30/04/2009 - 09:35

Phát huy Đại thắng mùa Xuân 1975 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

PGS.TS NGUYỄN TUẤN DŨNG
Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã để lại cho đất nước ta một dấu ấn lịch sử chói lọi. Đó là chiến thắng của chính nghĩa, của lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, là sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc... Sự kiện lịch sử này còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm và ý nghĩa sâu sắc cho Đảng, Nhà nước và quân đội, nhân dân ta trong sự nghiệp đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cách đây ba mươi tư năm, dân tộc ta đã làm nên một kỳ tích lịch sử. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Thắng lợi của cuộc quyết chiến chiến lược đó là cột mốc lịch sử bằng vàng đánh dấu sự kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, đầy sự hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu; dân tộc ta đã đánh bại kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ trong thế kỷ XX, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị kéo dài 115 năm của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta. Nhân dân ta đã hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện được khát vọng thống nhất đất nước, hòa hợp dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đơn vị xe tăng Quân Giải phóng đánh chiếm Phủ Tổng thống ngụy.
Ảnh: Việt Nam 30 năm chiến tranh giải phóng 1945-1975 (NXB Thông Tấn 2004)

Đại thắng mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đã làm sụp đổ và đè bẹp cả một bộ máy chiến tranh khổng lồ với hơn một triệu quân được trang bị đủ các loại vũ khí hiện đại và sự hậu thuẫn đắc lực của đế quốc Mỹ. Trong suốt quá trình của cuộc kháng chiến ba mươi năm, bản lĩnh và kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng của Đảng ta ngày càng dày dạn. Với trí tuệ tuyệt vời và sự nhạy cảm chính trị sắc sảo, Đảng ta đã phân tích, đánh giá và xử lý đúng đắn, chính xác, kịp thời các tình huống khó khăn, ác liệt, phức tạp để lãnh đạo toàn dân, toàn quân ta đánh bại các kiểu loại chiến tranh của một đế quốc đầu sỏ. Cũng qua cuộc chiến tranh mà quân đội ta, một đội quân từ nhân dân mà ra, được Đảng, Bác Hồ sáng lập và rèn luyện đã không ngừng lớn mạnh, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Qua chiến đấu và chiến thắng, Đảng ta, nhân dân ta, quân đội ta càng nhận thức sâu sắc hơn, đúng đắn hơn vị trí, khả năng và sức mạnh của mình trong thời đại mới. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình cách mạng Việt Nam mà còn nâng vị thế chính trị của Việt Nam trên thế giới lên một tầm cao mới, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Đối với thế giới, thắng lợi của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975 có một ý nghĩa vô cùng lớn lao. Đó là sự đóng góp đáng tự hào của cách mạng Việt Nam đối với cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với các dân tộc dũng cảm, kiên cường tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vững tin vào xu thế phát triển tất yếu của loài người tiến bộ; là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, làm tiêu tan huyền thoại về sức mạnh của đế quốc Mỹ hiếu chiến. Đó là minh chứng cho một chân lý: một dân tộc nhỏ, kinh tế chậm phát triển nhưng có một đảng mác-xít kiên cường, sáng tạo lãnh đạo, có tinh thần yêu nước, đoàn kết và ý chí quyết tâm của toàn dân thì có thể chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược cho dù chúng có sức mạnh và tiềm lực quân sự lớn đến đâu. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta còn góp phần trực tiếp vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của hai nước Lào và Campuchia láng giềng anh em.

Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Đại thắng mùa Xuân 1975 luôn luôn tươi mới và có giá trị chỉ đạo sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Sau năm 1975, cả nước cùng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong những điều kiện lịch sử mới, có nhiều thuận lợi, nhiều cơ hội, song cũng phải đương đầu, vượt qua không ít những khó khăn, thử thách mới.

Hiện nay, tình hình quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp. Các thế lực phản động, thù địch không ngừng chống phá cách mạng Việt Nam bằng âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình” với nhiều thủ đoạn mới ngày càng tinh vi và xảo quyệt hơn, quyết liệt và thâm độc hơn. Do đó, vấn đề kết hợp giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới. Phát huy tinh thần Đại thắng mùa Xuân 1975 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay cần nắm vững và thực hiện tốt những vấn đề cơ bản sau đây:

Một là, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội đưa đất nước tiến lên. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, bảo đảm sự phát triển của đất nước, lợi ích của nhân dân. Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội vẫn đang ra sức xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi đa nguyên, đa đảng, đối lập mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; làm lu mờ truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam. Do đó, việc kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vừa là vấn đề có tính nguyên tắc bất di bất dịch vừa là yêu cầu có tính thời sự cấp bách.

Thực tế cho thấy, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc chân chính. Không giành được độc lập dân tộc thì không có điều kiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc thật sự đòi hỏi xóa bỏ áp bức, nô dịch của dân tộc này với dân tộc khác, gắn liền độc lập dân tộc với tự do, bình đẳng, hạnh phúc của nhân dân, do đó chỉ có thể gắn liền với sự phát triển xã hội xã hội chủ nghĩa. Chính nhờ sự kiên định nội dung tư tưởng đó mà Đảng ta đã lãnh đạo dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, viết nên trang lịch sử Việt Nam anh hùng với những mốc son chói lọi: Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng đúng đắn, hợp quy luật, hợp lòng dân đó đã được Đảng quán triệt xuyên suốt trong cả tiến trình cách mạng, đặc biệt là trong quá trình đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Chúng ta đang sống trong một thế giới với những sự biến động to lớn cả về chính trị, kinh tế và xã hội ngày càng phức tạp, khó lường; xu thế toàn cầu hóa kinh tế diễn ra hết sức sôi động, tác động ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, các dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong công cuộc xây dựng đất nước cùng với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, cần tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước trong thời kỳ mới. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lòng yêu nước ấy phải được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực: bảo vệ thành quả cách mạng, định hướng xây dựng phát triển đất nước, trong lao động sản xuất, trong cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, bảo vệ Tổ quốc... Những tấm gương của tập thể, cá nhân tiêu biểu trong mọi lĩnh vực như lao động tạo ra của cải vật chất cho xã hội; xả thân cứu dân trong thiên tai, thảm họa, những hành động yêu nước thương nòi, giúp đỡ người nghèo khổ; gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc cần hết sức trân trọng, biểu dương, nhân rộng, tạo nên một phẩm chất, một khí phách Việt Nam anh hùng trong thời đại mới.

Hai là, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay cần tiếp tục phát huy cao độ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Đại thắng mùa Xuân 1975 để vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên mọi lĩnh vực xây dựng, phát triển đất nước và củng cố quốc phòng, an ninh, xóa đói, giảm nghèo, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, địch họa. Từ thực tiễn những năm qua cho thấy ý chí, bản lĩnh và tinh thần của con người Việt Nam đã giúp cho đất nước ta vượt qua không ít khó khăn, thử thách vô cùng khốc liệt cả trong tư tưởng và hành động. Khi hệ thống xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ, chủ nghĩa đế quốc, các thế lực phản động tiến công quyết liệt vào hệ tư tưởng Mác-Lê-nin, tình hình kinh tế đất nước gặp muôn vàn khó khăn nhưng với ý chí, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta, quân đội ta đã vượt qua mọi khó khăn trở ngại, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, kiên định con đường phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước ta tiếp tục đi lên.

Mặt khác, chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội và thuận lợi, vượt qua khó khăn, thử thách trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Mặc dù còn vô vàn khó khăn, thử thách sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ nhưng các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã vượt qua được những khó khăn, những chấn động về chính trị, tâm lý dữ dội, khắc nghiệt nhất; tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận, điều chỉnh lại mô hình để xây dựng đất nước phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của nước mình trong điều kiện mới. Đồng thời, phong trào cộng sản, phong trào công nhân ở nhiều nước bắt đầu phục hồi, phát triển, có ảnh hưởng trong đời sống xã hội; phong trào cánh tả theo xu hướng xã hội chủ nghĩa ở các nước Mỹ - La tinh ngày càng khẳng định rõ rệt. Đối với nước ta, thắng lợi và thành tựu của 20 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khởi sắc, tạo đà cho sự nghiệp phát triển đi lên một cách vững chắc, tạo được những tiền đề rất cơ bản trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đất nước ta luôn luôn ổn định về chính trị, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, nhiều âm mưu chống phá của các thế lực thù địch bị thất bại. Đây là những thuận lợi rất cơ bản. Tuy nhiên, trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay cũng còn rất nhiều khó khăn, thử thách cần phải có những giải pháp đúng đắn để vượt qua.

Ba là, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đang đặt ra cho chúng ta những yêu cầu mới. Dân tộc ta đã có hằng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược cũng như trong lao động sản xuất, chống chọi lại thiên tai, thảm họa khắc nghiệt nhân dân ta đều thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, sự thông minh sáng tạo, nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính. Từ khi có Đảng lãnh đạo sức mạnh ấy của nhân dân ta được nhân lên gấp bội, đó là nhân tố quyết định cho mọi chiến công, thắng lợi hơn bảy mươi năm qua, mà chiến công vang dội nhất là Đại thắng mùa Xuân 1975 và những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử đạt được sau hơn 20 năm đổi mới.

Ngày nay, sức mạnh của dân tộc càng được nhân lên gấp bội khi kết hợp và phát huy được sức mạnh của thời đại, phát huy được những yếu tố thuận lợi của quốc tế phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là những thành tựu của loài người tiến bộ trên những lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội có ý nghĩa, tác động tích cực đến sự phát triển đất nước. Chúng ta thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế nhưng không để chệch hướng xã hội chủ nghĩa, hòa nhập nhưng không hòa tan, không làm mất bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc. Do đó, cần tăng cường giáo dục giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong việc tiếp thu những thành tựu, thuận lợi của bên ngoài kết hợp với sức mạnh bên trong, phát huy hiệu quả, vai trò của công tác đối ngoại trong việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần kết hợp chặt chẽ giữa phát huy nội lực của đất nước với sự giúp đỡ, hợp tác với các nước, tận dụng triệt để các nguồn lực trong và ngoài nước, giải quyết hài hòa các nhiệm vụ đối nội và đối ngoại, thực hiện tốt đường lối đối ngoại đa phương, rộng mở, thêm bạn, bớt thù, tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc là động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp đổi mới đất nước. Đây là bài học vô giá mà Đảng ta đã đúc kết và thực hiện trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc sẽ tạo nên một hình ảnh Việt Nam thống nhất, một dân tộc Việt Nam cùng chung một ý chí, một lợi ích, một bản sắc văn hóa. Sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc bao hàm sức mạnh của các lực lượng trong cộng đồng dân tộc. Đó là sự đoàn kết gắn bó giữa đồng bào các dân tộc miền xuôi, miền ngược, giữa các tầng lớp nhân dân trong, ngoài nước, giữa các tôn giáo mà hạt nhân của sự đoàn kết đó là sự lãnh đạo của Đảng. Việc củng cố, xây dựng đại đoàn kết dân tộc cần lấy mục tiêu độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Đảng, Nhà nước cần hoàn thiện, bổ sung Quy chế Dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò phản biện của các tổ chức quần chúng trong quản lý, xây dựng đất nước, đấu tranh chống tệ nạn quan liêu, tham nhũng và mọi nguy cơ làm tổn hại đến khối đại đoàn kết thống nhất toàn dân tộc.

Năm là, tăng cường sức mạnh quân sự, tiềm lực quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Bài học của Đại thắng mùa Xuân 1975 cho thấy, muốn chiến thắng kẻ thù, cùng với sức mạnh của niềm tin và ý chí quyết chiến, quyết thắng, chúng ta phải có tiềm lực và thực lực quân sự mạnh. Từ chiến dịch giải phóng Tây Nguyên đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiềm lực, thực lực quân sự của ta đã không ngừng được tăng cường, đủ sức đè bẹp mọi sự kháng cự của ngụy quân, ngụy quyền miền Nam với quân số, trang bị của bộ máy chiến tranh khổng lồ. Trong tình hình hiện nay, việc tăng cường sức mạnh quân sự, tiềm lực quốc phòng, xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức quân sự thời bình, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thời chiến một cách chủ động, có hệ thống khi đất nước có chiến tranh là một trong những giải pháp cơ bản và quan trọng nhất.

Để làm được việc đó cần phải giải quyết tốt một số vấn đề chủ yếu là: xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân có cơ cấu cân đối, tổ chức biên chế phù hợp, sẵn sàng chiến đấu cao; xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, công tác giáo dục, huấn luyện, công tác hậu cần, kỹ thuật, công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, nghệ thuật quân sự đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới; củng cố xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh kết hợp chặt chẽ lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân với lực lượng thế trận an ninh nhân dân. Trong thời bình những vấn đề về quốc phòng và an ninh có sự tương tác, quan hệ chặt chẽ với nhau. Nền quốc phòng toàn dân vững mạnh phải gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Sự ổn định, an ninh của đất nước bảo đảm cho củng cố quốc phòng. Quốc phòng vững mạnh hậu thuẫn tạo thế cho an ninh chính trị, khiến cho những thế lực thù địch, gây rối, chống đối không có điều kiện tổ chức, tập hợp lực lượng và hoạt động làm phương hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ và sự ổn định xã hội. Quốc phòng vững mạnh góp phần trực tiếp vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, trước hết và quan trọng là sự ổn định về chính trị, tạo tiền đề cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung và phát huy mọi nguồn lực để phát triển, xây dựng đất nước, qua đó tạo nền tảng cơ sở vật chất dồi dào cho tăng cường xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Sáu là, không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng - an ninh, xây dựng ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho mọi công dân nhằm khơi dậy, phát huy những giá trị truyền thống yêu nước của dân tộc trong điều kiện lịch sử mới. Trong đó cần hết sức chú ý nội dung giáo dục chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu nhân dân, lý tưởng và ý chí độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chú ý coi trọng công tác giáo dục đối với thế hệ trẻ. Tăng cường các nội dung giáo dục về quốc phòng và an ninh, coi trọng việc giáo dục lòng tin vào khả năng đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, dù là cuộc chiến tranh với công nghệ cao. Từ đó, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên và năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Đây là yếu tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và công cuộc đổi mới đất nước. Năng lực lãnh đạo thể hiện ở việc hoạch định, đề ra đường lối, chính sách đúng đắn và tổ chức thực hiện thắng lợi các chiến lược, chương trình kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh. Không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ đảng viên thực sự tiên phong, gương mẫu, có bản lĩnh, trí tuệ, hết lòng vì nhân dân phục vụ, thực sự là “điểm tựa” của quần chúng. Đồng thời phải có các biện pháp không ngừng nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước và chính quyền các cấp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

Theo Tạp chí Cộng sản

Chia sẻ bài viết