13/12/2023 - 15:43

Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam theo hướng trách nhiệm và bền vững 

(CT) - Ngày 13-12, trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam - trách nhiệm và bền vững”.

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cùng nhiều chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan trong chuỗi giá trị lúa gạo của nước ta tham dự hội thảo.

Thời gian qua, sản xuất lúa gạo ở nước ta đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sinh kế, thu nhập cho nhiều người dân, cũng như giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và có nhiều đóng góp cho an ninh lương thực toàn cầu. Sản lượng lúa của Việt Nam đạt trung bình 43-45 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 26-28 triệu tấn gạo/năm, trong đó khoảng 20 triệu tấn gạo tiêu thụ trong nước, phần còn lại dành cho xuất khẩu.

Trong sản xuất lúa gạo, nước ta đã hình thành nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ; tập trung nghiên cứu, phát triển các giống lúa có giá trị cao, đạt cả về chất lượng và năng suất. Các quy trình canh tác bền vững, tiên tiến được tăng cường và áp dụng. Công nghệ chế biến gạo ngày càng phát triển góp phần nâng cao giá trị sản phẩm của hạt gạo và chống thất thoát sau thu hoạch. Nhờ đó, mặc dù diện tích trồng lúa có giảm nhưng sản lượng và chất lượng lúa gạo Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng biến đổi khí hậu, việc liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế...

Sản phẩm gạo của một doanh nghiệp ở Cần Thơ được trưng bày, giới thiệu tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 diễn ra tại tỉnh Hậu Giang.

Tại hội thảo, các chuyên gia và đại biểu tập trung phân tích, đánh giá hiện trạng của ngành lúa gạo Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp, định hướng nhằm phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Đặc biệt, thúc đẩy liên kết, phát huy vai trò trách nhiệm và hài hòa lợi ích giữa các bên có liên quan.

Nhiều đại biểu kiến nghị ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và có thêm các cơ chế, chích sách khuyến khích liên kết trong chuỗi ngành hàng lúa gạo. Nghiên cứu và phát triển các mô hình liên kết gắn với đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh lúa chất lượng cao theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cải thiện quy trình sản xuất, phát triển thương hiệu gạo chung của Việt Nam... nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Tại hội thảo, Bộ NN&PTNT kêu gọi các chuyên gia, nhà khoa học, các viện, trường, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nguồn lực để Việt Nam thực hiện thành công Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Qua đó, góp phần phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam theo hướng trách nhiệm và bền vững, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết