26/11/2018 - 08:48

Phát huy vai trò hợp tác xã trong hội nhập kinh tế 

Qua 15 năm thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn TP Cần Thơ đã nâng chất hoạt động, phát huy sức mạnh, liên kết hợp tác sản xuất tăng sức cạnh tranh trong kinh tế thị trường.  Qua đó, vừa phát huy thế mạnh và giá trị bản chất hợp tác xã, kinh tế hợp tác vừa đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội thành phố.

Những điển hình

Ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết: Trong 15 năm thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Liên minh HTX đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ HTX phát triển. Theo đó, Liên minh HTX thành phố đã phối hợp với các ngành, các cấp triển khai các lớp bồi dưỡng kiến thức kinh tế tập thể cho gần 10.000 lượt cán bộ chuyên và bán chuyên trách kinh tế cấp huyện và cấp xã và cán bộ HTX. Các nội dung tuyên truyền, tập trung nâng cao nhận thức về bản chất, vai trò của kinh tế tập thể, HTX; đồng thời, làm rõ hơn tính ưu việt của mô hình HTX kiểu mới, vai trò kinh tế hợp tác trong hội nhập kinh tế. Song song đó, Liên minh HTX thành phố còn phát huy vai trò hỗ trợ các HTX chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012; định hướng cho các HTX phát huy hiệu quả liên kết hợp tác, nâng chất hoạt động cho các HTX ở các lĩnh vực, ngành nghề.


Liên minh HTX TP Cần Thơ và các ngành hữu quan thành phố tổ chức chương trình kết nối, trưng bày các sản phẩm liên kết giữa các HTX Cần Thơ với các HTX tỉnh, thành khác. Ảnh: MỸ HOA

Hiện, toàn thành phố có 217 HTX và trên 1.300 tổ hợp tác hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng, quỹ tín dụng. Trong đó, có nhiều HTX điển hình, như: HTX Nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi, HTX Giống nông nghiệp Thốt Nốt, HTX Vận tải đường sông Nhơn Hòa… làm ăn có hiệu quả, đạt doanh thu hàng chục tỉ đồng/năm. Hầu hết, các HTX này đều liên kết với doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ hỗ trợ đầu vào và bao tiêu đầu ra cho thành viên, góp phần phát huy vai trò của HTX trong quá trình hội nhập kinh tế.

 Hơn 20 năm hình thành và phát triển, HTX vận tải đường sông Nhơn Hòa (HTX Nhơn Hòa), quận Thốt Nốt, phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế trong lĩnh vực vận tải gạo xuất khẩu, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho thành viên và lao động ở địa phương.  Ông Lê Văn Hòa, Giám đốc HTX Nhơn Hòa, quận Thốt Nốt, cho biết: “Với mong muốn nâng cao hiệu quả hoạt động khi khối lượng gạo xuất khẩu trong vùng ngày càng lớn, các hộ có phương tiện vận chuyển đường sông riêng lẻ trong vùng đã hợp tác, thành lập HTX Nhơn Hòa vào năm 1997, tổ chức kinh doanh vận tải với 13 thành viên, 11 phương tiện, có khả năng vận chuyển trên 1.620 tấn. Thời gian qua, HTX Nhơn Hòa không ngừng tăng quy mô thành viên, lao động và phương tiện vận tải; tổng trọng tải các phương tiện của HTX hiện nay tăng 9,4… lần so với thời điểm mới thành lập”. 

Hiện HTX Nhơn Hòa có hơn 40 thành viên với hàng trăm lao động, 35 phương tiện vận tải, tổng vốn điều lệ lên hơn 63 tỉ đồng. Với tiềm lực này, HTX có khả năng đáp ứng đầy đủ và kịp thời phương tiện vận chuyển với số lượng lớn khi cần thiết, đảm bảo sự ổn định và an toàn cho 20 đối tác- là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo ở địa phương. Năm 2017, HTX vận chuyển đạt trên 560.000 tấn, doanh số hơn 54,5 tỉ đồng, góp phần tạo việc làm ổn định cho gần 170 lao động, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4 triệu đồng/tháng. Thành quả này, đã giúp cho HTX Nhơn Hòa từng bước xây dựng được thương hiệu, uy tín, tăng cường tiềm lực và khả năng cạnh tranh thị trường với các đơn vị kinh doanh nghề vận tải tại địa phương.

Phát triển chuỗi giá trị sản xuất lúa và nâng cao hiệu quả mô hình “cánh đồng lớn” là hướng đi được HTX Khiết Tâm, huyện Vĩnh Thạnh triển khai và mang lại lợi ích tối ưu cho hơn 160 thành viên tham gia làm ăn cùng với HTX. Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm, cho biết: Để gắn kết hợp đồng với các doanh nghiệp, nhiều năm liền HTX liên kết các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ tham gia sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn” với quy 600ha, cùng sản xuất một loại giống, giảm thất thoát và chi phí sản xuất, nhất là liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình GAP, vừa gia tăng giá trị hạt lúa, vừa tăng thu nhập cho thành viên và nông dân trồng lúa. Hiện, HTX Khiết Tâm cung cấp 6 dịch vụ cho các thành viên sản xuất lúa chất lượng cao, có hợp đồng bao tiêu lúa trên diện tích 300ha với doanh nghiệp.

HTX Giống nông nghiệp Thốt Nốt được thành lập vào năm 2008, chủ yếu sản xuất và cung ứng lúa giống với sản lượng vài ngàn tấn/năm cho nông dân canh tác lúa ở Cần Thơ và các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc HTX Giống nông nghiệp Thốt Nốt, chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng hạt giống bán ra thị trường, HTX thường tổ chức họp các thành viên và nông dân cùng trao đổi kinh nghiệm, bố trí lịch sản xuất, phân loại giống…Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, HTX còn làm tốt công tác quản lý hướng dẫn nông dân canh tác theo đúng quy trình, đảm bảo chất lượng hạt giống được làm ra. Không chỉ áp dụng tốt kỹ thuật canh tác mới và khoa học kỹ thuật vào sản xuất, HTX còn tập trung đầu tư trang thiết bị sản xuất, xây dựng 3 lò sấy và kho dự trữ giống trên 1.200 tấn, đầu tư làm giàn khoan, lắp máy sàn, ứng dụng máy cấy… để nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng chất lượng và giá trị hạt giống, tăng sức cạnh tranh trên thị trường”.


Thu hoạch lúa tại “cánh đồng lớn” của một HTX trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: MỸ HOA

Trợ lực phát triển HTX

Trong điều kiện hội nhập, để hướng các HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, TP Cần Thơ đã và đang triển khai các chương trình hành động, củng cố và nâng chất hoạt động cho các HTX; đồng thời thúc đẩy liên kết giữa HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp. Cùng với đó, các ngành chức năng thành phố còn đẩy mạnh chương trình kết nối sản xuất và tiêu thụ hàng hóa giữa Cần Thơ với các tỉnh, thành khác; đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện cho HTX tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ,… Qua đó, từng bước đưa kinh tế tập thể, HTX tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, nâng cao đời sống cho xã viên và nông dân làm ăn cùng với HTX.

Theo ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, các ngành hữu quan cần có những định hướng, hỗ trợ phát triển HTX trong thời kỳ hội nhập. Trong đó, tập trung nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước và chính sách hỗ trợ HTX; tập trung xây dựng và phát triển hoàn thiện HTX kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức bồi dưỡng cán bộ chủ chốt quản lý tại các HTX về năng lực quản lý, phương án sản xuất kinh doanh, hợp đồng kinh tế, thị trường tiêu thụ, kỹ thuật sản xuất mới; nâng cao năng lực sản xuất… Liên minh HTX thành phố tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nông dân thành phố thực hiện chương trình nâng cao chất lượng hoạt động cho các HTX, tổ hợp tác tại các xã xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây chính là tiền đề, xây dựng mối liên kết hợp tác giữa “4 nhà”, trong xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, từ đó, giúp các HTX nâng chất hoạt động và phát huy sức mạnh tập thể trong bối cảnh hội nhập.

MỸ HOA

Chia sẻ bài viết