23/07/2024 - 08:33

BÌNH THỦY

Phát huy tính chủ động phòng, chống thiên tai, ngăn ngừa sạt lở 

Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) quận Bình Thủy đã chủ động rà soát triển khai các kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN). Nhờ đó, công tác PCTT-TKCN luôn được thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Cán bộ địa chính - xây dựng - môi trường của phường Trà Nóc giăng dây cảnh báo khu vực sạt lở tại khu vực 1.

Chủ động ứng phó

Trong mùa mưa bão, các yếu tố thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn quận Bình Thủy gồm: sạt lở bờ sông; mưa lớn kèm theo giông lốc gây tốc mái nhà, ngập lụt do triều cường và mưa lớn kéo dài... Trong đó, chủ yếu là nguy cơ sạt lở bờ sông thường xảy ra vào đầu mùa mưa và sau các đợt triều cường khi nước rút làm cho kết cấu đất mềm, xốp dễ dẫn đến sạt lở tại các tuyến sông Trà Nóc, sông Bình Thủy, tuyến sông rạch Cam và Cồn Sơn, Cồn Khương trên sông Hậu thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa. Bên cạnh đó triều cường và mưa lớn kéo dài thường gây ngập nghẹt gây ảnh hưởng, trở ngại lớn cho nhiều hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt là hoạt động giao thông, kinh doanh buôn bán, giáo dục, sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường, làm sạt lở các đoạn đê bao, đường giao thông... Trong đó, điểm sung yếu được quận xác định là các tuyến đường Cách mạng Tháng 8, đoạn đường Bùi Hữu Nghĩa thuộc phường Bình Thủy, Khu dân cư An Thới… Loại hình thiên tai như giông lốc cũng có thể xảy ra trong mùa mưa bão, người dân cần nâng cao cảnh giác.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của hiện tượng thời tiết cực đoan, Ban chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN quận Bình Thủy đã chỉ đạo các phòng, ban ngành quận và các địa phương quan tâm phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhằm phổ biến kiến thức, kinh nghiệm phòng, chống 3 loại hình thiên tai sạt lở bờ sông, ngập lụt do triều cường, mưa lớn kéo dài và giông lốc trong mùa mưa lũ đến từng cán bộ công chức, đến mọi tầng lớp nhân dân chủ động trong phòng và giảm thiểu các tác hại do thiên tai gây ra. Cập nhật, thông báo đầy đủ và kịp thời qua hệ thống Ðài truyền thanh, nhóm zalo cấp quận, phường, khu vực và nhân dân về tình hình diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn, bão, áp thấp nhiệt đới và thời tiết nguy hiểm để chủ động phối hợp phòng tránh, ứng phó kịp thời. Ðể đảm bảo an toàn sản xuất, quận thường xuyên kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao các công trình thủy lợi và có phương án khắc phục tại các đoạn có nguy cơ sạt lở, đoạn bờ bao xung yếu; rà soát phương tiện trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó kịp thời.

Ngày 18-6-2024, quận Bình Thủy cũng đã ban hành Phương án 01/PA-BCH, ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn quận. Các phường trên địa bàn tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực xử lý tình huống, chỉ huy điều hành tại chỗ; nâng cao nhận thức, tự giác của cộng đồng để phát huy tính chủ động phòng, chống thiên tai nhằm hạn chế và giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống của nhân dân. Theo bà Ðỗ Thị Nụ, Phó Chủ tịch UBND phường Trà An, phường thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để kịp thời thông tin đến người dân có giải pháp chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi các tuyến đường ven sông kênh, rạch để khi có sự cố sạt lở kịp thời thông báo đến ngành chức năng để có giải pháp khắc phục, gia cố, đảm bảo an toàn cho người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng” cũng góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Giải quyết sạt lở, đảm bảo an toàn

Trong 6 tháng đầu năm, quận Bình Thủy đã ghi nhận và xử lý 15 điểm sạt lở, sụt lún. 28 căn nhà bị ảnh hưởng đã được di dời kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Quỹ Phòng, chống thiên tai của quận cũng đã thu được hơn 331 triệu đồng, sẵn sàng hỗ trợ người dân trong trường hợp cần thiết. Theo ông Lê Minh Duy, Chủ tịch UBND phường Trà Nóc, tuyến sông Trà Nóc thuộc khu vực 1 và khu vực 2 phường Trà Nóc (phía bờ phải hướng từ Sông Hậu vào), trên tuyến đoạn từ cuối tường kè Trà Nóc hiện hữu đến đến Rạch Gừa, dài 2.800m, thuộc tuyến nguy cơ sạt lở cao, cặp bờ sông là tuyến đường dân sinh rộng trung bình khoảng 2m, có khoảng 33 căn nhà cặp sông. Thời gian qua tình hình sạt lở diễn ra rất nghiêm trọng, đã làm hư hỏng tuyến đường cặp bờ sông, làm giao thông trên tuyến không được thông suốt gây khó khăn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân và ảnh hưởng trực tiếp đến những căn nhà cặp bờ sông. Ðể đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, UBND phường chủ động rà soát, kiểm tra, cảnh báo các điểm sạt lở, tuyên truyền vận động người dân di dời đến nơi an toàn, sửa chữa đường, bắc cầu tạm để người dân đi lại. Ðồng thời, rà soát các tuyến hẻm có nguy cơ ngập sâu do triều cường để xây dựng phương án nâng cấp, cải tạo bằng hình thức xã hội hóa để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.

Năm 2024, quận Bình Thủy được thành phố quan tâm đầu tư một số công trình để hoàn thiện hạ tầng phòng, chống thiên tai, sạt lở, bảo vệ sản xuất, đời sống của người dân. Hiện Chi cục Thủy lợi thành phố đang làm chủ đầu tư thi công dự án kè chống sạt lở khẩn cấp sông Trà Nóc, phường Trà An (đoạn từ cầu Xéo Mây đến Rạch Chùa) quận Bình Thủy, chiều dài 1,99km, tổng mức đầu tư 272 tỉ đồng, dự án đạt tiến độ khoảng 50% và dự kiến hoàn thành vào quý I-2025. Về phía quận cũng triển khai đầu tư gia cố đoạn đê bao có nguy cơ sạt lở tại Cồn Sơn và nạo vét ngọn rạch Vàm Hồ, phường Bùi Hữu Nghĩa tổng mức đầu tư 1,1 tỉ đồng; khắc phục các đoạn sạt lở và nạo vét các tuyến kênh, rạch kết hợp đắp cải tạo các tuyến bờ bao ở các điểm sung yếu trên địa bàn phường Thới An Ðông, tổng mức đầu tư 3,3 tỉ đồng.

Với sự chủ động và quyết tâm cao, quận Bình Thủy đang nỗ lực không ngừng để bảo vệ người dân và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: Thời gian tới, quận sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra các điểm yếu trên các tuyến đường giao thông dọc theo các bờ sông, rạch, các tuyến đê, đập trên cồn Sơn, Cồn Khương và vùng sản xuất nông nghiệp để từ đó có đủ cơ sở cảnh báo đến người dân và có kế hoạch phối hợp ứng phó kịp thời. Ðồng thời, tập trung, dồn sức đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu phòng, chống sạt lở, triều cường đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh, giao thông và sinh hoạt thường nhật của người dân. UBND quận cũng chỉ đạo phòng, ban ngành, đoàn thể và UBND phường thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”, “Ba sẵn sàng” . Qua đó phát huy tính chủ động phòng, chống thiên tai của các cấp các ngành và toàn dân nhằm hạn chế và giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống của nhân dân, kịp thời phục hồi sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên toàn địa bàn quận.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

 

Chia sẻ bài viết