07/12/2015 - 20:29

Phòng tránh và điều trị sa tử cung

Mới đây, cụ bà 87 tuổi ở Bắc Ninh tự dùng dao cắt phần tử cung bị sa ra bên ngoài, nguy cơ chạm bàng quang. Vết thương nhiễm trùng, nếu không cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Lý do khiến cụ bà làm liều: khó chịu với phần tử cung lồi ra bên ngoài.

Cụ bà nhập viện trong tình trạng tổn thương thành âm đạo phức tạp, sa sinh dục mức cao nhất, toàn bộ phần tử cung bị rơi ra ngoài cơ thể. Bà tự dùng dao cắt phần "thịt lồi", vết cắt dài gần 20 cm chạm bàng quang nhưng may mắn chưa làm tổn thương bàng quang. Vết thương bắt đầu nhiễm trùng, nếu xử lý chậm hơn bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng huyết, nặng hơn là hoại tử. Các bác sĩ cắt bỏ hoàn toàn phần tử cung của cụ.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần tầm soát sức khỏe định kỳ.

Nhân sự việc này, Thạc sĩ – bác sĩ Trịnh Hoài Ngọc, Trưởng khoa Phụ, Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ có vài khuyến cáo bổ ích cho chị em độ tuổi sinh sản về dấu hiệu nhận biết bệnh, nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh bệnh lý sa tử cung.

Khoảng 50% phụ nữ độ tuổi từ 50 – 79 tuổi mắc bệnh. Sa tử cung hay còn gọi là sa sinh dục, là sự đi xuống của tử cung, trực tràng hoặc bàng quang vào trong hoặc ra ngoài âm đạo, phần sa này sẽ tạo một khối phồng trong âm đạo mà dân gian thường gọi là "cục thịt dư". Sa tử cung không đe dọa tính mạng nhưng ảnh hưởng chất lượng sống, đặc biệt phụ nữ độ tuổi mãn kinh. Sa tử cung được gọi chính xác hơn là sa tạng chậu, bao gồm: sa bàng quang, sa tử cung, sa ruột non, sa trực tràng, sa vòm âm đạo.

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến sa các tạng vùng chậu, chẳng hạn như số lần sinh ngã âm đạo, tiền sử gia đình (có mẹ, chị em sa tạng chậu), mãn kinh, nâng vật nặng, béo phì, hút thuốc lá, ho mãn tính, hen suyễn hoặc viêm phế quản mãn tính, bệnh thần kinh hay do chủng tộc. Các triệu chứng của sa tạng chậu: Sờ thấy khối phồng bên trong hoặc thập thò âm hộ; cảm giác trằn nặng vùng chậu; són tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính, tiểu khó; đi tiêu khó khăn; đau lưng dưới; đau khi giao hợp. Vì lẽ đó, phụ nữ bị sa tạng vùng chậu thường cảm thấy cô đơn, cô lập và chán nản. Họ thường cảm thấy bối rối, ngại tiếp xúc, không thể chia sẻ với ai và không biết điều trị như thế nào. Chị em nên liên hệ với bác sĩ ngay khi có triệu chứng: Cảm thấy có một khối phồng thò ra khỏi âm đạo; đau lưng dưới hoặc gia tăng áp lực vùng chậu gây trở ngại cho các hoạt động hàng ngày; ra huyết âm đạo bất thường, đặc biệt là ra huyết sau mãn kinh; són tiểu, tiểu khó, tiểu lắt nhắt, hay bị nhiễm trùng niệu tái phát; quan hệ tình dục đau đớn hoặc khó khăn…

Tại BV Phụ sản TP Cần Thơ, năm qua, tiếp nhận khoảng 300 trường hợp sa tạng chậu đến khám và điều trị. Triệu chứng chính khiến người phụ nữ đi khám là sờ thấy một khối "thịt dư" sa ra ngoài âm đạo, các triệu chứng thường gặp khác là rối loạn đi tiểu, đi cầu khó và viêm loét khối sa. Tuy nhiên, một số trường hợp đến trễ, có nhiều triệu chứng như viêm loét cổ tử cung nặng phải điều trị thời gian dài mới có thể phẫu thuật được. Hiện nay, BV có phòng khám sàn chậu chuyên điều trị các rối loạn về chức năng sàn chậu bao gồm sa tử cung, bàng quang, trực tràng, rối loạn đi tiểu… BV đang thực hiện các kỹ thuật như: Tập sàn chậu; đặt vòng nâng; phẫu thuật cắt tử cung ngã bụng và ngã âm đạo; phẫu thuật đặt mảnh ghép tổng hợp treo bàng quang, tử cung, trực tràng qua ngã âm đạo và nội soi ổ bụng.

Để phòng tránh bệnh sa tạng chậu, theo Thạc sĩ – bác sĩ Trịnh Hoài Ngọc, chị em cần: Duy trì trọng lượng khỏe mạnh bằng cách giữ hoặc đạt được trọng lượng trong giới hạn cho phép. Thực hành bài tập Kegel: quá trình mang thai và sanh nở có thể làm suy yếu mô liên kết và các cơ sàn chậu. Do đó, trước và sau khi sinh phụ nữ có thể tập một số bài tập nhằm tăng cường sức cơ sàn chậu như bài tập Kegel. Nếu không, có thể chỉ cần các bài tập cơ bản như co giãn cơ sàn chậu cũng có hiệu quả trong dự phòng bệnh sa tạng chậu. Bên cạnh đó, kiểm soát ho: điều trị ho mãn tính, viêm phế quản và không hút thuốc lá.

MINH THI (lược ghi)

Chia sẻ bài viết