29/05/2022 - 10:46

Qua Gành Hào nhớ một vầng trăng 

 Truyện ngắn: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Chị yêu sông Gành Hào và yêu cả những mùa lúa chín. Mỗi ngày trên những cánh đồng, lúa vẫn lớn lên, ngậm hạt và khi chín thì vàng rực khiến đất trời như trải cả thảm vàng. Những cánh đồng là một phần của cuộc đời chị, hương lúa vào vụ mùa vô cùng kỳ diệu. Nhưng lâu lắm rồi chị chưa được đi ra những cánh đồng Gành Hào. Vì chị không còn ở Gành Hào từ ngày lấy anh.

Chị thèm ngắm nhìn những cánh đồng mùa lúa chín, màu vàng lúa chín như khoác màu áo mới cho cánh đồng. Những ngày anh còn bên chị, thời gian vô cùng đẹp đẽ. Anh rất thích đưa chị đi đây đi đó để ngắm những ruộng lúa, bởi anh biết chị yêu những cánh đồng đến nhường nào. Anh yêu chị nên việc đưa chị đến những mùa lúa chín với anh là niềm vui. Có khi vào mùa lúa ở Sa Pa, hai vợ chồng quyết định đi cho bằng được, dẫu lần đó anh còn biết bao nhiêu việc cần giải quyết. Anh nói “Không đi sẽ qua mùa lúa chín em à”. Vậy rồi chị và anh bay ra Hà Nội, đi xe lửa ngay trong đêm đến Lào Cai, lại tiếp tục đi xe đò lên Sa Pa. Ðó là cả những thung lũng với những thửa ruộng bậc thang vàng óng, chen cùng khói bếp từ những ngôi nhà và khói rơm tỏa lên trời tạo nên một khung cảnh như tranh. Rồi anh thuê một chiếc xe gắn máy chở chị đi Tả Vạn, Tả Van, Tả Phìn… để tận ngắm những ruộng lúa bậc thang đang chín, dẫu trời đang mưa. Ở Bạc Liêu cũng vậy, có khi anh chở chị đi ra ngoại ô chỉ để ngắm những cánh đồng đang vào mùa gặt. Những mùa gặt ở Bạc Liêu có rất nhiều cánh cò trắng rập rình bắt con cá con tôm trên những cánh đồng lúp xúp nước.

Một tai nạn khiến anh và chị không thể đi trọn đường đời với nhau, chỉ còn một mình chị ở lại chăm lo cho con gái. Trong những tháng năm bươn  chải, chị thèm một lần trở lại Gành Hào, chỉ để nhìn một dòng sông và cánh đồng.

* * *

Chị bệnh cả tuần lễ, phải nằm ở bệnh viện. Vợ chồng con gái túc trực bên cạnh. Hôm nay chị được xuất viện, con rể lấy xe đón chị về. Thằng nhỏ đưa chị đến một cánh đồng mênh mông, lúa đang lên xanh, điểm tô trên bầu trời là những cánh cò trắng chao bay. Chị cảm thấy khỏe hẳn lên và vui. Chị hỏi: “Sao con biết mẹ muốn ngắm ruộng lúa?”. Con rể trả lời: “Vợ con kể ngày xưa ba cầu hôn mẹ ở một cánh đồng lúa”. 

Ngày con gái mới quen con rể và đưa về ra mắt, chị không ưng lắm, vì chị vẫn muốn con gái mình chọn một chàng trai bề gì cũng có địa vị trong xã hội. Bất cứ bà mẹ nào cũng thế, luôn mong cho con gái mình có một chỗ dựa vững chắc. Hai đứa nhỏ gặp nhau ở một lớp học dạy nấu ăn. Lúc đó con gái mới lên Thành phố Hồ Chí Minh trọ học, một hôm lướt trên mạng thì thấy chiêu sinh lớp học nấu ăn. Ừ, rảnh rỗi đi học nấu ăn cũng là niềm vui. Con rể là thầy đứng lớp nấu ăn. Nói là thầy chứ con rể chỉ hơn con gái chị có 5 tuổi. Con gái đi học nấu ăn rồi phải lòng anh thầy coi như là duyên nợ.

