03/06/2022 - 08:18

Anh Trần Việt Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTNVN TP Cần Thơ:

Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp 

QUỐC THÁI (thực hiện)

Ðồng hành và hỗ trợ thanh niên (TN) khởi nghiệp, lập nghiệp là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác Hội và phong trào TN. Tại TP Cần Thơ, từ đầu nhiệm kỳ 2019-2024 đến nay, các cấp Hội LHTNVN thành phố đã và triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cho TN. Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với anh Trần Việt Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTNVN TP Cần Thơ, về các giải pháp hỗ trợ TN khởi nghiệp.

Anh có thể cho biết một số kết quả nổi bật về phong trào “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” trên địa bàn thành phố thời gian qua?

- Cụ thể hóa Ðề án “Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019-2022” của Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, từ đầu nhiệm kỳ 2019-2024, Ủy ban Hội LHTNVN TP Cần Thơ phối hợp tổ chức Ðoàn triển khai nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ TN khởi nghiệp, lập nghiệp. Trong đó, tập trung xây dựng, tạo môi trường thuận lợi cho TN khởi nghiệp, xây dựng cộng đồng TN khởi nghiệp; triển khai đa dạng các giải pháp hỗ trợ TN khởi nghiệp và phát triển kinh doanh, như: tìm kiếm, sàng lọc, củng cố các ý tưởng khởi nghiệp có tiềm năng nhằm kết nối hiệu quả các mô hình, giải pháp, sản phẩm của TN khởi nghiệp đến nhà đầu tư.

Ðặc biệt, tổ chức Ðoàn - Hội phối hợp với các sở, ngành, tổ chức, doanh nghiệp phát triển hệ sinh thái hỗ trợ TN khởi nghiệp thông qua đầu tư phát triển các thiết chế hỗ trợ khởi nghiệp. Từ năm 2019 đến nay, Thành đoàn - Hội LHTNVN thành phố đã hỗ trợ phát triển nhiều ý tưởng và mô hình khởi nghiệp sáng tạo. Tiêu biểu mô hình "Tranh gạo Tấn Bửu", "Sữa bí đỏ Vạn Tín Organics", “Dưa lưới và đất sạch Nata” và các dự án “Dịch vụ vẽ tranh trên tường”, “Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cảnh báo môi trường thông minh”, “Chuỗi dịch vụ cung cấp trạm năng lượng Hydrogen cho xe ô tô”... Ðồng thời, ra mắt cửa hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp TN Mekong Plus.

Thành đoàn - Hội LHTNVN thành phố phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm TN TP Cần Thơ, thiết lập bộ phận phụ trách khởi nghiệp, tổ chức tư vấn, đào tạo, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho TN khởi nghiệp. Các cấp bộ Ðoàn tổ chức các diễn đàn, đề xuất hoàn thiện các chính sách hỗ trợ TN khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế. Ở khối địa bàn dân cư, các cơ sở Ðoàn duy trì và nhân rộng mô hình tổ vay vốn, tổ hợp tác kinh tế trong TN. Tuổi trẻ khối các trường đại học, cao đẳng phát động chương trình “Hành trình tìm việc - Kết nối khởi nghiệp”, tạo kênh kết nối sinh viên với các chuyên gia, doanh nghiệp định hướng mục tiêu khởi nghiệp. Nhiều trường đại học, cao đẳng đã thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp, tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo, qua đó, hun đúc tinh thần, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho giới trẻ.

Những rào cản, khó khăn của người trẻ trong quá trình khởi nghiệp, thưa anh?

- Khi TN mới bắt đầu sản xuất, kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp sẽ gặp nhiều thách thức, như: chưa có kiến thức pháp luật, quản trị doanh nghiệp, khoa học công nghệ và vốn đầu tư... Một số mô hình khởi nghiệp “sớm nở tối tàn” cũng không phải hiếm, bởi người trẻ còn thiếu kinh nghiệm tiếp thị sản phẩm, khó tìm đầu ra sản phẩm hoặc mô hình chưa đủ thuyết phục nhà đầu tư “rót vốn”. Chúng tôi nhận thấy không ít bạn trẻ lý tưởng hóa dự án của bản thân mà chưa chú trọng đến nhu cầu của xã hội. Các bạn dành toàn tâm để phát triển sản phẩm mình muốn khởi nghiệp, song chưa kịp thời tìm hiểu thị trường. Ðam mê và khát khao thành công là điều tốt, nhưng đó chỉ mới là điều kiện cần, yếu tố đủ là kiến thức, kỹ thuật. Do đó, dù khát khao, đam mê rất lớn, người khởi nghiệp vẫn có thể thất bại...

Mô hình “Tranh gạo Tấn Bửu” - một trong những mô hình được Ủy ban Hội LHTNVN thành phố hỗ trợ hiệu quả.​

Ðể hỗ trợ TN, các cấp bộ Ðoàn - Hội đã triển khai các chương trình đồng hành với TN trong khởi nghiệp, như: đào tạo khởi sự doanh nghiệp, đào tạo nâng cao kiến thức kinh doanh; hỗ trợ chuyển giao công nghệ; hỗ trợ TN tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; khuyến khích chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình TN làm kinh tế thành công; thành lập các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã TN làm kinh tế; tập huấn, đào tạo kiến thức về tiếp thị sản phẩm, đặc biệt là thương mại điện tử cho TN. Tuy nhiên, quan trọng hơn vẫn là nhận thức của TN về khởi nghiệp: làm sao nắm bắt, theo kịp xu thế của thế giới để vận dụng vào khai thác tài nguyên bản địa - sản phẩm mang tính đặc trưng, độc đáo, khác biệt của địa phương để phát triển, đáp ứng nhu cầu thị trường.      

Xin anh cho biết một số giải pháp đồng hành và hỗ trợ TN khởi nghiệp trong thời gian tới?

- Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với cốt lõi là chuyển đổi số tạo ra nhiều cơ hội lẫn thách thức cho TN trong quá trình khởi nghiệp. Nhằm hỗ trợ TN khởi nghiệp sáng tạo, tháng 3-2022, Thành đoàn đã ký kết hợp tác chiến lược với Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo FUNDGO. Theo đó, 2 bên phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho TN, từ tập huấn, đào tạo kỹ năng khởi nghiệp, kết nối thương mại hóa các ý tưởng, dự án có tính khả thi cao, đến việc dành cơ chế ưu tiên các mô hình khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Các cấp bộ Ðoàn - Hội tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái hỗ trợ TN khởi nghiệp. Cụ thể, đẩy mạnh truyền thông khởi nghiệp, tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho TN; tiếp tục tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng, dự án TN khởi nghiệp, kết nối TN có ý tưởng khởi nghiệp với nhà đầu tư. Ðồng thời, triển khai hiệu quả các chương trình định hướng, cung cấp thông tin về những lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, những ưu đãi, hỗ trợ của địa phương để TN căn cứ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm công việc hiện có nghiên cứu, quyết tâm lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp và khởi sự kinh doanh tại mảnh đất quê hương.

Chia sẻ bài viết