15/03/2024 - 17:15

Phát triển thương hiệu - “chìa khóa” nâng tầm giá trị nông sản 

Hằng năm, TP Cần Thơ thu hoạch trên 1,3 triệu tấn lúa, gần 200.000 tấn trái cây, trên 220.000 tấn thủy sản, trên 40.000 tấn thịt hơi các loại. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đang quản lý trên 500 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông, thủy sản... Vì thế, ngoài việc phát huy lợi thế nâng cao sản lượng, chất lượng, thành phố còn hướng đến hỗ trợ nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, từng bước đưa nông sản khẳng định vị thế trong nước và quốc tế.

Vú sữa Trường Khương A của HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Nỗ lực

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, ngành Nông nghiệp thành phố đẩy mạnh hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản và sản phẩm từ chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đơn cử, thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản TP Cần Thơ giai đoạn 2015-2020; kế hoạch Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản TP Cần Thơ giai đoạn 2022-2025; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan thực hiện đề án “Xây dựng, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với sản phẩm thuộc Chương trình OCOP”… Nỗ lực nói trên nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, thương hiệu nông sản; tăng thu nhập cho người dân; xây dựng các quy định để quản lý chặt chẽ việc sử dụng logo sản phẩm OCOP của thành phố để tránh trường hợp giả mạo nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, từ đó tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh.

Theo đó, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ phối hợp với các cơ quan hữu quan trên địa bàn thành phố xây dựng nhãn hiệu tập thể cho HTX, nhãn hiệu rau, cây ăn trái như HTX xoài Lộc Hưng, HTX Nhãn thanh Hữu Tâm, HTX Mãng cầu Thới Hưng; nhãn hiệu Rau an toàn Cẩm Thu, nhãn hiệu Đậu nành rau Thi Tám, nhãn hiệu HTX Nhãn Nhơn Nghĩa, nhãn hiệu Vú sữa Trường Khương A, nhãn hiệu Mận ngọt Chín Phường, nhãn hiệu Mãng cầu Thới Hưng Cờ Đỏ - Cần Thơ… Đồng thời, phối hợp với Viện Lúa quốc tế IRRI xây dựng nhãn hiệu gạo hướng theo tiêu chuẩn SRP và xây dựng giá thể hữu cơ từ rơm rạ với nhãn hiệu Newgreenfarm… Đối với sản phẩm OCOP có các nhãn hiệu như sầu riêng Tân Thới, nấm đông trùng hạ thảo của HTX Giọt Phù sa (huyện Phong Điền); mắm cá  tra (quận Thốt Nốt); na Trường Thắng, nhãn Ido Định Môn (huyện Thới Lai)…

Về phía các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản cũng chủ động phát triển và bảo vệ “tài sản vô hình” của doanh nghiệp mình. Bà Đoàn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hygie & Panacee, chia sẻ: Khởi nghiệp từ năm 2019 với các dòng sản phẩm trà hòa tan được chế biến từ nông sản - thảo dược, hiện công ty cho ra thị trường 12 sản phẩm. Công ty đã hoàn tất việc đăng ký chứng nhận nhãn hiệu và bản quyền tác giả. Tất cả sản phẩm và ấn phẩm của công ty đều sử dụng logo và hình ảnh đã đăng ký; trên các shop mall của kênh thương mại điện tử sản phẩm của công ty cũng được “định danh” nhờ vào việc sở hữu nhãn hiệu đã được đăng ký, qua đó giúp khách hàng nhận biết rõ ràng và có niềm tin với sản phẩm hơn.

Gỡ nút thắt

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản còn những hạn chế, khó khăn do ảnh hưởng từ các yếu tố: tình trạng sản xuất hàng nông sản còn nhỏ lẻ, chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh khó kiểm soát; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất, kinh doanh còn hạn chế... Bên cạnh đó, nhiều nông dân, HTX, doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng và ý nghĩa của việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu hàng nông sản. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, kinh doanh còn ít quan tâm đến xây dựng và phát triển thương hiệu cho chính doanh nghiệp mình, chứ chưa nói cho thương hiệu địa phương, vùng miền hay thương hiệu quốc gia.

Để đẩy mạnh phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của nông sản, theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Đồng thời, phát triển liên kết các chuỗi giá trị nông sản chủ lực của thành phố; đẩy mạnh kiểm tra giám sát việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, chứng nhận VietGAP; tăng cường tuyên truyền, tích cực hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản.

Bà Đoàn Thị Hồng Thắm chia sẻ: “Hiện tại công ty đang trong quá trình xúc tiến xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới. Do đó, công ty có kế hoạch đăng ký sở hữu trí tuệ tại thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Canada và châu Âu. Mặt khác, công ty cũng tích cực đẩy manh hơn nữa việc khai thác các tài sản trí tuệ hiện có và chủ động đăng ký bằng sáng chế cho sản phẩm mới trước khi ra thị trường. Thời gian qua, công ty nhận được nhiều sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, sở ban ngành trong hoạt động kết nối tại các sự kiện, hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ từ chương trình phát triển tài sản trí tuệ… Công ty mong muốn tiếp tục nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ trong vấn đề bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ để có thể vươn mình lớn mạnh, góp phần tiêu thụ nông sản cho bà con, nâng cao giá trị của nông sản ĐBSCL, đóng góp vào sự phát triển của thành phố”.

Nhiều ý kiến cho rằng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận dùng cho các sản phẩm nông đặc sản địa phương là các tài sản trí tuệ quan trọng, đó được coi là các tài sản mang tính tập thể, tài sản chung của cộng đồng, “thương hiệu cộng đồng”. Vì thế việc quản lý, khai thác và nâng tầm thương hiệu của sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cần có sự đồng thuận và quyết tâm chung sức của các cơ quan, ban ngành, hiệp hội và đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm địa phương.

Ông Trần Giang Khuê, Trưởng đại diện Văn phòng phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển thương hiệu. “Nhà sản xuất, kinh doanh cần có chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu lâu dài, bài bản; đặc biệt, chú trọng xây dựng thương hiệu gắn với chủ trương, chính sách của địa phương; tận dụng các lợi thế của sản phẩm đặc thù địa phương và các tài sản trí tuệ để phát triển đột phá và bền vững. Các doanh nghiệp cần đồng lòng, chung sức, tích cực tham gia vào các hoạt động của các hội, hiệp hội, làng nghề để cùng nhau xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu cho các đặc sản truyền thống của địa phương. Tránh trường hợp mạnh ai người ấy làm như lâu nay, dẫn đến tự cạnh tranh lẫn nhau, làm mai một danh tiếng, uy tín của đặc sản. Cùng với đó, doanh nghiệp chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước ở địa phương để quản lý tốt các quyền sở hữu trí tuệ sau khi đăng ký và cần xử lý nghiêm các sai phạm trong lợi dụng uy tín, danh tiếng của đặc sản địa phương để làm ăn gian dối, mang sản phẩm ở vùng khác đến bán để kiếm lời” - ông Trần Giang Khuê nói.

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết