02/09/2024 - 07:55

Phòng ngừa ma túy xâm nhập học đường 

Ðầu năm 2024, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy. Bị cáo có tuổi đời rất trẻ và đang là sinh viên theo học tại một trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Thực trạng này là hồi chuông cảnh báo nguy cơ ma túy xâm nhập học đường ngày càng phức tạp, tinh vi. Các ngành chức năng cần kịp thời có các biện pháp đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa chung, đặc biệt là ở môi trường học đường.

Học sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa tham gia buổi triển khai thực hiện mô hình “Trường học thân thiện, học sinh thanh lịch, không ma túy, không tệ nạn xã hội và không bạo lực học đường”. Ảnh: CTV

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hồ Chí Minh, lúc 20 giờ ngày 12-4-2023, tại trước nhà số 180, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 10, quận 5, TP Hồ Chí Minh, tổ công tác Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra hành chính, phát hiện, lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Nguyễn Quang Huy (sinh năm 2000, ngụ quận 5, TP Hồ Chí Minh, đang là sinh viên của một trường đại học) về hành vi cất giấu ma túy để bán cho người khác. Vật chứng là 5 gói nylon chứa ma túy, khối lượng 8,5821g, loại Ketamine. Cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Huy và thu giữ thêm 3 gói nylon chứa ma túy, khối lượng 18,2953g, loại Methamphetamine và MDMA; 8 gói nylon chứa ma túy, khối lượng 13,8163g, loại Ketamine và 2 cân điện tử.

Tại cơ quan điều tra, Huy khai số ma túy bị thu giữ là của Mai Hoàng Long (sinh năm 2000, ngụ quận 5, TP Hồ Chí Minh). Sau đó, Cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Long, thu giữ 25 gói nylon chứa ma túy. Qua điều tra, Huy và Long khai nhận đã nhiều lần mua ma tuý của đối tượng tên Trương Trung Hiếu để bán lại kiếm lời. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định hành vi của Long và Huy là đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quy định của Nhà nước về quản lý các chất ma túy và phòng, chống ma túy, nên phải xử lý nghiêm. Vì vậy, Hội đồng xét xử tuyên xử Long 20 năm tù, Huy 15 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Nhận thức rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của công tác phòng, chống ma túy (PCMT) trong trường học, những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như toàn ngành giáo dục luôn chú trọng, quan tâm chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp cụ thể trong tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng PCMT trong các nhà trường. Tuy nhiên, tệ nạn ma túy đang diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi, hình thức xâm nhập vào các trường học ngày càng đa dạng. Vì vậy, công tác PCMT trong nhà trường đòi hỏi phải được thực hiện một cách quyết liệt, mạnh mẽ, bài bản và thống nhất về tổ chức chỉ đạo; đồng thời có các giải pháp đồng bộ, căn cơ, sáng tạo, phù hợp trong môi trường giáo dục. Việc tổ chức giáo dục tốt cho học sinh, sinh viên về PCMT chính là xây dựng thế hệ trẻ khỏe mạnh cả về thể chất, tâm hồn, có bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý chí rèn luyện, học tập, lập thân, lập nghiệp; có kỹ năng sống, xây dựng môi trường học tập lành mạnh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 356/QĐ-BGDĐT ngày 3-2-2023 phê duyệt Dự án “Tăng cường năng lực PCMT trong trường học đến năm 2025” với những mục tiêu cụ thể: 100% nhà trường xác định được thực trạng công tác PCMT trong nhà trường (ưu điểm, nhược điểm, nguyên nhân hạn chế, yếu kém); hiệu quả của việc tuyên truyền, giáo dục PCMT cho các thành viên nhà trường, từ đó đề xuất các biện pháp tiếp cận mới, tổng quát và hiệu quả hơn; 100% nhà trường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về PCMT với các hình thức, nội dung phù hợp với các nhà trường. Ít nhất 90% cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên nhà trường được trang bị kiến thức và kỹ năng PCMT để có đủ năng lực thực hiện được việc tăng cường lồng ghép, tích hợp nội dung tuyên truyền, giáo dục PCMT trong giảng dạy chính khóa, hoạt động trải nghiệm và giải quyết các vướng mắc liên quan đến vấn đề ma túy cho học sinh, sinh viên khi cần; 100% nhà trường thành lập ban chỉ đạo PCMT thực hiện nhiệm vụ thường xuyên gắn với nhiệm vụ, hoạt động của nhà trường trong từng năm học; thiết lập được đường dây nóng tiếp nhận thông tin, phản ánh, tư vấn, hỗ trợ và có giải đáp phù hợp, kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác PCMT trong trường học.

Dự án nêu rõ, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCMT trong nhà trường cho học sinh, sinh viên, cụ thể như sau: xây dựng kế hoạch truyền thông PCMT cho các thành viên trong nhà trường; tổ chức tuyên truyền trên các website, cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương, hằng năm tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về PCMT, nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, sinh viên; xây dựng tài liệu, học liệu (sách, phim tuyên truyền...); hằng năm tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết nghiêm túc chấp hành pháp luật, không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng ma túy; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào đấu tranh PCMT. Bên cạnh đó, các nhà trường phát triển, bồi dưỡng đội ngũ hạt nhân tuyên truyền về giáo dục PCMT; các cơ sở giáo dục phổ thông phát triển mô hình câu lạc bộ “Học sinh PCMT” và các cơ sở giáo dục đại học phát triển mô hình câu lạc bộ “Tuổi trẻ PCMT” nhằm tăng cường đội ngũ tuyên truyền đến các thành viên trong nhà trường và gia đình người học về các tác hại của ma túy, khó khăn khi cai nghiện ma túy, cách phát hiện và phòng tránh nghiện ma túy...

HOÀNG YẾN

 

Chia sẻ bài viết