Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ đang triển khai thực hiện Dự án đầu tư hệ thống quản lý giao thông thông minh (gọi tắt là Dự án ITS) TP Cần Thơ giai đoạn 1. Trung tâm điều hành giao thông đô thị thông minh này dự kiến sẽ đi vào vận hành trong năm 2024, nhằm quản lý, tổ chức, điều tiết giao thông bước đầu tại 12 nút giao trọng điểm của TP Cần Thơ, các giai đoạn tiếp theo quản lý đến 42 nút giao trọng điểm tại 9 quận, huyện.

Trung tâm điều khiển giao thông thông minh ITS dự kiến đặt tại tầng 2 Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị trực thuộc Sở Giao thông vận tải.
Theo Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, Dự án ITS TP Cần Thơ giai đoạn 1: chủ yếu triển khai các hạng mục như tủ tín hiệu, đèn tín hiệu, camera quan sát (CCTV), hệ thống dò xe (VDS) và Trung tâm điều khiển… đã được UBND thành phố phê duyệt vào tháng 6-2023. Dự án do Sở Giao thông vận tải thành phố làm chủ đầu tư, với mục tiêu: xây dựng Trung tâm Quản lý giao thông thông minh với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại để quản lý, giám sát, tổ chức và điều tiết giao thông của 12 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 1; quản lý hoạt động của tất cả các loại hình giao thông công cộng trên địa bàn thành phố (xe buýt nội tỉnh, xe buýt liên tỉnh; xe taxi, xe điện; buýt đường thủy, xe đạp công cộng…) theo hướng thông minh.
Ngoài ra, Trung tâm Quản lý giao thông thông minh sẽ cung cấp dữ liệu hàng ngày cho Trung tâm Ðiều hành đô thị thông minh (IOC) đặt tại UBND thành phố, để cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và ra quyết định của lãnh đạo thành phố thuộc các lĩnh vực của ngành giao thông vận tải. Ðầu tư xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh với mô hình kiến trúc ITS đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế (ISO), các tiêu chuẩn quy chuẩn của Việt Nam và đảm bảo đầy đủ kiến trúc thông tin của hệ thống giao thông thông minh của Bộ Giao thông vận tải. Hệ thống quản lý giao thông thông minh còn đảm bảo kết nối đồng bộ, chia sẻ tích hợp với các hệ thống thành phần khác thuộc Ðề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển trở thành đô thị thông minh.
Vị trí 12 nút giao (thuộc địa bàn 2 quận Ninh Kiều và Cái Răng) có lưu lượng xe lưu thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, cần ưu tiên đầu tư, nên được đề xuất đầu tư trong giai đoạn 1 gồm: Cách mạng Tháng 8 - Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Trãi - cầu Ninh Kiều, Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Mậu Thân, Trần Hưng Ðạo - Mậu Thân - 3 tháng 2, Mậu Thân - 30 tháng 4, Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Linh, 3 tháng 2 - Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 91B), 30 tháng 4 - Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 91B), Võ Nguyên Giáp - Quang Trung (IC3-1), Võ Nguyên Giáp - Quang Trung (IC3-2), Võ Nguyên Giáp - Quang Trung (IC3-3), IC4 Hậu Giang - quốc lộ 1A…
Giai đoạn 1 của dự án này có tổng mức đầu tư hơn 49,94 tỉ đồng; trong đó chi phí xây dựng hơn 4,48 tỉ đồng, thiết bị hơn 42.64 tỉ đồng, chi phí tư vấn hơn 1,1 tỉ đồng và còn lại là chi phí quản lý dự án, chi phí dự phòng. Thời gian thực hiện giai đoạn 1 là: 2023-2025, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thành phố. Quy mô đầu tư các hạng mục trong giai đoạn 1 của Dự án đầu tư hệ thống quản lý giao thông thông minh TP Cần Thơ gồm: Trung tâm điều khiển giao thông thông minh ITS; hệ thống hạ tầng (phần mềm hệ thống, phần mềm lõi ITS, cổng thông tin giao thông điện tử (TTGT), phần mềm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (BMS), phần mềm quản lý và giám sát thiết bị (GSTB)) để kết nối các hệ thống ngoại vi và các hệ thống thành phần khác. Ngoài ra, có các thiết bị ngoại vi gồm: hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông dự kiến thay thế tại 12 nút giao, hệ thống đo đếm lưu lượng phương tiện (VDS) dự kiến lắp mới 12 vị trí, hệ thống camera quan sát giao thông (CCTV) dự kiến lắp mới 12 nút giao, hệ thống bảng thông tin giao thông điện tử (VMS) dự kiến lắp mới 2 vị trí, hệ thống giám sát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ (XLVP) dự kiến lắp mới 8 vị trí…
Về tiến độ triển khai thực hiện Dự án đầu tư hệ thống quản lý giao thông thông minh TP Cần Thơ, ông Phạm Văn Ðồng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, cho biết: Tháng 8-2023, UBND thành phố đã Quyết định số 1869/QÐ-UBND về việc tổ chức lại và đổi tên Trung tâm Quản lý và Ðiều hành vận tải hành khách công cộng thành Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị trực thuộc Sở Giao thông vận tải. Trụ sở Trung tâm này nằm ở đường Cách mạng Tháng 8 (quận Bình Thủy) đến nay đã xây dựng cơ bản hoàn thành, chỉ còn đầu tư xây dựng thêm đường vào trung tâm, cây xanh đảm bảo cảnh quan đô thị. Triển khai Dự án đầu tư hệ thống quản lý giao thông thông minh TP Cần Thơ giai đoạn 1, sẽ dành riêng tầng 2 của Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị để đặt Trung tâm điều khiển giao thông thông minh ITS; do đó đến nay cơ sở vật chất đảm bảo. Dự án giai đoạn 1 đã được UBND thành phố phê duyệt, Sở đang tiến hành thiết kế thi công chi tiết, tiến tới tổ chức đấu thầu và dự kiến quý II-2024 sẽ hoàn thành lựa chọn nhà thầu thi công, hệ thống quản lý giao thông thông minh TP Cần Thơ sẽ đi vào vận hành vào cuối năm 2024. Sau giai đoạn 1, sẽ triển khai các giai đoạn 2,3 và mở rộng quản lý từ 12 lên đến 42 nút giao các địa bàn trọng điểm tại 9 quận, huyện.
Theo ông Phạm Văn Ðồng, trong Dự án đầu tư hệ thống quản lý giao thông thông minh TP Cần Thơ cũng có hợp phần cải tạo nhà chờ xe buýt có gắn bảng điện tử thông báo giờ xe buýt hoạt động và truyền dữ liệu về trung tâm, quản lý xe buýt lưu thông trên đường theo hướng thông minh. Hợp phần này đang triển khai và dự kiến hoàn thành trong quý IV-2023.
TP Cần Thơ hiện có 7 tuyến xe buýt nội thành gồm: Ba Láng - Ô Môn, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ - Công viên Sông Hậu - Thị trấn Phong Ðiền - Khu di tích lịch sử chiến thắng Ông Hào, Ô Môn - Ngã ba Lộ Tẻ (Thốt Nốt), Ô Môn - Vĩnh Thạnh, Ngã Ba Lộ Tẻ - Kinh B, Ngã Ba Lộ Tẻ - Cờ Ðỏ… Ngoài ra, thành phố còn có 10 tuyến xe buýt liền kề đang khai thác, kết nối với các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang, Ðồng Tháp, Hậu Giang.l