19/12/2019 - 14:42

Phong trào Đồng khởi 1960 - Bước ngoặt của cách mạng miền Nam 

Thắng lợi của cuộc Đồng khởi ở Bến Tre ghi đậm mốc son lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của miền Nam nói chung và của nhân dân Bến Tre nói riêng.

Phong trao Dong khoi 1960 - Buoc ngoat cua cach mang mien Nam hinh anh 1

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN)

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng phối hợp cùng Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về chủ đề “Phong trào Đồng khởi 1960 - Bước ngoặt của cách mạng miền Nam.”

Tham dự hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Bến Tre qua các thời kỳ cùng đại diện các bộ, ngành trung ương và hơn 300 đại biểu tham dự.

Khẳng định đường lối đúng đắn

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: Hội thảo khoa học “Phong trào Đồng khởi 1960 - Bước ngoặt của cách mạng miền Nam” tiếp tục khẳng định đường lối đúng đắn, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình chuyển hướng chỉ đạo cách mạng miền Nam; sự nhạy bén, sáng tạo của Xứ ủy Nam Bộ, nhân tố quan trọng tạo nên thắng lợi của phong trào Đồng khởi.

Hội thảo khẳng định vai trò, vị trí của phong trào Đồng khởi đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước; làm rõ tầm vóc, ý nghĩa, kết quả, nguyên nhân thắng lợi của phong trào Đồng khởi, mà đỉnh cao là Đồng khởi ở Bến Tre.

Hội thảo cũng đúc rút những kinh nghiệm quý, những bài học thiết thực để phát huy, vận dụng vào thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề xuất một số nội dung cần tập trung thảo luận, làm rõ khẳng định rõ đường lối, tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định để phong trào Đồng khởi giành thắng lợi; làm rõ tính sáng tạo trong tổ chức lực lượng, phương pháp đấu tranh của quân và dân miền Nam trong phong trào Đồng khởi; làm sâu sắc hơn vai trò, vị trí của phong trào Đồng khởi đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên cơ sở đó, đúc rút những bài học kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về kỷ niệm 60 năm phong trào Đồng khởi là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhìn lại sự kiện lịch sử trọng đại này, tự hào về những chiến công của các thế hệ cha anh đã lập nên trong phong trào Đồng khởi nói riêng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung; đúc rút những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử để vận dụng, phát huy để tạo nên khí thế “Đồng khởi mới” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tại cuộc hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được gần 80 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương, các quân khu, quân đoàn, quân, binh chủng, học viện, viện nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội…

Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng vấn đề cụ thể, nhưng tất cả đều tập trung làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn: thắng lợi của phong trào Đồng khởi 1960 - thành công xuất sắc trong chỉ đạo chiến lược của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; thắng lợi của phong trào Đồng khởi - thể hiện sự nhạy bén, sáng tạo của Xứ ủy Nam Bộ và các cấp bộ đảng miền Nam; thắng lợi của phong trào Đồng khởi đánh dấu sự hình thành phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi,” sự ra đời của “Đội quân tóc dài”; thắng lợi của phong trào Đồng khởi đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật chỉ đạo mở đầu chiến tranh cách mạng.

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định, quyết định chuyển hướng chỉ đạo cách mạng miền Nam được đề ra tại Nghị quyết Trung ương 15 là chủ trương đúng đắn, một thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược, thể hiện tầm cao trí tuệ, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu trí, đấu lực với đế quốc Mỹ xâm lược.

“Đồng khởi mới”

Phát biểu tại buổi Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi nhận định, 60 năm đã qua, nhưng sự kiện Đồng khởi vẫn luôn in đậm trong lòng người dân cả nước.

Phong trao Dong khoi 1960 - Buoc ngoat cua cach mang mien Nam hinh anh 2

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN)

Đối với nhân dân Bến Tre, tinh thần Đồng khởi trở thành truyền thống bất khuất, thấm sâu vào máu thịt, trở thành ý chí quyết tâm của mỗi người.

Tinh thần Đồng khởi ấy được phát huy vào công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển quê hương, làm thay da đổi thịt mảnh đất cù lao vốn bị chia cắt, trở thành một vùng đất thu hút sự quan tâm, chú ý của các nhà đầu tư, bạn bè trong nước và thế giới.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi cũng cho biết, những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự quan tâm của các ban, bộ, ngành trung ương, sự giúp đỡ của địa phương bạn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, tập trung huy động nguồn lực, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước giành được nhiều thành tích to lớn; nổi bật là phong trào thi đua “Đồng khởi mới,” “Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp,” nhằm biến tinh thần Đồng khởi trong đấu tranh giải phóng dân tộc thành phong trào Đồng khởi trong xây dựng nông thôn mới, vươn lên làm giàu, thoát nghèo.

Đến nay, tỉnh Bến Tre đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra của nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó, có một số chỉ tiêu vượt kế hoạch; công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh có nhiều chuyển biến tích cực; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Đồng khởi là phong trào đấu tranh, nổi dậy của quân và dân miền Nam chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm trong thời kỳ chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phong trào đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15, nhân dân miền Nam vùng lên khởi nghĩa đồng loạt để giành chính quyền.

Phong trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam đã căn bản làm tan rã chính quyền của địch ở nông thôn; đồng thời, đã chuyển vị thế của cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.

Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II ra đời với chủ trương “lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng võ trang để đánh đổ chính quyền của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân” đã giải quyết vấn đề mấu chốt do tình hình thực tiễn đang đặt ra lúc bấy giờ. Thời cơ đã đến, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre như “nắng hạn gặp mưa rào” đã nhanh chóng chuẩn bị mọi điều kiện triển khai lực lượng với tinh thần, khí thế mới, quyết tâm giành thắng lợi.

Với sự nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, niềm tin tưởng khả năng cách mạng của quần chúng, Đảng bộ Bến Tre đã mạnh dạn phát động cuộc Đồng khởi vào ngày 17/1/1960, mở màn và đột phá ở 3 xã: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh (huyện Mỏ Cày), sau đó nổ ra đồng loạt trên khắp địa bàn toàn tỉnh và nhanh chóng lan rộng toàn miền Nam.

Phong trào Đồng khởi đã làm kẻ thù vô cùng khiếp đảm, mặc dù đã dùng mọi thủ đoạn, huy động rất đông lực lượng đàn áp nhưng vẫn chuốc lấy thất bại cay đắng trước khí thế cách mạng của nhân dân.

Thắng lợi của cuộc Đồng khởi ở Bến Tre góp phần làm sáng tỏ tính đúng đắn, kịp thời của đường lối cách mạng mà Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương đề ra; là thắng lợi thể hiện sự nhanh nhạy trong nắm bắt thời cơ, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ tỉnh; là kết quả của việc phát huy truyền thống, kinh nghiệm tiến công quân sự, nổi dậy khởi nghĩa, là sự kiên cường, quật khởi của nhân dân Bến Tre.

Thắng lợi của cuộc Đồng khởi ở Bến Tre ghi đậm mốc son lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của miền Nam nói chung và của nhân dân Bến Tre nói riêng. Chiến công đó của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre được cả nước ghi nhận.

Theo Trần Thị Thu Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết