20/08/2017 - 16:34

Phối hợp để giảm thất thoát nguồn nước 

Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức trước sự suy giảm và biến đổi ngày càng khó đoán về số lượng và chất lượng của nguồn nước sông Mê Công. Quản lý và giảm thất thoát, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước cần sự phối hợp của nhiều nền kinh tế.

Nguồn nước phục vụ sản xuất lúa tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL thường dư thừa vào các tháng mùa mưa và lũ, nhưng lại giảm mạnh vào các tháng mùa khô. Trong ảnh: Nạo vét kênh mương thủy lợi nhằm đảm bảo nước phục vụ sản xuất tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

 

Thách thức mang tính toàn cầu

Từ ngày 18 đến 20-8-2017, tại các hội thảo kỹ thuật bên lề chuỗi sự kiện Tuần lễ An ninh lương thực (ANLT) APEC năm 2017 tại TP Cần Thơ, các Nhóm công tác APEC đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến thách thức của biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động đến an ninh lương thực, gây thất thoát và lãng phí nguồn nước. Thảo luận các giải pháp để tăng cường nhận thức và hướng tới mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hiệp Quốc…

Sản xuất nông nghiệp đang sử dụng 70% lượng tiêu thụ nước trên thế giới. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước cho sản xuất lương thực đã xảy ra ở nhiều nền kinh tế trong khu vực APEC. Tại hội thảo “Thách thức đối với an ninh lương thực và tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở khu vực APEC” của Nhóm Diễn đàn đối tác chính sách về An ninh lương thực (PPFS) tập trung trao đổi về quản lý tài nguyên nước tổng hợp xuyên biên giới, các thực tiễn quản lý tốt nhất tại các nền kinh tế khu vực APEC và việc kết nối các khu vực tư nhân và công cộng, tăng cường trách nhiệm của khu vực tư nhân đối với tài nguyên nước, vai trò của chính phủ và người dân của các nền kinh tế...

Các chuyên gia của Nhóm PPFS đã phân tích và chỉ rõ thách thức chung mà các nền kinh tế APEC đang đối mặt. Sau 2 ngày (18 và 19-8) thảo luận tích cực và hiệu quả, các đại biểu đã rút ra được những khó khăn, thách thức của việc quản lý tài nguyên nước là do 3 nguyên nhân chính. Đó là: Chức năng chồng chéo, trách nhiệm và vai trò không đồng nhất của các cơ quan liên quan; sự ưu tiên của các cơ quan này không thống nhất và khó khăn trong việc vận hành các công nghệ đo lường và giám sát ở địa phương. Thiếu dữ liệu, khó khăn trong kiểm soát việc phân phối nước và việc nông dân tuân thủ các kế hoạch; kết nối các nghiên cứu khoa học công nghệ của các trường đại học liên quan tới nước và nông nghiệp với thực tiễn (thương mại hóa). Các nền kinh tế chưa chú trọng việc đưa các nhóm dễ bị tổn thương là đối tượng liên quan trong việc quản lý tài nguyên nước; khó khăn trong việc thúc đẩy sự tham gia của khu vực nhà nước và tư nhân...

Cần sự phối hợp

Sau 2 ngày thảo luận, Nhóm PPFS đưa ra ba nhóm giải pháp được các đại biểu thống nhất tại hội nghị. Về quản lý: Thành lập các ủy ban cấp quốc gia để thúc đẩy việc điều phối liên ngành; Hội đồng lưu vực sông và lập kế hoạch cấp lưu vực sông là một cơ chế điều phối hiệu quả; áp dụng các công nghệ tiên tiến và kỹ thuật như đo thời gian thực để tăng hiệu quả sử dụng nước và các cộng đồng địa phương và việc phân cấp ra quyết định là rất cần thiết trong việc thực hiện quản lý tài nguyên nước tổng hợp. Về kỹ thuật: Cải thiện hệ thống thủy lợi; Chính phủ hỗ trợ đa dạng hóa cây trồng và hỗ trợ các nghiên cứu liên quan tới bảo tồn nguồn nước; ứng dụng công nghệ như hình ảnh vệ tinh và viễn thám, giám sát hạn hán và các dịch vụ thông tin khí hậu; thu nước mưa và dự trữ nước; tăng cường hợp tác giữa khu vực tư nhân và nhà nước… Và sự tham gia của các bên liên quan: tư vấn trong nước và khu vực tạo một diễn đàn để thảo luận về các nhóm dễ tổn thương.

Các kết quả đạt được của Nhóm PPFS có ý nghĩa hết sức quan trọng cho Hội nghị chính thức về Đối tác chính sách và an ninh lương thực vào ngày 21-8-2017.

Đối với Việt Nam, vùng sản xuất lúa gạo chủ lực là ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức trước trước sự suy giảm nguồn nước. Do vậy, để đảm bảo tốt các trụ cột về an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước, đòi hỏi cần phải tăng cường phối hợp trong quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mê Công giữa các các bên liên quan. Đề xuất giải pháp cần hành động ngay cho ĐBSCL, ông Lê Đức Trung, Giám đốc Ủy ban Sông Mekong Việt Nam cho rằng: “ĐBSCL phụ thuộc 95% nguồn nước từ bên ngoài, chúng ta phải tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế, tăng cường hoạt động chia sẻ nước, sử dụng nước xuyên biên giới giữa Việt Nam và các nước sông Mê Công và tăng cường hợp tác trong lưu vực với Ủy hội Sông Mekong quốc tế và với những sáng kiến hợp tác vùng”.

Nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang áp dụng biện pháp sạ hàng trong vụ thu đông 2017. 

Ông Kỷ Quang Vinh, Ủy viên Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Cần Thơ, cũng cho rằng: “Cần có giải pháp tổng thể để giúp ĐBSCL đảm bảo vấn đề an ninh nguồn nước và ứng phó tốt cả các vấn đề chống ngập, lũ, hạn mặn và cả việc sạt lở, sụt lún đất. Hiện nay, nguồn nước tại ĐBSCL không chỉ biến động tăng giảm theo mùa và các quy luật tự nhiên mà còn chịu tác động từ các đập thủy điện và công trình chuyển nước ở thượng nguồn nên có những biến đổi rất khó đoán…”. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện Việt Nam đảm bảo tốt vấn đề an ninh lương thực, phần gạo dư thừa để xuất khẩu cần xem xét phát triển ở mức độ phù hợp theo nguồn nước có thể đảm bảo, tránh thâm canh, phát triển sản xuất lúa với diện tích quá lớn có thể tạo nhiều nguy cơ rủi ro và ảnh hưởng đến chất lượng nguồn tài nguyên đất và nước.

Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng Khoa môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ, cho rằng: BĐKH và các hoạt động ở thượng nguồn sẽ làm công tác dự báo về nguồn nước của ta ngày càng khó. Do vậy, cần tính toán lại vấn đề an ninh lương thực cho quốc gia và việc đóng góp cho an ninh lương thực quốc tế. Cần có chính sách, chiến lược để phát huy lợi thế của ĐBSCL thuận lợi sản xuất lương thực, nhưng cũng không nên quá phụ thuộc vào cây lúa thì hiệu suất sử dụng tài nguyên sẽ không cao. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo diện tích lúa tối thiểu cho an ninh lương thực quốc gia và thế giới.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết