08/05/2018 - 07:06

Phối hợp giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh 

Mới đây, UBMTTQVN thành phố giám sát kết quả phối hợp thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại xã Thạnh Quới (huyện Vĩnh Thạnh) và phường Thường Thạnh (quận Cái Răng). Qua giám sát cho thấy công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại các địa phương có sự chuyển biến tích cực, đời sống người dân từng bước được nâng cao… Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, việc phối hợp thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh vẫn còn nhiều vấn đề cần tập trung khắc phục…

Thiết thực chăm lo người nghèo

Hằng năm, Đảng ủy, UBND, UBMTTQVN xã Thạnh Quới đều xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đồng thời, phân công Mặt trận và các đoàn thể tập trung chăm lo, hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bà Cao Thị Mẫu, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới, cho biết: "Từ tháng 4-2017 đến tháng 3 -2018, UBND xã phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể vận động mạnh thường quân hơn 90 triệu đồng, hơn 3 tấn gạo tặng 451 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã; xây dựng 4 căn nhà cho những hộ nghèo có khó khăn về nhà ở… Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn xã còn 226 hộ nghèo và 282 hộ cận nghèo.

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBMTTQVN thành phố phát biểu tại buổi giám sát tại xã Thạnh Quới. Ảnh: THANH THƯ
Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBMTTQVN thành phố phát biểu tại buổi giám sát tại xã Thạnh Quới. Ảnh: THANH THƯ

Tại phường Thường Thạnh, các thành viên đoàn giám sát đánh giá cao công tác hỗ trợ, chăm lo cho các hộ nghèo, cận nghèo. Từ quý II năm 2017 đến quý I năm 2018, UBND phường phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể vận động sửa chữa và xây dựng mới 7 căn nhà Đại đoàn kết, trị giá 290 triệu đồng; vận động trên 2.000 phần quà, trị giá trên 650 triệu đồng để tặng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội... Bà Trịnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Thường Thạnh, cho biết: "Đầu năm 2017, trên địa bàn phường có 72 hộ nghèo và 77 hộ cận nghèo. Được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND phường và sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận và các đoàn thể, đến nay, phường còn 41 hộ nghèo và 82 hộ cận nghèo"...

Qua giám sát, các thành viên đoàn giám sát cũng nhận thấy có một số hộ nghèo chưa tập trung phấn đấu thoát nghèo; việc tiếp cận nguồn vốn vay của hộ nghèo còn hạn chế nên công tác giảm nghèo bền vững còn gặp nhiều khó khăn. Ông Phan Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố, thành viên đoàn giám sát, đề nghị: "Các đoàn thể cần tập trung hỗ trợ tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất; phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đẩy mạnh việc vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống...".

Nhiều đại biểu tham gia đoàn giám sát cũng lo ngại về tình trạng thoát nghèo chưa bền vững tại một các địa phương. Bà Võ Thị Thanh Nga, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin TP Cần Thơ, thành viên đoàn giám sát, cho biết: "Nhìn chung, hằng năm, các địa phương đều đạt tiêu chí giảm nghèo, nhưng kém bền vững. Thời gian tới, các địa phương cần phải xác định rõ các giải pháp và phân công cụ thể các đoàn thể giúp đỡ từng đối tượng hộ nghèo thoát nghèo. Đối với những hộ nghèo, cận nghèo không có đất sản xuất, các địa phương cần quan tâm đến công tác phối hợp đào tạo nghề, giúp đỡ các hộ nghèo và cận nghèo có được việc làm, ổn định cuộc sống công ăn việc làm ổn định, thoát nghèo bền vững".

Chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Thực hiện Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ với Mặt trận và các đoàn thể vận động mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân và người dân đóng góp tiền, ngày công lao động xây dựng hạ tầng giao thông. Qua đó, nhiều tuyến đường được bê tông kiên cố, người dân đi lại thuận lợi.  Bà Cao Thị Mẫu, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới, phấn khởi, nói: "Từ năm 2017 đến nay, UBND xã phối hợp với Mặt trận và các Hội đoàn thể vận động bắc mới 10 cầu, làm mới trên 22km đường giao thông, với số tiền trên 1 tỉ đồng và trên 1.400 ngày công lao động... Đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn xã đã cơ bản được bê tông hóa, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016".

Tại thời điểm giám sát, phường Thường Thạnh cơ bản hoàn thành 5 chuẩn và 25/26 tiêu chí phường văn minh đô thị. Bà Trịnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Thường Thạnh thông tin: "Năm 2017, phường Thường Thạnh đã cơ bản về đích quá trình xây dựng phường văn minh đô thị. Tuy nhiên, địa bàn xảy ra trọng án nên đến nay phường chưa được công nhận danh hiệu này". Vấn đề trên được ông Trần Minh Trị, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ, thành viên đoàn giám sát, cho rằng: "UBND phường cần quan tâm đến công tác tuyên truyền pháp luật để người dân nâng cao ý thức nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…".

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBMTTQVN thành phố, đề nghị: "Các đơn vị giám sát cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo đến với người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua đó, làm chuyển biến và nâng cao ý thức thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào việc đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Mặt trận và các đoàn thể cần phối hợp với chính quyền tập trung hướng dẫn hộ nghèo cách thức sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng. Các địa phương cần huy động các nguồn lực để xây dựng, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh...".

THANH THƯ

Chia sẻ bài viết