20/06/2019 - 17:07

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Phòng chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân 

(CT)- Ngày 20-6-2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tại cầu truyền hình TP Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thanh Dũng và các sở, ngành chức năng tham dự.

TP Cần Thơ tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác PCTT-TKCN

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, năm 2018, thiên tai đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, khó dự báo, cảnh báo. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng tránh thiệt hại về người và tài sản, nhưng cả nước vẫn chịu nặng nề do thiên tai, với 224 người chết và mất tích (giảm 30% so với năm 2017), thiệt hại kinh tế khoảng 20.000 tỉ đồng (giảm 67% so với năm). Từ đầu năm 2019 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai làm 23 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế ước trên 337 tỉ đồng… Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã huy động lực lượng, phương tiện trực tiếp ứng cứu, xử lý 2.933 vụ thiên tai, cứu được 6.624 người và 328 phương tiện; Chính phủ đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cho công tác khắc phục sự cố thiên tai...

TP Cần Thơ thực hiện nhiều công trình PCTT, trong ảnh công trình kè sông Ô Môn phòng chống sạt lở đang được thi công.

Những tháng cuối năm 2019, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT sẽ xây dựng Trung tâm điều hành phòng chống thiên tai Quốc gia vào cuối năm 2019; xây dựng Đề án tổng thể PCTT các khu vực, như: miền núi phía Bắc sẽ tập trung chính vào nâng cao năng lực ứng phó với lũ quét, sạt lở đất; miền Trung, Tây Nguyên sẽ tập trung nâng cao năng lực ứng phó với bão mạnh, siêu bão và tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL; hoàn thành việc lắp đặt thí điểm cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tại một số tỉnh miền núi…

Sạt lở bờ sông, kênh, rạch là một trong những hiện tượng thiên tai xuất hiện nhiều tại khu vực ĐBSCL. Trong ảnh sạt lở bờ sông trên địa bàn quận Bình Thủy, ảnh hưởng sinh hoạt, đi lại của người dân.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ biểu dương các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương nỗ lực trong công tác PCTT-TKCN.  Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị phải coi phòng chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, tổ chức, cá nhân trong PCTT. Đồng thời, PCTT phải được đưa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các ngành, địa phương để giảm thiểu rủi ro. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, kết hợp giải pháp công trình, phi công trình, khôi phục và nâng cấp khắc phục thiên tai tốt hơn; thực thi các cam kết quốc tế và Việt Nam đối với lĩnh vực này; các chính sách về tài chính, công tác xã hội hóa đối với PCTT cần được đẩy mạnh. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tăng cường sự chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan theo hướng tập trung, hiệu lực, hiệu quả, chủ động, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc tham mưu, đề xuất trong công tác gắn liền với tính kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện…

Tin, ảnh: H.VĂN

Chia sẻ bài viết