Bài, ảnh: KIỀU CHINH
Tiền nong là vấn đề tế nhị nhưng không thể không đề cập đến trong đời sống gia đình. Nhiều cặp vợ chồng có sự phối hợp tốt trong việc lập kế hoạch chi tiêu, cùng tiết kiệm để thực hiện những mục tiêu chung: mua đất, cất nhà, đầu tư cho con học hành… Ðiều này không chỉ giúp cuộc sống gia đình ổn định, êm ấm mà còn tăng niềm tin, thêm trách nhiệm với người thân.
Nhiều chị em lập kế hoạch chi tiêu gia đình hằng tháng để cân đối tài chính, tiết kiệm, tích lũy cho tương lai.
Đầu năm nay, chị Yến Ngọc (ở quận Bình Thủy) trả hết nợ vay ngân hàng. Trước đây, vợ chồng chị Ngọc dành dụm tiền mua miếng đất để dành, đợi khi có điều kiện cất nhà; đồng thời, anh chị thuê căn hộ gần cơ quan để đi làm cho tiện. Khi các con lớn, cần không gian rộng hơn mà không đủ tiền xây nhà, chị Ngọc bàn với chồng vay tiền ngân hàng, thời hạn 5 năm. Tổng thu nhập vợ chồng khoảng 25 triệu đồng/tháng, chị Ngọc khéo léo tính toán để vừa đủ trang trải sinh hoạt, nuôi 2 con ăn học vừa tích lũy cho mái ấm chung.
Chị Ngọc kể: “Khi lập kế hoạch vay tiền, vợ chồng tôi thống nhất đóng góp chi tiêu, chồng trả nợ hằng tháng, tôi lo các chi phí trong nhà. Mỗi khi mua sắm đồ dùng giá trị lớn, chúng tôi bàn bạc để không ảnh hưởng các khoản khác. Nhờ vợ chồng đồng lòng tiết kiệm mà vượt qua khó khăn, có nhà cửa ổn định”. Nói thì dễ, nhưng thực hiện kế hoạch chi tiêu là cả quá trình. Có giai đoạn chồng bị bệnh, thu nhập sụt giảm, chị Ngọc vừa động viên vừa choàng gánh việc trả nợ. Khi chồng chị khỏe lại, đã tìm cách đền bù cho vợ, tình cảm thêm khắn khít. Hiện tại, vợ chồng chị Ngọc đang thực hiện mục tiêu dành dụm tiền mua chiếc ô tô để chồng thuận lợi hơn trong các chuyến công tác xa.
Bạn bè thường trêu chị Kim Thúy (ở quận Cái Răng) là “chủ nợ” của chồng bởi bất cứ khi nào chồng cần tiền đột xuất để giải quyết công việc, chị đều có để hỗ trợ, đỡ phần lãi suất vay mượn bên ngoài. Chị Thúy kể, khi về sống chung nhà, một trong những điều quan trọng mà vợ chồng chị trao đổi thẳng thắn với nhau là tài chính, các khoản thu nhập, nợ nần nếu có… Chị Thúy thu nhập ổn định (khoảng 20 triệu đồng/tháng), còn chồng thì tùy thuộc vào các chương trình phối hợp tổ chức sự kiện, trung bình anh góp khoảng 10 triệu đồng/tháng. Chị Thúy chia thu nhập làm 3 phần cố định: 70% là sinh hoạt phí, còn 30% làm quỹ dự phòng và tích lũy. Chị cũng thường nhắc nhở chồng con chi tiêu tiết kiệm, nếu mỗi tháng có dư tiếp tục bỏ vào quỹ chung. Hai vợ chồng còn có sở thích đi du lịch nên để dành riêng khoản này, mỗi năm cả nhà đi chơi vào dịp hè. Biết chồng thích công nghệ nên chị Thúy cũng “du di” mỗi khi anh có nhu cầu đổi điện thoại, máy chụp hình. Có vợ thấu hiểu, làm điểm tựa vững chắc nên chồng chị Thúy an tâm khi vợ giữ tay hòm chìa khóa.
Nhờ quản lý tiền bạc một cách khoa học mà vợ chồng chị Thúy tích cóp được khoản tiền lớn, sau đó vay thêm để mua căn nhà rồi cho thuê, lấy tiền trả lãi ngân hàng. Khoảng 3 năm nữa, vợ chồng chị Thúy sẽ trả hết nợ, có được tài sản giá trị. Chị Thúy tâm sự: “Theo tôi việc tính toán, cân đối chi tiêu trong nhà rất quan trọng, giúp mình kiểm soát được tài chính, không bị thiếu hụt đột xuất. Khi thực hiện những mục tiêu lớn như mua đất, cất nhà, mua xe… thì việc lập kế hoạch để thực hiện càng cần thiết. Chúng tôi không câu nệ ai góp ít nhiều mà luôn tin tưởng, tôn trọng nhau nên chưa bao giờ xảy ra bất hòa liên quan vấn đề này”.
Vợ chồng anh Thanh Phong ở quận Ninh Kiều, có tổng thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Anh Phong giao hết tiền lương cho vợ giữ để lo việc ăn uống, học hành của các con, còn anh chi xài trong khoản làm thêm ngoài giờ. Mỗi tháng, vợ anh Phong trích 10-15% thu nhập gởi tiết kiệm. Ngoài ra, chị còn tham gia vào các nhóm quỹ tương trợ với bạn bè trong cơ quan. Nhờ vậy, mỗi khi con cần đóng tiền học hay tổ chức đám tiệc… chị đều có sẵn để chi. Cũng nhờ có tích cóp, mà đợt dịch bệnh vừa rồi, vợ chồng anh Phong đỡ phải lo khi công việc bị ảnh hưởng, giảm thu nhập. Hiện anh chị đang tính toán chi phí để cuối năm sửa nhà, xây thêm phòng cho con.
Thực tế cho thấy không phải cặp đôi nào cũng có tiếng nói chung trong việc đóng góp tiền lo cho gia đình. Có những trường hợp quá cứng nhắc, rạch ròi về việc phân chia trách nhiệm. Cũng có trường hợp khi góp vào quỹ chung rồi thì quản lý quá chặt khiến bạn đời khó xử… Ðể việc đóng góp và quản lý chi tiêu trong gia đình thuận lợi, hiệu quả, vợ chồng cần có sự thống nhất. Ðôi bên cần đưa ra mức thu nhập thực tế và tính toán các khoản chi theo từng giai đoạn, bàn bạc các mục tiêu chung, dự phòng rủi ro… để có kế hoạch thực hiện phù hợp. Ðiều quan trọng là vợ chồng cần có sự thông cảm, thấu hiểu, cùng chung sức dựng xây mái ấm.