UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình triển khai thực hiện “Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP Cần Thơ”. Tại cuộc họp, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp cần tập trung trong thời gian tới để chống ngập đạt hiệu quả tốt
Chống ngập: còn nhiều thách thức
“Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP Cần Thơ” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 1721/QĐ-BNN-TCTL ngày 20-7-2012. Bằng các giải pháp thủy lợi (công trình và phi công trình), quy hoạch nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng trên địa bàn TP Cần Thơ, góp phần cải tạo môi trường, cảnh quan, sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân thành phố.
 |
Tình trạng ngập lụt gây khó khăn cho việc đi lại của người dân tại một con hẻm ở đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Khánh, quận Ninh Kiều. |
Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, ngay sau khi quy hoạch được phê duyệt, tháng 9-2012 TP Cần Thơ đã có Công văn trình Bộ NN&PTNT xin bố trí nguồn vốn khoảng 2.100 tỉ đồng để thực hiện giai đoại 1 của quy hoạch (từ năm 2012-2015), nhưng đến nay chưa được bố trí vốn nhiều. Do vậy, thời gian qua việc chống ngập úng chủ yếu được ngành nông nghiệp thành phố tập trung bố trí vốn để thực hiện các hệ thống thủy lợi và đê bao bảo vệ các khu vực sản xuất nông nghiệp. Còn các khu vực đô thị và công nghiệp, ngành nông nghiệp chưa có điều kiện đầu tư, chủ yếu thực hiện công tác phối hợp, đề xuất với các sở ngành và đơn vị có các chương trình, dự án có liên quan nhằm đảm bảo thực hiện đúng tinh thần của quy hoạch thủy lợi chống ngập úng đã được phê duyệt.
Nhờ tranh thủ thêm các nguồn vốn đầu tư từ Trung ương, địa phương, vốn vay ưu đãi và vốn từ các nhà tài trợ, thời gian qua TP Cần Thơ đã tiến hành thực hiện nhiều chương trình dự án chống ngập úng và dự án có liên quan, nhất là các dự án nâng cấp đô thị đã và đang được thực hiện tại nhiều quận của thành phố. Qua đó, góp phần tích cực vào việc chống ngập úng cho khu vực nội thị và bảo vệ, phát triển các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn bố trí từ Trung ương hạn chế, trình trạng ngập úng có những diễn biến mới, nhất là do biến đổi khí hậu ngày càng tăng và tốc độ đô thị hóa tại thành phố diễn ra nhanh chóng. Nhiều đại biểu cũng kiến nghị cần đề xuất xin Trung ương điều chỉnh, bổ sung “Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP Cần Thơ” cho phù hợp với tình hình mới. Nguyên nhân do quy hoạch này đã được lập từ nhiều năm trước, trong khi hiện nay có nhiều vị trí ngập mới phát sinh, cần xác định rõ lại nguyên nhân gây ngập úng để đưa ra các giải pháp công trình và phi công trình phù hợp. Tránh tình trạng chống ngập chỗ này lại gây ngập nghiêm trọng cho những nơi khác, gây tốn kém nhưng không đảm bảo hiệu quả bền vững lâu dài. Ông Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, nhấn mạnh: “Cần xác định rõ nơi nào ngập do mưa, do triều cường hay sụp lún hoặc do kết hợp các nguyên nhân đó lại với nhau, từ đó mới đưa ra cách xử lý phù hợp, tránh đầu tư tốn kém, thiếu đồng bộ không phát huy hiệu quả”.
Cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp
Thực tế cho thấy, trước đây có những nơi ở đô thị hầu như không bị ngập, nhưng gần đây thường xuyên bị ngập do ảnh hưởng từ việc nâng nền hạ, nâng cấp đường và nâng cao độ cống thoát nước của các khu vực và đường ở lân cận làm nước mưa đổ dồn về gây ngập cục bộ. Đây là hệ quả của tình trạng đầu tư phát triển các công trình xây dựng và chống ngập còn chưa đồng bộ, thiếu tính liên kết, gắn kết với nhau về mặt cao độ xây dựng. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi tới đây cần phải có sự phối hợp tốt giữa các sở ngành thành phố, địa phương và các đơn vị có liên quan. Ông Nguyễn Văn Kết, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho rằng: “Tới đây, thành phố cần ban hành thêm các quy định, giúp các chủ đầu tư có thể thực hiện các công trình xây dựng tại đô thị một cách đồng bộ, thống nhất về mặt cao độ xây dựng để tránh tình trạng nơi xây cao nơi xây thấp. Đồng thời, khuyến khích sử dụng các loại vật liệu xây dựng thân thiện môi trường góp phần chống ngập úng, chẳng hạn sử dụng các loại vật liệu lát vỉa hè có thể giúp nước thấm xuống đất
”. Theo ông Kết, thời gian qua dù nhiều tuyến đường trên địa bàn quận đã được nâng cấp và xây mới nhưng trên địa bàn vẫn còn tồn tại khoảng 63 điểm ngập. Trong đó, có nhiều điểm ngập do ảnh hưởng của các công trình dự án mới có các hệ thống cống thoát nước lớn được nâng cao độ lắp đặt lên cao khiến nước đổ dồn về các khu vực cũ, vốn có cao độ thấp, với hệ thống thoát nước đã lỗi thời.
Dù đã quan tâm nhiều cho công tác chống nghập úng, nhưng tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra tại nhiều nơi ở nội ô TP Cần Thơ, khi trời mưa lớn và triều cường dâng cao. Ông Trịnh Ngọc Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, lưu ý: “Trong quá trình phát triển đô thị hiện nay, chúng ta cần phải tăng cường quản lý các kênh rạch, tránh việc lấn chiếm và san lấp và vứt rác bừa bãi gây cản trở dòng chảy. Mặt khác, cần có các chuyên gia nghiên cứu từng vị trí và từng khu vực đô thị để có giải pháp tốt khi xây dựng công trình mới, kết nối các hệ thống thoát nước đồng bộ và hoàn chỉnh”.
Hiện nay, nhiều tuyến đường có cao độ thấp và hệ thống tiêu thoát nước còn thiếu hoặc đã đầu tư lâu đời, không còn đảm bảo việc ngăn lũ và tiêu thoát nước nhanh nên thường xuyên gây ngập cục bộ kéo dài tại nhiều nơi. Ngoài ra, ngập lụt tại nhiều nơi cũng có xu hướng tăng do ảnh hưởng quá trình đô thị hóa, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc đấp đê ngăn lũ tại nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp khiến nước lũ đổ dồn về các đô thị, ngập do sụp lún đất, do xả lũ
Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để giải quyết tốt bài toán chống ngập rất cần có các nghiên cứu đánh giá sâu và cần sự phối hợp chặt giữa các bên có liên quan để triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần chú trọng các giải pháp phi công trình để tiết kiệm chí phí đầu tư, nhưng hiệu quả mang lại rất lớn và có tính bền vững lâu dài. Ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cũng đặt nặng các giải pháp phi công trình trong chống ngập và cho rằng, cần quan tâm nhiều đến việc cải tạo, khơi thông dòng chảy của các kênh rạch thoát nước, tạo bề mặt thấm, vùng đệm, vùng ngập nước, hồ điều hòa nước
Để thực hiện việc chống ngập úng hiệu quả hơn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh yêu cầu các sở, ngành chức năng thành phố rà soát, đánh giá lại kết quả triển khai thực hiện quy hoạch trong 2 năm qua và đề xuất giải pháp phù hợp thời gian tới. Sở Xây dựng cần phối hợp Sở NN&PTNT rà soát quá trình triển khai thực hiện để có tham mưu đề xuất với UBND thành phố về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nhằm giúp công tác phòng chống ngập úng tại thành phố đạt hiệu quả tốt hơn. Đồng thời, tham mưu đề xuất với thành phố về việc ban hành quy định quản lý các hạ tầng có liên quan chống ngập và quy định về cao độ nền thoát nước mặt của các công trình xây dựng. Mặt khác, các sở, ngành và địa phương cần cập nhật thông tin và nắm rõ các nội dung trong quy hoạch chống ngập của thành phố để có đề xuất kịp thời về thành phố và triển khai thực hiện tốt.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Theo quy hoạch thủy lợi chống ngập úng được phê duyệt, thành phố sẽ đầu tư xây dựng các công trình tiêu nước cho các khu vực đô thị và công nghiệp nhằm kiểm soát lũ, triều và tiêu úng bằng hệ thống đê bao, các cống dưới đê, van ngăn triều đồng thời kết hợp với các trạm bơm để tiêu nước ra sông. Toàn bộ khu đô thị được phân thành 18 ô bao bảo vệ (chủ yếu theo kênh cấp I) với diện tích biến đổi từ 600 ha đến 4.300 ha. Trong đó bao lớn vùng trung tâm thành phố, bao gồm quận Ninh Kiều, Bình Thủy và một phần quận Ô Môn và huyện Phong Điền với diện tích khoảng 17.700 ha theo các sông sạch chính là sông Hậu, sông Cần Thơ, rạch Tắc Ông Thục và kênh Ô Môn. Còn về các giải pháp phi công trình sẽ tập trung cải tạo các ao hồ, kênh rạch, tạo bề mặt thấm, vùng đệm, vùng ngập nước nhằm trữ nước mưa. Gia tăng lượng nước bổ sung cho tầng nước ngầm, giảm sự hình thành dòng chảy mặt, giảm tải cho hệ thống thoát nước. Riêng việc tiêu thoát nước cho các khu vực đất trồng lúa, vườn cây ăn trái và nuôi thủy sản chủ yếu là tiêu tự chảy, có kết hợp bơm khi cần thiết thông qua việc nạo vét hệ thống kênh rạch, củng cố hệ thống đê bao, bờ bao, cống bọng và thực hiện quy trình vận hành hợp lý
Tổng kinh phí để thực hiện quy hoạch khoảng 7.424 tỉ đồng, gồm các nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương, địa phương, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA. |