13/06/2010 - 08:00

KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XII:

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Sáng 12-6, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Phó Thủ tướng cho biết: Tại kỳ họp, Chính phủ đã nhận được hơn 190 chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Các thành viên liên quan của Chính phủ đã nghiêm túc nghiên cứu và trả lời (bằng văn bản và trực tiếp) chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Phó Thủ tướng đã giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đang quan tâm như việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; về quan hệ giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội; quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên, khoáng sản, môi trường; Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh ; đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội; chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

* Hoàn thiện thể chế, chính sách để quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên, khoáng sản, môi trường hiệu quả và bền vững

Trước những quan ngại của nhiều đại biểu Quốc hội về hiện trạng quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên khoáng sản, môi trường; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém của các cơ quan quản lý, tình trạng lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả trong khai thác tài nguyên, khoáng sản và tình trạng vi phạm khá phổ biến Luật Bảo vệ môi trường...

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ nhận thức rõ trách nhiệm của mình, đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để từng bước xử lý hiện trạng này. Thể chế, chính sách về bảo vệ môi trường, quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên tiếp tục được hoàn chỉnh, quán triệt đầy đủ hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đi liền với việc bảo vệ, cải thiện môi trường, phát triển bền vững. Các hoạt động phòng ngừa, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được tăng cường; việc kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường ở một số vùng, lưu vực sông, khu công nghiệp, khu vực khai thác mỏ, làng nghề, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được đẩy mạnh và đã mang lại một số kết quả bước đầu.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là những khoáng sản có tiềm năng quy mô lớn nhằm khắc phục tình trạng đầu tư khai thác tràn lan, chế biến và xuất khẩu khoáng sản thô, lãng phí tài nguyên, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng.

Phó Thủ tướng nêu rõ, tại Kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), trong đó thể hiện các chủ trương, giải pháp khắc phục những bất cập của luật hiện hành nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác khoáng sản. Luật mới xác định rõ chỉ phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấp phép thăm dò, khai thác đối với các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố; đồng thời, đề cao trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cấp trên đối với cấp dưới, của cơ quan nhà nước với các tổ chức thăm dò, khai thác.

* Đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng cũng cho biết, việc nghiên cứu xây dựng đường sắt cao tốc đã được Chính phủ đặt ra từ các nhiệm kỳ trước và đã được đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt nước ta từ năm 2002. Đây là một dự án giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở nước ta, được chuẩn bị công phu và có thời gian triển khai, thực hiện dài, khoảng 30 năm, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và trình xin ý kiến của Quốc hội. Chính phủ nghiêm túc lắng nghe, phân tích, tổng hợp các ý kiến nhiều chiều để báo cáo chi tiết với Quốc hội. Quốc hội đã dành một ngày để thảo luận Báo cáo của Chính phủ.

Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện hoàn chỉnh Dự án theo các góp ý của Quốc hội và tiến hành các bước tiếp theo đúng các quy định của pháp luật về công trình quan trọng quốc gia. Trong quá trình thực hiện, dự án sẽ được chia làm nhiều giai đoạn, có sự phân kỳ đầu tư bằng các dự án thành phần, phù hợp với khả năng huy động vốn; dự án thành phần nào xong sẽ đưa vào khai khác ngay và rút kinh nghiệm để tiếp tục chuẩn bị, đầu tư dự án mới. Tùy theo tính chất và quy mô của từng dự án, Chính phủ sẽ tiếp tục báo cáo, xin ý kiến Quốc hội. Chính phủ đề nghị Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm cho công trình được thực hiện có hiệu quả tổng hợp, toàn diện cả về kinh tế, kỹ thuật, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng.

* Chính phủ sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Quốc hội về Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29 tháng 5 năm 2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan, Chính phủ đã tổ chức lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong quá trình triển khai, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, tiến hành thận trọng từng bước theo đúng trình tự pháp luật và với tinh thần công khai, dân chủ, cầu thị. Bản đồ án quy hoạch đã được báo cáo xin ý kiến Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, xin ý kiến đóng góp của nhân dân, của các nhà khoa học, các chuyên gia và trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp này.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, trong phiên thảo luận chung tại hội trường ngày 15 tháng 6 tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo bổ sung với Quốc hội kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân và ý kiến của đại biểu Quốc hội. Chính phủ trân trọng cảm ơn Quốc hội quan tâm, dành thời gian thảo luận, cho ý kiến về Đồ án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội. Chính phủ sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Quốc hội để hoàn chỉnh Đồ án, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến trước khi phê duyệt.

* Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngay sau Kỳ họp này của Quốc hội, các Bộ, các cơ quan của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cần có chương trình, kế hoạch thực hiện khẩn trương và triệt để các vấn đề mà Quốc hội đã đặt ra. Chính phủ sẽ tập trung điều hành tạo sự thống nhất từ trên xuống dưới, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, phát huy tính năng động sáng tạo của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện quyết liệt các giải pháp đã đề ra từ đầu năm cũng như những giải pháp đã được Quốc hội thảo luận và thông qua tại Kỳ họp này nhằm hoàn thành tốt nhất kế hoạch năm 2010. Chính phủ đề nghị Quốc hội và Hội đồng nhân dân dành nhiều thời gian thực hiện các cuộc giám sát chung cũng như giám sát chuyên đề để góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan tới việc quy hoạch xây dựng các nhà máy điện, trách nhiệm của Chính phủ đối với công tác dự báo nhu cầu sử dụng điện năng, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với Tập đoàn điện Việt Nam, quỹ lương của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), giám sát việc hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, chính sách tiền tệ Quốc gia; lãi suất ngân hàng, vấn đề cổ phần hóa của các doanh nghiệp... Phó Thủ tướng đã giải đáp thỏa đáng từng vấn đề cụ thể mà các đại biểu đang quan tâm.

Phát biểu kết thúc toàn bộ phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, báo cáo bổ sung, giải trình và giải trình chất vấn của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng ngắn gọn đã làm rõ những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm về việc thực ổn định kinh tế vĩ mô, quan hệ giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, quản lý khai thác tài nguyên, điều hành của Chính phủ...

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này thể hiện nghiêm túc và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ, được cử tri cả nước hết sức quan tâm. Nét mới trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã có báo cáo kết quả giám sát kiến nghị của cử tri, chất vấn theo nhóm vấn đề rõ hơn, tập trung sâu hơn và làm rõ thêm 1 số vấn đề mà cử tri cả nước đang quan tâm. Không khí nghị trường thẳng thắn, dân chủ, thực chất, trách nhiệm và có bước tiến trong đối thoại làm rõ vấn đề... Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hạn chế trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn là nhiều câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội còn dài và nhiều nội dung “hỏi như phát biểu và trả lời như thuyết trình”. Cần rút kinh nghiệm, đổi mới cải tiến trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các kỳ họp lần sau.

THIỆN THUẬT-BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết