn trong cuộc sống gia đình, để giải tỏa tâm tư, cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Theo bà Liêu Thúy Phượng, thời gian qua, các mô hình của đề án đạt nhiều kết quả trong công tác tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác dân số, kiến thức về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tác động đến sự nhận thức của cộng đồng về các vấn đề của người cao tuổi. Từ đó, phát huy hiệu quả, lan tỏa và tạo sự chuyển biến trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của địa phương trong tình hình mới.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết