25/06/2015 - 09:17

Phát huy lợi thế từng địa phương - Đưa kinh tế thành phố phát triển toàn diện

TP Cần Thơ được phân chia thành 9 đơn vị hành chính với 5 quận và 4 huyện. Nhiệm kỳ 2010-2015, tình hình kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp song thành phố vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, tranh thủ các nguồn lực đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế đồng bộ và bền vững. Từ sự quan tâm đầu tư của thành phố, các quận, huyện chủ động phát huy những lợi thế để tạo động lực phát triển kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo địa phương, tạo đà phát triển chung cho thành phố.

Phát huy lợi thế riêng có

TP Cần Thơ đang hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020. Trong đó, mỗi quận, huyện có định hướng phát triển riêng tùy theo thế mạnh, đặc thù của địa phương. Các quận trung tâm tập trung phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, các huyện chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang nền nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp đô thị.

Như ở quận Ninh Kiều, trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân cả nhiệm kỳ ước đạt 18,6%, GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 4.000 USD/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tỉ trọng ngành thương mại, dịch vụ năm 2014 chiếm 72,51% trong cơ cấu GDP. Ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: "Thương mại dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn của Ninh Kiều, có nhiều tiềm năng phát triển mở rộng, thu hồi vốn nhanh và thu hút vốn đầu tư của nhiều doanh nghiệp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khá, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2010-2015 ước đạt 24,64%. Nhiều công trình dịch vụ, thương mại, tài chính ngân hàng với quy mô lớn được đầu tư xây dựng, tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn". Ở quận Bình Thủy, dù nằm gần trung tâm thành phố nhưng quận có nhiều điều kiện phát triển nông nghiệp đô thị với các mô hình vườn cây ăn trái chuyên canh, làng nghề hoa kiểng, sản xuất rau an toàn phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thành phố. Song song đó, quận cũng phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ khi có lợi thế tiếp giáp với quận Ninh Kiều và có khu công nghiệp Trà Nóc đóng trên địa bàn.

Thành phố đang khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Các chuyên gia của IRRI tham quan cánh đồng lúa Việt GAP tại thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh.

Đối với các huyện, thành phố tập trung đầu tư kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ từ trung tâm thành phố về trung tâm huyện, xã, thị trấn. Thành phố cũng yêu cầu ngành nông nghiệp tập trung vào nhiệm vụ tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên cơ sở rà soát, bố trí lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu và công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng nông nghiệp đô thị, gắn sản xuất với chế biến và đáp ứng nhu cầu thị trường. Công tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản được đặc biệt quan tâm cùng với sự hợp tác, liên kết với viện, trường trên địa bàn và các cơ quan nghiên cứu của Trung ương nhằm tăng năng suất, hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông hộ và giảm nghèo. Ông Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, chia sẻ: Nhiệm kỳ qua, Thới Lai tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến ngư; chương trình xây dựng nông thôn mới… Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hệ thống thủy lợi, các chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được quan tâm đầu tư… đã tạo điều kiện và động lực phát triển ngành nông nghiệp. Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, huyện đã triển khai xây dựng, phê duyệt đề án, đồ án xây dựng nông thôn mới của huyện; hướng dẫn các xã xây dựng, thẩm định, phê duyệt đề án, đồ án xây dựng nông thôn mới; đồng thời, thành lập ban chỉ đạo và phân công cán bộ lãnh đạo huyện chỉ đạo ấp xây dựng các tiêu chí nông thôn mới. Nghị quyết Huyện ủy chọn 3 xã điểm chỉ đạo xây dựng "Nông thôn mới" gồm xã Trường Xuân, xã Đông Bình và xã Thới Thạnh. Đến nay, thành phố đã công nhận xã Trường Xuân đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 12 tiêu chí trở lên.

Mở hướng phát triển

Theo đánh giá của các quận, huyện, nhiệm kỳ 2010-2015, suy thoái kinh tế kéo dài từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2014. Đến cuối năm 2014, đầu năm 2015, tình hình kinh tế mới bắt đầu khởi sắc, khôi phục đà tăng trưởng. Các địa phương có thế mạnh về công nghiệp, thương mại, dịch vụ gặp khó khi cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung, kết quả thu ngân sách… Các huyện nông nghiệp có xuất phát điểm thấp, khả năng thu hút nguồn lực đầu tư hạn chế, khu vực nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo song sức cạnh tranh và tính bền vững chưa cao. Đây là những hạn chế cần được khắc phục trong nhiệm kỳ 2015-2020 để các địa phương tạo được sức bật mới trong tiến trình phát triển kinh tế của thành phố. Ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, chia sẻ: Nhìn nhận một cách thẳng thắn, mặc dù Ninh Kiều có nhiều lợi thế phát triển nhưng cơ sở hạ tầng vẫn chưa thực sự đồng bộ theo yêu cầu của một quận trung tâm. Nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ cán bộ am hiểu chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, thu hút đầu tư còn chưa tương xứng với yêu cầu hội nhập. Công tác cải cách hành chính tương đối tốt nhưng phải đẩy mạnh hơn nữa. Bởi lẽ, trong tương lai, Ninh Kiều sẽ là nơi thu hút đầu tư rất mạnh mẽ khi các công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến thành phố ngày càng nhiều.

Trong tiến trình phát triển kinh tế, các địa phương luôn xác định xây dựng cơ cấu kinh tế theo định hướng chung của thành phố gắn với những lợi thế sẵn có. Ông Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: "Thế mạnh của huyện là nông nghiệp, vì thế huy động nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp là yêu cầu thiết yếu đối với địa phương. Do đó, huyện không ngừng nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, huy động các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đến đầu tư trên địa bàn huyện. Một khi doanh nghiệp vào kinh doanh tại địa phương, liên kết với nông dân khai thác nguồn nguyên liệu nông sản thì đầu ra nông sản mới ổn định, kinh tế địa phương sẽ ngày càng phát triển. Còn ở quận Bình Thủy, nhiệm kỳ 2015-2020, cơ cấu kinh tế của quận được xác định chuyển dịch theo hướng "Công nghiệp – thương mại – dịch vụ - nông nghiệp đô thị". Trong đó, quận chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực quận có lợi thế, các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho sự phát triển của khu công nghiệp Trà Nóc. Song song đó, quận cũng đặc biệt chú trọng phát triển du lịch sinh thái gắn kết giữa các khu di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn với làng nghề trồng hoa kiểng, hợp tác xã rau an toàn, các vườn cây ăn trái chuyên canh…

Theo đánh giá của các sở, ngành thành phố, trong 5 năm tới, TP Cần Thơ sẽ có nhiều thay đổi tích cực, kinh tế có bước tăng trưởng nhanh và mạnh với hiệu quả và sức cạnh tranh cao hơn. Đặc biệt, tiến độ đô thị hóa sẽ diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Trong quá trình phát triển này, đòi hỏi các địa phương phải có sự thích ứng kịp thời để chủ động đón các làn sóng đầu tư trên các lĩnh vực công nghiệp-thương mại-dịch vụ-nông nghiệp. Do đó, công tác cải cách thủ tục hành chính tại các địa phương phải được quan tâm thực hiện hiệu quả hơn nữa để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế hoạt động, sản xuất, kinh doanh ổn định. Công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch theo ngành theo lĩnh vực từ cấp thành phố đến từng quận, huyện cũng cần được quan tâm thực hiện đồng bộ, triển khai hiệu quả. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ khu vực trung tâm đến các quận huyện sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, tạo đà phát triển chung cho toàn thành phố.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết