13/08/2019 - 10:22

PrEP giúp giảm 90% nguy cơ nhiễm HIV 

Tại TP Cần Thơ, nhóm người có nguy cơ nhiễm HIV cao sẽ có thêm sự lựa chọn với điều trị dự phòng lây nhiễm HIV (PrEP). PrEP giúp giảm 90% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm 70% nguy cơ qua tiêm chích ma túy.

PrEP là sử dụng thuốc kháng vi-rút ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV có nguy cơ cao bằng cách uống thuốc hằng ngày. Thuốc sẽ mất hiệu lực khi ngừng dùng thuốc. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Vân, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, trước đây ARV chỉ điều trị HIV, còn hiện nay, ARV còn dùng để dự phòng lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, liều dùng khác nhau.

Giảng viên và học viên nhập vai tư vấn cho khách hàng tại lớp tập huấn PrEP ở Cần Thơ.

Đầu tháng 8-2019, được sự hỗ trợ của WHO, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ tổ chức lớp tập huấn về PrEP cho các cán bộ y tế, nhân viên tiếp cận cộng đồng nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới). Theo Trung tâm, dự kiến sắp tới sẽ mở thêm lớp tập huấn và sự kiện truyền thông quảng bá PrEP. Trung tâm cũng đang liên hệ các cơ sở y tế có điều trị ARV, các nhà thuốc để xem xét xây dựng kế hoạch triển khai PrEP.

Vì sao phải triển khai PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV trong khi hiện nay chiến lược dự phòng đã có bao cao su, bơm kim tiêm sạch. Thậm chí người nhiễm HIV nếu tuân thủ điều trị ARV, tải lượng vi-rút dưới 200 bản sao/ml thì không có khả năng lây truyền HIV cho người khác. Vấn đề này, theo lý giải của cơ quan chuyên môn, trong thực tế, không phải lúc nào cũng có sẵn bao cao su để sử dụng, người có HIV chưa điều trị ARV hoặc tải lượng vi-rút vẫn còn cao thì vẫn có những nguy cơ lây nhiễm HIV. Trong trường hợp sử dụng 100% bao cao su thì hiệu quả bảo vệ từ 59%-86% tùy theo quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn. Chính vì thế, PrEP được triển khai và là một thành phần trong chiến lược tổng thể dự phòng nhiễm HIV. Từ năm 2016, PrEP được triển khai thí điểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đến nay, trong cả nước có 11 tỉnh, thành triển khai. Năm 2018, Bộ Y tế cũng phê duyệt kế hoạch triển khai điều trị PrEP.

Các nhóm đối tượng có thể sử dụng PrEP là các nhóm có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV, gồm: MSM, người chuyển giới nữ, bạn tình khác giới không nhiễm HIV của người nhiễm HIV, người bán dâm, người tiêm chích ma túy. Anh Đặng Quốc Phong, Nhóm S đỏ, nhân viên tiếp cận cộng đồng chương trình phòng, chống HIV, nói: “Hiện ở TP Cần Thơ có một số bạn MSM đã sử dụng PrEP. Các bạn khám, tư vấn, lấy thuốc, xét nghiệm ở TP Hồ Chí Minh mỗi tháng/lần. Nếu dịch vụ này được triển khai tại TP Cần Thơ thì rất tốt”.

Tuy nhiên, cần phân biệt rõ, PrEP dùng cho người chưa nhiễm HIV, chưa phơi nhiễm HIV. Còn đã phơi nhiễm thì điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV gọi là PEP. PrEP không phòng được các bệnh lây qua đường tình dục khác ngoài HIV nên vẫn cần sử dụng bao cao su và chất bôi trơn trong các lần quan hệ tình dục. Không chỉ định PrEP khi: HIV dương tính hoặc chưa xác định được tình trạng HIV; có dấu hiệu hoặc triệu chứng của nhiễm HIV cấp tính, rối loạn chức năng thận (độ thanh thải ceratinine dưới 60 ml/phút), dị ứng với thuốc TDF và FTC, phơi nhiễm với HIV trong 72 giờ qua.

PrEP không tương tác với đa số các thuốc khác, an toàn khi uống cùng với nhau. 10% bệnh nhân có thể có đau dạ dày hoặc đau đầu nhẹ, thường tự hết sau 1-2 tuần và không dẫn đến việc ngưng thuốc. PrEP có thể ảnh hưởng đến mật độ chất khoáng ở xương và chức năng thận nhưng chỉ dưới 1%, khi ngưng thuốc thì tự hết.

Sau  khi uống đủ 7 liều thuốc thì PrEP mới có tác dụng bảo vệ quan hệ tình dục qua đường hậu môn. Với quan hệ tình dục qua đường âm đạo, phòng lây nhiễm HIV qua đường máu thì sau khi uống đủ 21 liều mới có tác dụng bảo vệ. PrEP được xem là một biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả và là một thành phần trong chiến lược tổng thể dự phòng lây nhiễm HIV.

Cả nước hiện có 250.000 người nhiễm HIV còn sống nhưng mới chỉ có khoảng 200.000 người biết được tình trạng nhiễm của họ. Ở TP Cần Thơ, đến nay, có 83% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của họ.

Bài, ảnh: Đ.Lý

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
PrEPnhiễm HIV