Lúc đó chị nói với con gái: “Nghề nấu ăn vất vả lắm, cái nghề tối ngày phải ở trong bếp”. Chị nói như thế, rồi nhìn ra con phố với hàng cây cổ thụ vút cao, che khuất ánh nắng mặt trời. Chị không ngăn cản cuộc tình của con gái, chị tự nhủ có thể tuổi trẻ sẽ chán nhau như bao nhiêu đôi lứa, còn nếu bền vững thì chị sẽ tìm cách để gầy dựng tương lai cho con.

Thành phố chị ở hiền hòa như con sông dùng dằng chảy qua, không vội để đưa những con thuyền ra khơi xa. Chị đến thành phố này bởi tình yêu, dẫu khởi đầu là anh đã đàn hát cho chị nghe bài “Ðêm Gành Hào nhớ điệu Hoài Lang” trong một đêm ở một quán nhỏ bên bến sông, nghe buồn mênh mang “Trăng Gành Hào tròn như chiếc gương. Giờ tóc pha sương qua Gành Hào tiếc một vầng trăng”... Những câu hát buồn da diết giống như Bạc Liêu về đêm, quanh con sông có những chiếc ghế đá nhỏ, đó là nơi đôi lứa hẹn hò, có khi trăng chếch rọi những mảng sáng xuống dòng sông. Ừ, thì chị đến Bạc Liêu cũng vì tình yêu thì làm sao chị ngăn cản được mối tình của con gái mình? Dẫu chị biết rằng, vắng con gái thì căn nhà này sẽ trống một căn phòng, gió mùa thổi vào sẽ làm cho nỗi nhớ nhiều hơn. Chị cũng đã đi dọc sông Gành Hào cùng với anh, qua hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Con sông rất lạ, khởi nguồn chỉ rộng chừng 50 mét, nhưng khi đến Bạc Liêu lại rộng lên tới 300 mét trước khi đổ ra biển.

Trước khi gả con, chị bảo với con rể là chỉ mong hai đứa thường xuyên về nhà, bởi Bạc Liêu không phải chỉ có những làn điệu dân ca, mà còn có một ngôi nhà. Mấy tháng sau, con rể chọn công việc ở Bạc Liêu, như một cách cám ơn chị đã sinh ra con gái. Thằng nhỏ khi gặp lần đầu hiền lành và rụt rè như vậy, thật ra thì rất giỏi giang và biết thu xếp công việc. Căn nhà của chị rộng, có cả một mảnh đất nhỏ trồng cây, trở nên ấm áp khi con gái trở về và chị có thêm một chàng rể. Con rể mở một quán ăn và chẳng mấy chốc trở thành nhà hàng đông đúc. Còn con gái tất nhiên là ngoài công việc hằng ngày ở một công ty sự kiện, rảnh là tới phụ chồng. Và cũng từ bàn tay của con rể, khu vườn nhỏ đã thành một vườn trồng đủ thứ rau trái, và cả hoa hồng.

Chủ nhật, chị đã bình phục hẳn. Vừa thức dậy đã thấy hai vợ chồng con gái đã ngồi ở phòng khách, nói mẹ chuẩn bị đi, tụi con đưa mẹ đi dã ngoại. Vậy là đi. Ðể rồi khi qua Ðông Hải, dừng chân ở thị trấn quen, trước mặt là dòng sông Gành Hào mênh mông nước. Xa xa là rừng đước, len ở bờ sông những bông hoa điên điển vàng, trên sông có những miệng đáy. Chị có cảm giác như mình vừa tới đây hôm qua. Nơi này là nỗi nhớ của chị, anh và chị đến với nhau từ bài ca anh đã hát.

Dòng sông Gành Hào vẫn mải mê trôi về phía biển, dòng sông ấy ôm trong mình điệu “Dạ cổ hoài lang” cùng trùng trùng gió mang đến cho những trái tim người khát vọng yêu và được yêu. Dòng sông chẳng bao giờ tiếc một vầng trăng đã in bóng dẫu bao nhiêu người đã tìm đến nơi này rồi giã biệt. Chị nhòe nước mắt và gió đang lay trên những hàng cây. Vợ chồng con gái chen xuống bờ sông hái những bông điên điển. Những bông điên điển vẫn nở vàng, con nước của dòng sông vẫn trôi về phía biển mênh mông. Chị đã đến dòng sông mình tương tư, nơi chị luôn nhớ một vầng trăng.

Chia sẻ bài viết