29/04/2014 - 09:42

Phe ly khai chiếm đài truyền hình ở Đông Ukraina

Lực lượng ly khai thân Nga tiến chiếm đài truyền hình ở Donetsk. Ảnh: AP

Căng thẳng tại Ukraina vẫn tiếp diễn với việc lực lượng ly khai thân Nga tại Donetsk hôm 28-4 chiếm quyền kiểm soát đài truyền hình thành phố trong bối cảnh phương Tây công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Mát-xcơ-va.

Theo Guardian, đám đông khoảng 3.000 người đã tham gia biểu tình tại Quảng trường Lenin ở Donetsk trước khi tiến chiếm đài truyền hình. Họ hạ cờ Ukraina để thượng cờ "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" tự phong và thay thế các kênh tiếng Ukraina bằng tiếng Nga phát sóng độc quyền quan điểm ủng hộ Điện Kremlin. Đặc biệt theo ghi nhận của giới truyền thông, khoảng 15 cảnh sát đã xuất hiện vào thời điểm lực lượng ly khai tấn công đài truyền hình nhưng không có động thái can thiệp. Theo lời một quan chức cảnh sát, việc ngăn chặn hiện nay là "vô dụng và không có ý nghĩa".

Đây được xem là đòn giáng mạnh vào chính phủ lâm thời tại Kiev vốn đang nỗ lực giành lại quyền kiểm soát ở miền Đông. Tình hình càng gay go hơn khi trước đó, người biểu tình chống chính phủ tại tỉnh Lugansk cũng đổ ra đường tham gia mít tinh và tuyên bố thành lập "Cộng hòa Nhân dân Lugansk". Những người này yêu cầu Kiev trước ngày 29-4 phải ân xá cho tất cả người tham gia biểu tình ở miền Đông, công nhận Nga là quốc ngữ và tiến hành trưng cầu dân ý về quyền tự trị; nếu không, họ sẽ chuyển sang giai đoạn "hành động".

Thế nhưng tại thành phố Kharkiv ngày 28-4, thị trưởng thân Nga Gennady Kernes đã bị bắn trọng thương khi đang trên đường về nhà bằng xe đạp.

Trong diễn biến có liên quan, lực lượng đối lập tại thành phố Slavyansk ngày 27-4 cho biết đã trả tự do cho một nhân viên người Thụy Điển trong số 8 quan sát viên châu Âu bị bắt hôm 25-4, nhưng tuyên bố không có kế hoạch thả những người còn lại. Trong khi đó tại châu Âu, các nhà ngoại giao của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã họp mặt hôm 28-4 và thống nhất danh sách quan chức Nga nằm trong diện trừng phạt mở rộng do động thái gần đây của Mát-xcơ-va tại Ukraina.

Trong khi đó, chính quyền Mỹ hôm qua đã công bố quyết định lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh đối với 7 quan chức chính phủ Nga và 17 công ty có liên quan đến Tổng thống Vladimir Putin. Trong số này đáng chú ý có ông Igor Sechin, chủ tịch tập đoàn dầu mỏ Rosneft.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, BBC, Guardian)

Chia sẻ bài viết