06/12/2022 - 10:18

Phát triển đa dạng đối tượng thủy sản nuôi trồng thích ứng với biến đổi khí hậu 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Cùng các đối tượng nuôi chủ lực phục vụ xuất khẩu hiện nay là cá tra và tôm nước lợ, ĐBSCL còn nhiều đối tượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tiềm năng khác mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong phát triển NTTS do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng.

Nuôi trồng thủy sản đang gặp khó

Vùng ĐBSCL có nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao có thể đẩy mạnh phát triển nuôi. Trong ảnh: Hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ được tổ chức trên sông Hậu.

Vùng ĐBSCL có nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao có thể đẩy mạnh phát triển nuôi. Trong ảnh: Hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản liên tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ được tổ chức trên sông Hậu.

Vùng ĐBSCL có diện tích tự nhiên khoảng 39.747km2, diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế rộng khoảng 360.000km2. Toàn vùng có khoảng 750km chiều dài bờ biển, với 22 cửa sông, cửa lạch và hơn 800.000ha bãi triều. Với những vùng đất ngập nước có diện tích lớn và đa dạng về kiểu môi trường sinh thái (mặn, lợ, ngọt), ĐBSCL thuận lợi cho phát triển đa dạng đối tượng NTTS và sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung. Theo Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng diện tích có khả năng phát triển NTTS ở ĐBSCL trên 1,36 triệu héc-ta. Trong đó, diện tích nuôi mặn, lợ khoảng 885.000ha, chiếm 89% diện tích tiềm năng nuôi mặn, lợ của toàn quốc. Diện tích nuôi ngọt khoảng 480.000ha, chiếm 52% so với toàn quốc.

Phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên, NTTS tại vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ và hằng năm đã đóng góp trên dưới 60% tổng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi trồng thủy sản tại vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt cần phát triển đa dạng thêm nhiều đối tượng NTTS tiềm năng. Theo  đánh giá của  ngành Nông nghiệp và nhiều cơ quan chuyên môn, cùng các đối tượng nuôi chủ lực phục vụ xuất khẩu hiện nay là cá tra và tôm nước lợ, vùng ĐBSCL còn nhiều đối tượng NTTS tiềm năng khác có thể phát triển để sản xuất theo hướng hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường xuất khẩu và nội địa. Đáng chú ý là các loại cá biển, nhuyễn thể và nhiều loại thủy sản nước lợ, nước ngọt có giá trị kinh tế cao.

Tiềm năng lớn nhưng NTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của BĐKH, gia tăng ô nhiễm môi trường, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định. Nuôi trồng nhiều loại thủy sản đòi hỏi cần vốn đầu tư lớn, trong khi hiệu quả sản xuất còn thấp do quy mô nhỏ lẻ, chi phí đầu vào cao, chưa gắn với thị trường, chưa phát triển theo chuỗi giá trị và dễ gặp rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh. 

Giải pháp phát triển bền vững

Để tháo gỡ các khó khăn, phát triển NTTS hiệu quả và bền vững, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành các chính sách, chiến lược nhằm phát triển bền vững NTTS vùng ĐBSCL, thích ứng BĐKH. Đồng thời, nghiên cứu, điều tra đánh giá cũng đã và đang được triển khai nhằm xác định các đối tượng nuôi tiềm năng và các giải pháp, mô hình NTTS bền vững, thích ứng BĐKH. 

Theo ông Nguyễn Công Hiền, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thủy sản, Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ đã xác định, BĐKH, nước biển dâng là xu thế tất yếu phải thích nghi và sống chung, phải biến thách thức thành cơ hội và cần thay đổi tư duy nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển nông nghiệp đa ngành, xây dựng cơ cấu nông nghiệp theo định hướng trọng tâm là thủy sản - cây ăn trái - lúa gắn với hệ sinh thái. Ngày 12-8-2021, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành Quyết  định số 3550/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt Đề án Phát triển thủy sản bền vững vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thực hiện thành công mục tiêu của Đề án, Bộ đã giao Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản thực hiện nhiệm vụ "Điều tra thực trạng và xác định tiềm năng phát triển nuôi trồng các đối tượng thủy sản tiềm năng vùng ĐBSCL". Qua đó, nhằm xây dựng được cơ sở dữ liệu, cơ sở khoa học để cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thủy sản ở Trung ương và địa phương hoạch định các chính sách, giải pháp phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành thủy sản vùng ĐBSCL và cả nước nói chung.

Qua điều tra thực trạng và xác định tiềm năng phát triển nuôi trồng các đối tượng thủy sản tiềm năng vùng ĐBSCL của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, bước đầu xác định  được 12 đối tượng NTTS tiềm năng: cá chạch lấu, cá lăng nha, cá rô phi, cá lóc, lươn, ếch, cá bớp, cá kèo, cua biển, sò huyết, hàu, nghêu. Mới đây, tại TP Cần Thơ, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức hội thảo tham vấn "Kết quả điều tra xác định tiềm năng và kế hoạch phát triển các đối tượng NTTS tiềm năng vùng ĐBSCL" Tại hội thảo này, nhiều đại biểu cho rằng, ngành chức năng cần quan tâm tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ người dân trong sản xuất con giống và liên kết trong NTTS gắn với phát triển chế biến, tiêu thụ sản phẩm để có thể đẩy mạnh phát triển đa dạng các đối tượng NTTS tiềm năng theo hướng hàng hóa lớn.

Theo PGS.TS Võ Nam Sơn, Phó trưởng Bộ môn Kỹ thuật nuôi hải sản, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, để phát triển mạnh một đối tượng nuôi thủy sản nào đó thì việc giải quyết đầu ra sản phẩm là rất quan trọng và cần chủ động được nguồn con giống. Do vậy, khi xác định đối tượng NTTS tiềm năng cần ưu tiên dựa vào việc đánh giá nhu cầu của thị trường và khả năng tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu. Có giải pháp hỗ trợ đồng bộ cho người dân từ quá trình sản xuất con giống đến nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm.

ĐBSCL có trên 200 loài thủy sản các loại, riêng tại TP Cần Thơ có hơn 120 loài cá và 18 loài giáp xác. Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, việc xác định các đối tượng thủy sản tiềm năng tại ĐBSCL là rất quan trọng nhằm có chiến lược phù hợp trong nuôi trồng, khai thác và bảo tồn, cũng như chủ động thích ứng với BĐKH theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ. Hiện ĐBSCL có nhiều loại cá quý hiếm, có tiềm năng phát triển và nhiều loài cũng có nguy cơ cạn cạn kiệt như cá chạch lửa, cá ngát, cá phèn, cá sửu… cần được quan tâm bảo tồn. Trong chiến lược phát triển dài hạn, các địa phương ĐBSCL cần xác định những vùng tiềm năng cho từng đối tượng thủy sản để quy hoạch nuôi trồng và có các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Chia sẻ bài viết