21/04/2019 - 07:14

Phim Việt nhưng ít bản sắc Việt 

Phim Việt mà lại ít bản sắc, chất văn hóa Việt - bất cập ấy đang diễn ra trong làng điện ảnh Việt Nam. Trong mùa giải thưởng điện ảnh Cánh Diều Vàng vừa kết thúc, câu chuyện này lại được bàn luận khá nhiều với những trăn trở của người làm nghề lẫn khán giả.

Không thể phủ nhận, phim điện ảnh Việt Nam những năm gần đây phát triển mạnh. Chỉ riêng phim chiếu rạp, nếu như năm 2016 chỉ có 35 phim được phát hành thì năm 2017 và 2018 có 40 phim phát hành mỗi năm và dự đoán năm 2019 sẽ lên 60 phim. Trong đó, nhiều phim tạo được dấu ấn, thể hiện qua phản hồi của khán giả và doanh thu. Đặc biệt, các phim như “Hai Phượng”, “Lật mặt: Nhà có khách”… còn xuất khẩu sang cả các thị trường điện ảnh khó tính như Mỹ, Úc…

Phim “Song Lang” đã gợi một ký ức đẹp về sân khấu tuồng cổ.

Vậy nhưng, theo nhiều nhà phân tích, phim mang tính nhân văn và nhất là phản ánh được bản sắc, văn hóa Việt không nhiều. Nếu lấy mốc 5 năm trở lại đây, những bộ phim như thế chỉ đếm ngón tay như “Song Lang”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Dạ cổ hoài lang”, “Cha cõng con”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”… Ở lĩnh vực phim truyền hình, dù gần đây dòng phim lấy bối cảnh xưa - gọi là phim “hương xưa” - nổi lên rầm rộ nhưng ngày càng đi vào ngõ cụt bởi việc khai thác yếu tố văn hóa gượng gạo, thiếu chiều sâu. Những bộ phim như “Ải mỹ nhân”, “Phận làm dâu”… là điển hình. Văn hóa thì chẳng thấy đâu mà chỉ thấy một mô-típ cũ thật là cũ: hành hạ nàng dâu nghèo hèn, cuộc tranh giành giữa vợ lớn - vợ nhỏ… Khán giả xem phim vì thế mà nhàm chán, quay lưng.

Một nghịch lý khác trong phim Việt là những bộ phim thuần nghệ thuật hoặc giàu tính nhân văn thì thường “phá huề là may”. “Cha cõng con”, “Đảo của dân ngụ cư” hay “Song Lang”… là những điển hình. Ngược lại, những bộ phim vui nhộn, quy tụ nhiều ngôi sao, dù diễn đôi khi “lố” và kịch bản nhiều mối “hở” nhưng doanh thu rất tốt. Nghịch lý này đòi hỏi các nhà làm phim phải dung hòa giữa tính nghệ thuật và yếu tố giải trí. Việc khéo léo lồng ghép yếu tố văn hóa Việt, bản sắc vùng miền vào một câu chuyện phim dễ xem, thu hút là đòi hỏi không dễ nhưng không phải không làm được. Nhìn vào thành công của “Cô Ba Sài Gòn”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”… cho thấy khán giả Việt chưa bao giờ dễ dãi.

Trong cuộc làm việc mới đây với Cục Điện ảnh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo: Ngành điện ảnh cần tiếp tục hợp tác quốc tế để đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thúc đẩy du lịch của đất nước thông qua các tác phẩm điện ảnh. Chỉ đạo này không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ. Một vài ví dụ cho thấy, như sau thành công của phim “Cô Ba Sài Gòn”, trào lưu mặc áo dài, may áo dài trở lại mạnh mẽ, đến cả những nhà nghiên cứu văn hóa cũng phải thốt lên: “Không ngờ!”. Hay sau khi phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được công chiếu, cuộc đổ xô về với Phú Yên “hoa vàng trên cỏ xanh” nhanh chóng lan truyền. Thương hiệu du lịch Phú Yên nhờ vậy mà được khẳng định. Gần đây, sau bộ phim tài liệu chiếu rạp “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” và phim điện ảnh “Lô tô”, thì loại hình giải trí lô tô đã sống dậy mạnh mẽ, thậm chí có đoàn còn lưu diễn nước ngoài.

Lịch sử và văn hóa Việt Nam với một bề dày truyền thống hoàn toàn có thể trở thành chất liệu hấp dẫn cho điện ảnh. Điều đó đòi hỏi các nhà làm phim có sự đầu tư xứng đáng, nghiêm túc để quảng bá nét đẹp đất nước. Đó là cách để tạo nét riêng cho điện ảnh Việt và thể hiện trách nhiệm của nghệ sĩ.

Bài, ảnh: Ðăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết