Tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ - Cụm thi đua số 1, bên cạnh những thành tích, 5 Sở GD&ĐT cũng nêu một số khó khăn cần tháo gỡ để phát huy, giữ vững vai trò “đầu tàu” trong GD&ĐT.
Điểm sáng
Năm học 2023-2024, 5 Sở GD&ĐT đã làm tốt công tác tham mưu, đồng thời triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ đối với các nhiệm vụ được Bộ GD&ĐT, Thành ủy, HĐND, UBND các thành phố giao, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, phong trào thi đua. Nhờ đó, phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” ở 5 thành phố trực thuộc Trung ương đã diễn ra sôi nổi, thiết thực, hiệu quả và tác động mạnh mẽ đến chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Một buổi học của cô trò Trường THPT Dân tộc Nội trú (TP Cần Thơ).
Điểm sáng GD&ĐT 5 thành phố trong năm qua là xuất hiện các mô hình mới trong phong trào thi đua. Điển hình như Mô hình: “Triển khai xây dựng hệ thống, xây dựng cơ sở dữ liệu và tổ chức ký số học bạ, sổ theo dõi và đánh giá học sinh, bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục” của TP Đà Nẵng. Ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, cho biết trong chuyển đổi số giáo dục thì học bạ số đảm bảo thông suốt giữa các cấp học, các địa phương, thay thế học bạ giấy để sử dụng đơn giản, giảm thủ tục hành chính, giảm áp lực ký giấy cho giáo viên và quản lý trường học. Sắp tới, Bộ GD&ĐT ban hành quy định sử dụng học bạ số thì việc sử dụng học bạ số (sau khi đã được ký số, đóng dấu số) trong thủ tục hành chính trong các thủ tục chuyển trường, nhập học ở các cấp học sẽ đơn giản và thuận lợi cho người dân; việc lưu trữ, sử dụng của các cơ sở giáo dục sẽ thuận tiện hơn.
Từ tháng 2-2023, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã phối hợp với Công ty cổ phần tập đoàn Công nghệ Quảng Ích tiến hành khảo sát hạ tầng và tiến hành cài đặt phần mềm cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT mở rộng trên hệ thống máy chủ của Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu ngành mở rộng từ tháng 4-2023… Đến nay, các trường học đang ký số trên học bạ số cho các học sinh lên lớp thẳng, cuối tháng 8-2024, các trường học sẽ ký số trên học bạ số đối với các học sinh cần rèn luyện hoặc kiểm tra lên lớp sau hè.
Tại TP Cần Thơ, nổi bật có mô hình “Trường học thân thiện, học sinh thanh lịch, không ma túy, không tệ nạn xã hội và không bạo lực học đường”. Theo ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, mô hình này có xuất phát điểm từ việc triển khai, thực hiện Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường, Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.
Trên cơ sở đó, các trường đã xây dựng kế hoạch, chương trình, tổ chức phong phú, đa dạng các hoạt động nhằm giáo dục về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật, xây dựng văn hóa học đường, văn hóa ứng xử tại đơn vị, góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện để rèn luyện nhiều kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh, học viên. Công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh, học viên cũng như xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh được các đơn vị quan tâm thực hiện; phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học, hướng đến xây dựng trường học thật sự hạnh phúc.
Ông Trần Thanh Bình cho biết tháng 5-2024, Công an thành phố và Sở ký kết kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện mô hình “Trường học thân thiện, học sinh thanh lịch, không ma túy, không tệ nạn xã hội và không bạo lực học đường”; được triển khai thí điểm tại Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, đến năm học 2024-2025 sẽ thực hiện triển khai trong toàn ngành.
Trong khi đó, TP Hải Phòng thí điểm triển khai dạy tiếng Hàn Quốc là ngoại ngữ 1 tại các cơ sở giáo dục phổ thông; TP Hà Nội đẩy mạnh triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025; tổ chức phong trào thi đua và các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 70 năm Ngày thành lập ngành GD&ĐT Thủ đô; TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh chuyển đổi số và nền tảng lưu trữ toàn vẹn dữ liệu kết quả học tập của học sinh.
Để phát huy vai trò đầu tàu GD&ĐT
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 của Cụm thi đua số 1 được tổ chức mới đây, lãnh đạo của Sở GD&ĐT 5 thành phố cũng chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Cụ thể, cấp học Mầm non vẫn còn gặp một số khó khăn như các cơ sở giáo dục mầm non công lập gặp khó do thiếu kinh phí trong việc chi trả lương cho đội ngũ nhân viên hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, thu nhập của đội ngũ không cao, chưa thu hút được người lao động đến làm việc. Việc thực hiện chính sách theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ chưa đạt hiệu quả cao, do trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp chưa đảm bảo tỷ lệ 30% theo quy định. Theo ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, quy định về các điều kiện đối với giáo viên nước ngoài tham gia tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mầm non theo Thông tư số 50/TT-BGDĐT cũng là một khó khăn do chưa có đơn vị tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng. Tỷ lệ trẻ được tham gia làm quen tiếng Anh ở các lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập còn thấp…
Cụm thi đua số 1 đề xuất, kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non. Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Do số học sinh ngày càng tăng, giáo viên thì thiếu nhưng không được phép tuyển mới, cộng thêm việc phải thực hiện tinh giản biên chế (viên chức, công chức) theo lộ trình nên đề nghị Chính phủ xem xét không thực hiện tinh giản biên chế cào bằng đối với ngành giáo dục…
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện học bạ số cấp Tiểu học; quy định về sử dụng học bạ số cấp THCS, Giáo dục phổ thông (dự kiến sẽ triển khai từ năm học 2024-2025). Đồng thời, kiến nghị việc tổ chức đánh giá công tác triển khai, kết quả thực hiện việc phân luồng học sinh sau THCS, THPT. Bởi theo thống kê năm 2023, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển vào đại học trên 60%, đồng nghĩa với khó có thể đạt chỉ tiêu ít nhất 45% theo học giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT đề xuất với Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập. Hướng dẫn cụ thể là những “trường hợp đặc biệt” nào để thuận lợi cho việc tham mưu UBND cấp tỉnh quyết định định mức số lượng học sinh/lớp phù hợp với thực tế. Đồng thời, điều chỉnh quy định phân cấp, phân quyền triệt để cho các thành phố trong công tác tuyển sinh lớp 10 để thuận lợi trong công tác xây dựng chính sách, phù hợp tính chất đặc thù của địa phương như học sinh giỏi, học sinh khó khăn, học sinh dân tộc…
Bài, ảnh: B.KIÊN