17/03/2018 - 10:03

Phương Tây “cảnh giác” với đầu tư từ Trung Quốc 

Trong bối cảnh Trung Quốc muốn khuếch trương sự giàu có và ảnh hưởng, Mỹ không phải là nước duy nhất tìm cách bảo vệ các ngành công nghiệp của mình dưới vỏ bọc an ninh quốc gia. Chính phủ nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, cũng thận trọng với các khoản đầu tư từ Trung Quốc nhằm bảo vệ lợi thế cạnh tranh của họ.

Robot lắp ráp xe hơi tại Kuka, hãng được một công ty Trung Quốc mua lại hồi năm 2016. 

Theo đó, châu Âu đang đẩy mạnh việc kiểm soát chặt chẽ các khoản đầu tư nước ngoài, chủ yếu là đến từ Trung Quốc. Theo tờ Thời báo New York (NYT), nhiều chính phủ đang khẩn trương rà soát lại các khoản đầu tư nước ngoài trong bối cảnh Trung Quốc bắt tay chuyển đổi nền kinh tế nước này với tham vọng trở thành một siêu cường công nghệ cao theo chính sách “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc 2025). NYT cho biết, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hồi tháng 9-2017 đã đề xuất thiết lập một cơ chế kiểm soát các hợp đồng đầu tư của các công ty nước ngoài. Trong khi đó, Quốc hội Đức hồi năm ngoái đã thông qua một đạo luật trong đó cho phép “soi” kỹ các hợp đồng xem có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay không nếu cổ phần của nhà đầu tư đạt mức 25%.

Những động thái này được đưa ra giữa lúc nhiều lo ngại cho rằng châu Âu sẽ mất lợi thế cạnh tranh về công nghệ cũng như chuyển giao cái gọi là công nghệ lưỡng dụng (được sử dụng cho dân sự lẫn quân sự) cho Trung Quốc sau khi một công ty Trung Quốc hồi năm 2016 mua lại Kuka, nhà sản xuất robot lớn nhất và tiên tiến nhất của Đức. Mối lo ngại càng tăng cao khi Trung Quốc tăng cường đầu tư vào đường sắt, cảng cũng như các cơ sở hạ tầng chiến lược khác trên khắp Nam và Trung Âu.

Hiện Úc cũng đang ra sức ngăn cản nhà thầu Trung Quốc mua các tài sản chiến lược, trong khi một công ty Trung Quốc đang đối mặt với cuộc điều tra tại Canada.

Trong khi đó, Mỹ dường như có vẻ “mạnh tay” nhất đối với các công ty Trung Quốc. Nhà Trắng mới đây đã quyết định ngăn chặn thương vụ trị giá 117 tỉ USD của tập đoàn sản xuất chip bán dẫn Broadcom có trụ sở tại Singapore nhằm tiếp quản nhà sản xuất chip điện tử dùng trong các thiết bị di động hàng đầu thế giới Qualcomm, cho rằng vụ mua bán này sẽ tạo lợi thế cho các đối thủ Trung Quốc. Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) cũng đã bác bỏ một số thỏa thuận mua bán với các công ty Trung Quốc.

Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm kiềm chế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều trở ngại. Ngay cả ở Đức cũng không có sự thống nhất giữa giới lãnh đạo chính trị, bởi Thủ tướng Angela Merkel có quan hệ mật thiết với Bắc Kinh giữa lúc Trung Quốc đang trở thành một thị trường quan trọng đối với hãng sản xuất xe hơi Đức Volkswagen. Trong khi đó, châu Âu cũng bị chia rẽ xung quanh cách đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc khi mà Hy Lạp, Hungary và các quốc gia nghèo ở khu vực Nam và Trung Âu, vốn được Bắc Kinh hỗ trợ trong cuộc khủng hoảng tài chính, phản đối việc kiểm soát chặt chẽ đối với các công ty Trung Quốc.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết