16/07/2019 - 09:32

Phát triển kinh tế rừng ở U Minh Hạ 

Trên vùng đất cực Nam của Tổ quốc, ngoài dải rừng ngập mặn mênh mông, chạy dài trên 254km từ biển Đông sang biển Tây là khu vực rừng tràm rộng lớn, với diện tích hàng trăm ngàn héc-ta. Sông Trẹm chia rừng U Minh thành hai vùng Thượng và Hạ. U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau, U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang. Hiện nay, U Minh Hạ đã phủ một màu xanh bát ngát với sức sống mãnh liệt.

Sức sống mới ở U Minh Hạ. Ảnh: Duy Khương TTXVN Hậu Giang

Rừng U Minh Hạ có diện tích hơn 45.000ha, nằm trên địa bàn 3 huyện U Minh, Thới Bình và huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Đây là vùng đất ngập nước có hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Đặc biệt, Vườn Quốc gia U Minh Hạ là rừng nguyên sinh, là nơi bảo tồn nhiều nguồn gen quý gồm các loài động, thực vật hoang dã có trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Năm 2009, Vườn Quốc gia U Minh Hạ được công nhận là một trong ba vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Ngoài Vườn Quốc gia U Minh Hạ rộng trên 8.200ha và 5.000ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, thì phần lớn diện tích còn lại là rừng sản xuất; tập trung nhiều nhất ở huyện U Minh. Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, với chủ trương giao đất, giao rừng, phần lớn diện tích đã được giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý khai thác. Qua đó, hàng ngàn hộ dân nghèo đã được nhận đất rừng để sản xuất, với phương thức canh tác 30% diện tích sản xuất nông nghiệp và 70% trồng tràm.

Ông Trần Quang Thắng, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, cho biết: Trước đây, rừng trồng trên lâm phần U Minh Hạ chủ yếu là cây tràm cừ bản địa. Phần lớn là tràm tái sinh và một ít diện tích được người dân trồng theo lối quảng canh không đầu tư chăm sóc nên cây rừng chậm phát triển, chu kỳ khai thác kéo dài. Mặt khác, do ngập nước quanh năm nên cây tràm cho năng suất, sản lượng không cao, hiệu quả kinh tế thấp, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Thành Tâm, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, chia sẻ: Hồi trước Lâm trường giao đất, cấp giống ăn chia 70-30 (dân 30), nhưng do trồng quảng canh, chu kỳ khai thác dài nên không hiệu quả… Do cuộc sống khó khăn mà phần lớn hộ dân sống ven rừng dựa hẳn vào rừng, lấy nguồn tài nguyên thiên nhiên làm kế sinh nhai. Với quan niệm “chim trời, cá nước”, việc khai thác sản vật như “của trời cho” khiến cho nguồn lợi thiên nhiên ngày cạn kiệt và diện tích rừng cũng bị thu hẹp.

Năm 2008, thực hiện Nghị định 135 của Chính phủ về việc “Giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh”, tỉnh Cà Mau đã thành lập Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ và thực hiện giao khoán đất rừng cho nhân dân. Công ty quản lý 25.200ha đất rừng, trong đó gần 5.000ha đất quốc doanh, 2.500ha đất liên doanh liên kết và trên 17.600ha đất rừng giao khoán cho các hộ nông dân. Mỗi hộ nhận từ 5ha đến 7ha và được hưởng 95% nguồn lợi sau khi thu hoạch cây rừng. Với cơ chế mới, người nhận khoán đất rừng hoàn toàn có thể chủ động đầu tư vốn liếng để trồng rừng thâm canh theo định hướng của ngành lâm nghiệp với 3 loại cây chủ lực là keo lai, tràm cừ bản địa, tràm Úc; trong đó keo lai được chọn là cây trồng mang tính đột phá trong phát triển kinh tế rừng.

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Cà Mau đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phát triển trồng rừng nguyên liệu thâm canh ở U Minh Hạ từ 20.000-28.000 ha; trong đó tập trung nhiều nhất là ở huyện U Minh. Ông Phan Thành Công, ở ấp 20, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, cho biết: Từ lâu gia đình sinh sống chủ yếu dựa vào nguồn lợi thiên nhiên từ rừng. Từ khi “con cá, lá rau” không còn dồi dào như trước cuộc sống cũng gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2010, khi nhận khoán 7ha đất rừng, ông đã mạnh dạn vay vốn để lên liếp trồng 2ha keo lai. Năm vừa qua, sau khi thu hoạch, trừ hết chi phí gia đình ông thu lãi trên 300 triệu đồng.

Trồng rừng thâm canh được xem là bước đột phá mới trong sản xuất rừng ở U Minh Hạ. Với kỹ thuật xẻ mương, lên liếp, cây tràm cừ bản địa, tràm Úc và cây keo lai phát triển rất nhanh đã rút ngắn được chu kỳ khai thác và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu trước đây, cây tràm cừ trồng theo lối quảng canh truyền thống phải mất từ 15 đến 17 năm mới cho thu hoạch, thì hiện nay chỉ còn 8 năm. Đặc biệt, cây keo lai sau 5 năm trồng và chăm sóc, mỗi héc-ta sẽ đạt từ 200-250m3, giá bán từ 200-250 triệu đồng.

Hơn 10 năm thực hiện giao khoán đất rừng theo cơ chế mới, đất rừng U Minh Hạ từng bước đã được phủ xanh với tổng diện tích gần 20.000ha; trong đó gần phân nửa được trồng cây keo lai. Theo kế hoạch đến năm 2020, U Minh Hạ có trên 20% sản phẩm gỗ keo lai được khai thác từ rừng trồng có đường kính 15cm trở lên để cung cấp cho ngành chế biến gỗ lớn. Đây cũng được xem là bước phát triển kinh tế rừng phù hợp theo chủ trương khai thác cây gỗ lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Cà Mau cũng đã ưu tiên phát triển cây keo lai nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng theo hướng tạo nguồn nguyên liệu tập trung để cung cấp cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Gắn mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tuy lúc đầu đã có nhiều ý kiến khác nhau khi đưa cây keo lai trồng trên đất rừng U Minh Hạ, nhưng thực tế đã chứng minh đây là mô hình kinh tế hiệu quả, mở ra một hướng đi mới, góp phần giải quyết sinh kế, nâng cao đời sống của người dân. Ông Trần Quang Thắng, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, khẳng định:  Bây giờ người dân nhận khoán đất rừng là không để đất trống, trồng rừng hết, cuộc sống rất khỏe. Từ ngày có cơ chế mới thì dân nỗ lực bảo vệ rừng, không còn trình trạng cháy rừng nữa…

Lợi ích giữa người dân nhận khoán đất rừng và các đơn vị quản lý đã được xử lý hài hòa, là cơ sở quan trọng để công tác bảo vệ rừng thật sự mang lại hiệu quả. Nhiều năm liền rừng U Minh Hạ không xảy ra cháy lớn, công tác trồng rừng không những vượt chỉ tiêu, mà còn tạo việc làm ổn định cho trên 3.000 lao động ở địa phương.

Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, các huyện U Minh, Trần Văn Thời cũng đã ưu tiên các dự án lồng ghép phát triển cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm… ở các làng rừng, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người dân sinh sống và phát triển kinh tế rừng bền vững. Ông Nguyễn Thành Tâm, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, bộc bạch: Hồi trước đi lại rất khó khăn, giờ điện-đường đã có hết, nhà nào cũng có xe máy, có tủ lạnh…

Nhờ thay đổi tư duy sản xuất, lại được các ngành chức năng hỗ trợ vốn, kỹ thuật… mà phần lớn hộ dân nhận khoán đất rừng đã sản xuất hiệu quả và cuộc sống khá ổn định, không ít hộ đã vươn lên khá giả, giàu có. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trong lâm phần đã giảm dưới 15%, hộ cận nghèo còn 8%. Đây là những con số thật ấn tượng, đánh dấu sự thay đổi lớn lao ở một vùng quê từ lâu nghèo khó.

Huy Hiếu

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
U Minh Hạ