13/01/2021 - 10:44

Phát triển nông nghiệp đô thị khu vực ven đô 

Với áp lực đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp thu hẹp trong khi nhu cầu về nông sản sạch, an toàn lại tăng cao, thời gian qua, quận Cái Răng đã xây dựng thành công nhiều mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp chất lượng cao. Không chỉ vậy, nhiều nông dân, hộ sản xuất còn liên kết lại theo các mô hình tổ hợp tác, câu lạc bộ để cùng chia sẻ kinh nghiệm, tương trợ nhau trong suốt quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Nhân giống hoa lan tại Câu lạc bộ Hoa lan Phú Thứ.

Nhân giống hoa lan tại Câu lạc bộ Hoa lan Phú Thứ. 

Nở rộ

Theo ông Dương Chí Huy, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Cái Răng, mô hình nông nghiệp đô thị ở quận Cái Răng có những đặc điểm chung giống các quận, huyện khác: tận dụng diện tích nhỏ hẹp, sản xuất theo quy trình an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật để tiết giảm chi phí… Song, một điểm đáng lưu ý là nhiều hộ nông dân còn liên kết lại với nhau theo các mô hình kinh tế tập thể. Thông qua hình thức các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, các nông dân có điều kiện chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và kết nối thị trường. Qua đó, tăng sức cạnh tranh cho nông sản và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông hộ.

Tháng 2-2020, Câu lạc bộ Hoa lan Phú Thứ, phường Phú Thứ chính thức ra mắt với 6 thành viên. Theo ông Phạm Thanh Thảo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa lan Phú Thứ, mỗi thành viên của Câu lạc bộ đều có vườn lan riêng. Tuy nhiên, nếu cứ trồng và bán lan riêng lẻ sẽ gặp khó khăn khi thương lượng giá và khó tạo niềm tin cho khách hàng. Ðây là nguyên nhân chính để các thành viên kết nối và hình thành nên câu lạc bộ. Ngay từ những ngày đầu thành lập, câu lạc bộ định hướng phát triển theo hướng bán lan công nghiệp. Theo đó, các thành viên thống nhất mua giống lan giả hạc chớp Mỹ đạt chuẩn về cấy ghép, nuôi trồng sau đó bán ra thị trường.

“Chúng tôi có điểm chung là đam mê lan nhưng điểm khác biệt là kinh nghiệm chăm sóc hoa khác nhau. Chúng tôi tập hợp lại để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến kiến thức cho nhiều người tiếp cận thú chơi tao nhã này. Chúng tôi gặp nhau gần như mỗi ngày. Cứ mỗi buổi sáng, sau khi chăm bón lan (tưới nước, bón phân…) chúng tôi nhau cùng ngồi lại cà phê trao đổi với nhau về kỹ thuật mới, bắt nhịp nhu cầu từ thị trường… để có hướng điều chỉnh tạo “đầu ra” thuận lợi cho sản phẩm làm ra” - ông Phạm Thanh Thảo chia sẻ. Sau gần 1 năm ra mắt, Câu lạc bộ Hoa lan Phú Thứ đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Từ vốn đầu tư ban đầu 400 triệu đồng, câu lạc bộ dần thu hồi vốn và bắt đầu có lời. 

Nói đến mô hình nông nghiệp đô thị mang lại hiệu quả kinh tế cao không thể không kể đến Tổ hợp tác Rau an toàn Hưng Thạnh, phường Hưng Thạnh thành lập từ năm 2017, có 30 thành viên tham gia, với diện tích khoảng 20ha. Ðiểm khác biệt của tổ hợp tác này là một số thành viên chọn trồng rau an toàn trong nhà lưới giá rẻ. Theo đó, chi phí đầu tư nhà lưới (khung sắt, lưới) khoảng 100 triệu đồng/ha nhưng với cách làm nhà lưới giá rẻ (trụ xi măng, dây chì, lưới) chỉ còn khoảng 25 triệu đồng/ha.

Ông Phạm Văn Lắm, Tổ phó Tổ hợp tác Rau an toàn Hưng Thạnh, chia sẻ: “Năm nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng nhờ trồng rau trong nhà lưới nên tránh được những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Trồng rau trong nhà lưới, thân lá rau không bị dập, gãy thị trường rất ưa chuộng thu hoạch bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Giá bán các loại rau cũng khá tốt nên vẫn đảm bảo có lời”. Theo ông Lắm, không chỉ nhẹ vốn đầu tư ban đầu, trồng màu trong nhà lưới còn nhẹ công chăm sóc, năng suất lại cao hơn gấp nhiều lần so với phương thức truyền thống. Có nhà lưới che chắn nên côn trùng gây hại, sâu bệnh giảm 50%; tỷ lệ thất thoát khi gieo sạ giảm 50%. Với diện tích canh tác trên 2.500m2, vườn rau của gia đình ông Lắm cung cấp cho thị trường trên 4 tấn rau các loại. Với giá bán từ 8.000 đến 15.000 đồng/kg, trừ chi phí nông hộ này còn lời hơn 25 triệu đồng.

Nhân rộng

Ông Dương Chí Huy, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Cái Răng, cho biết: “Ðể nâng chất các mô hình nông nghiệp đô thị trên địa bàn, năm 2021, Cái Răng tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào nông nghiệp đô thị; khuyến khích phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và tổ hợp tác để làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành chức năng quận thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; phối hợp thực hiện Ðề án “Xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại TP Cần Thơ”...

Với hiệu quả kinh tế mang lại, nhiều nông dân, cơ sở sản xuất đã và đang có hướng mở rộng quy mô, đưa các mô hình nông nghiệp đô thị phát triển theo hướng công nghệ cao, có chiều sâu. Ông Phạm Thanh Thảo, cho biết: “Khí hậu ở ÐBSCL rất thích hợp để nuôi trồng, nhân giống lan giả hạc chớp Mỹ. Thị trường cũng đang có nhu cầu cao về loại lan này nên chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình. Song song đó, phát triển thêm việc trồng lan var để đa dạng hóa sản phẩm cũng như kiếm thêm nguồn lợi nhuận cao hơn cho các thành viên trong câu lạc bộ”.

Ông Huỳnh Văn Việt, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hưng Thạnh, khẳng định: Từ mô hình của Tổ hợp tác rau an toàn Hưng Thạnh cho thấy, trồng màu trong nhà lưới không những đem lại lợi nhuận cao cho nông hộ mà còn góp phần gia tăng giá trị hàng nông sản sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Với sản lượng thu hoạch khoảng 12 tấn/ha, mỗi năm các thành viên thu nhập từ 150-200 triệu đồng. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới. Hội Nông dân phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ phân bón, hạt giống để giúp tổ hợp tác tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường.

Với sự định hướng từ ngành chức năng và sự sáng tạo, nhạy bén từ nông dân, cơ sở sản xuất, tin rằng nhiều mô hình nông nghiệp đô thị công nghệ cao trong sản xuất rau màu, hoa kiểng... của quận Cái Răng ngày càng phát huy hiệu quả. Qua đó, góp phần tạo nên diện mạo mới cho nông nghiệp vùng ven đô và từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết