12/10/2021 - 09:00

Phơi nắng không chữa được bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh 

Nhiều phụ huynh có thói quen phơi nắng cho trẻ sơ sinh để chữa bệnh vàng da và tăng cường hấp thụ vitamin D để phòng ngừa thiếu hụt canxi. Theo bác sĩ chuyên khoa nhi, việc trẻ bị vàng da tự khỏi do bệnh ở mức độ nhẹ, chứ không phải nhờ phơi nắng. Việc chậm trễ chữa trị tình trạng vàng da có thể khiến trẻ bệnh nặng thêm, dẫn đến nhiều biến chứng.

Cán bộ y tế BV Phụ sản TP Cần Thơ chiếu đèn cho trẻ vàng da. Ảnh do BV cung cấp. 

BS CKI Thạch Thị Ngọc Yến, Phó Trưởng Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ ghi nhận, nhiều bà mẹ mới sinh cho biết ngày nào họ cũng tắm nắng cho con. Những ngày trời mưa, các bà mẹ lo lắng, sợ tình trạng vàng da của con nặng thêm, sợ con không đủ canxi sẽ quấy khóc. Trong khi vàng da là tình trạng màu da của bé thay đổi sang màu vàng do chất bilirubin tăng cao trong máu. Trẻ sơ sinh thường bị vàng da, gặp nhiều hơn ở trẻ sinh non tháng.

Có 2 loại vàng da, gồm vàng da tăng bilirubin trực tiếp còn gọi là vàng da tắc mật. Ngoài biểu hiện vàng da, bé còn đi tiêu phân bạc màu và tiểu sậm màu hơn. Những trường hợp này cần được bác sĩ chuyên khoa tư vấn, cho trẻ nhập viện điều trị. Loại vàng da thứ hai do tăng bilirubin gián tiếp, thường gặp hơn và được gọi tắt là vàng da sinh lý, xuất hiện vàng da ở mặt và ngực sau 2-3 ngày tuổi. Trẻ khỏe, bú tốt, lên cân tốt và thường tự khỏi trong tuần đầu. Nhưng cũng có một số trường hợp trở thành bệnh lý nếu như chất bilirubin trong máu tăng cao và tràn qua hàng rào bảo vệ não của trẻ, phá hủy các nhân thần kinh gây tổn thương não cho trẻ gọi là vàng da nhân, có thể khiến trẻ bị liệt, mù, điếc, chậm phát triển tâm thần vận động...

Theo các bác sĩ, để xác định tình trạng vàng da, cha mẹ đưa trẻ ra nơi có ánh sáng ban ngày, dùng 2 ngón tay căng vùng da và quan sát màu da bên dưới của trẻ. Vàng da ở trẻ sơ sinh xuất hiện trước tiên ở mặt và tiến triển theo hướng từ đầu đến chân. Do đó, bố mẹ xác định vị trí vàng da cho con như sau: trán -> mũi -> ngực -> trên rốn -> dưới rốn -> đùi -> cẳng chân -> lòng bàn chân. Lượng bilirubin càng cao thì màu vàng sẽ thấy được ở vùng càng thấp chừng đó.

Khi phát hiện trẻ bị vàng da, mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ, theo dõi sát sự tiến triển của vàng da. Trẻ cần được đưa đi khám ngay khi có một trong những dấu hiệu sau: vàng da sớm: xuất hiện trong vòng 24 giờ đầu sau sinh; vàng da tới đùi; vàng da tăng nhanh; vàng da kèm theo những dấu hiệu khác: bú kém, ọc sữa, lừ đừ, sốt...; tình trạng vàng da sau 2 tuần tuổi ở trẻ sinh đủ tháng và sau 3 tuần ở trẻ sinh non. Hiện nay, có 2 phương pháp điều trị vàng da hiệu quả. Ðó là ánh sáng liệu pháp hay gọi là chiếu đèn tại BV và thay máu khi mức độ vàng da nặng hơn. Bác sĩ lấy máu có nhiều bilirubin ra thay bằng máu có chứa rất ít bilirubin của người khỏe mạnh.

Vàng da ở trẻ sơ sinh là hiện tượng rất thường gặp và hoàn toàn có thể điều trị dễ dàng bằng chiếu đèn. Tuy nhiên, đánh giá tình trạng vàng da của bé và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng. Nếu không điều trị tốt có thể gây tổn thương não vĩnh viễn cho bé. BS Ngọc Yến lưu ý các gia đình có trẻ sơ sinh: “Phơi nắng hoàn toàn không giúp làm giảm vàng da mà còn làm cho da bé bị khô, mất nước và nhất là làm chậm trễ việc điều trị kịp thời, hiệu quả cho bé. Hầu hết các bé hết vàng da sau khi phơi nắng là do mức độ vàng da của bé nhẹ nên tự khỏi mà thôi. Với cách phơi nắng thông thường như mỗi buổi sáng đem bé ra phơi từ 15-20 phút hoàn toàn không có tác dụng gì cả trong việc điều trị vàng da. Thực tế, một số bố mẹ mang bé đi khám khi tình trạng vàng da đã ở mức độ nặng, trễ, bé đã có triệu chứng tổn thương não như bỏ bú, li bì…

Một số bà mẹ nuôi con nhỏ còn thắc mắc, việc phơi nắng có giúp cung cấp vitamin D đủ để trẻ phát triển xương trong giai đoạn đầu đời không. Theo các nghiên cứu, trong ánh nắng, có cả loại tia có lợi và có hại cho da. Tia có lợi là UVB, có bước sóng ngắn từ 290nm-320nm, là tia giúp cơ thể tạo vitamin D. Tia UVA có bước sóng dài 320nm-400nm nên nó xuyên được qua ozone, mây, bụi... và xuyên sâu vào da, tác hại cho da, gây già, xấu và gây ung thư da. Tia độc hại này xuất hiện từ 6 giờ sáng cho đến khi mặt trời lặn.

Tuy nhiên, chỉ có khung giờ từ 10 giờ trưa đến 14 giờ mới đủ lượng UVB để tổng hợp viatmin D. Nếu người mẹ đưa trẻ ra phơi nắng trong thời gian này thì ngoài hấp thụ lượng UVB, bé còn “được thêm” lượng lớn các tia nguy hại gây bỏng da, mất nước, lão hóa và nguy cơ ung thư da cho hai mẹ con. Từ năm 2008, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã nhân đôi lượng vitamin D khuyến cáo cho trẻ dưới 1 tuổi từ 200 UI/ngày lên thành 400 UI/ngày và không khuyến cáo việc phơi nắng vì nguy cơ ung thư da. Giai đoạn vàng bổ sung vitamin D cho con là 1.000 ngày đầu đời. Sau giai đoạn này vẫn nên đảm bảo dinh dưỡng cho con tới tuổi dậy thì. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ ngừng phơi nắng cho trẻ, mà cần bổ sung viatmin D theo đúng liều khuyến cáo.

THU SƯƠNG       

Chia sẻ bài viết