19/04/2014 - 20:14

ĐỒNG THÁP

Phát hiện thêm nhiều loại hình di tích, di vật văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp

Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức khảo cổ, khai quật 3 đợt tại 3 địa điểm: Gò Minh Sư, Khu mộ táng và Khu Đìa Phật - Đìa vàng trong khu di tích; đã phát hiện thêm nhiều loại hình di tích, di vật văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp.

Tại Gò Minh Sư, đã khai quật 8 hố và 1 hố thám sát, các nhà khoa học đã phát hiện 4 tầng văn hóa của các di chỉ cư trú. Tầng Văn hóa thứ hai phát hiện xương động vật, than, hạt chuỗi, khuôn đúc đá, rìu đá, bàn mài, bàn xoa gốm…; đối chiếu các hiện vật khác ở miền Tây Nam bộ cho thấy niên đại tầng văn hóa này ở thế kỷ 7 đến thế kỷ 12. Trong quá trình khai thác phát hiện ao hình vuông, còn khá nguyên vẹn có chiều dài 6,40 mét, rộng 5,80 mét và sâu 1,90 mét. Hiện vật tìm được trong ao rất phong phú với số lượng nhiều nhất là gốm có 8.221 mảnh, ngoài mảnh vỡ của bình, nồi, cà ràng, bi gốm, dọi se sợi, bàn gốm còn có gốm trang trí kiến trúc, đĩa đèn, chân đèn, vòi bình được tạo hình ngỗng thần Hamsa (vật cưỡi của thần Brahma)…Trong đợt khai quật này phát hiện được 460 hiện vật, đặc biệt gồm hiện vật chất liệu đá, đồ gốm, đất nung, thủy tinh, có 6 hiện vật kim loại, nhiều mảnh xương và răng động vật.

Khai quật ở Khu Đìa Phật- Đìa vàng, Đoàn khai quật đào 9 hố thám sát và 4 hố khai quật, đã phát hiện di vật đồ gốm, đồ đá, hàng nghìn mảnh vỡ, đặc biệt phát hiện một tượng Phật gỗ có niên đại thế kỷ 2 - 4. Ở đìa Phật, phát hiện kiến trúc nhà ở của cư dân Óc Eo niên đại từ những thế kỷ đầu trước Công nguyên; phát hiện một mảnh vàng nhỏ và 1 hạt chuỗi bằng thủy tinh.

Khai quật 12 hố ở Khu mộ táng phát hiện 3 loại hình: D i chỉ cư trú; kiến trúc đền thần Hindu giáo và đường đi của cư dân Óc Eo ở Gò Tháp. Có 4 tầng văn hóa với nhiều hiện vật tiêu biểu của văn hóa Óc Eo như gốm Óc Eo có màu sắc cam, vàng, xám trắng, bình Kendi, vò gốm… Đây là khu vực trước kia được cho là nơi chôn cất của cư dân cổ Gò Tháp như quan điểm của Tiến sĩ Đào Linh Côn. Thực ra, nơi đây lại là một quần thể của đền thờ Hindu giáo và Phật giáo giai đoạn sớm. Nhiều đền thờ, người dân khi xây dựng, đã xây một bờ kè cao gần 2 mét theo 3 hoặc 4 hướng với 15 lớp gạch nhằm tránh ngập nước. Đây là đặc trưng tầng văn hóa ở giai đoạn Óc Eo điển hình ở thế kỷ 3 đến thế kỷ 7. Trong đợt khai quật này đã phát hiện 119 hiện vật đặc biệt gồm: 30 hiện vật đá có vết mài, 4 viên sỏi nhỏ được ghè mài nhẵn bóng, 31 hiện vật gốm, 3 hiện vật bằng kim loại, 51 hiện vật vàng…

Qua 3 đợt khai quật đã giúp các nhà khoa học nghiên cứu tính chất địa hình, địa mạo cổ của di tích thông qua nghiên cứu mặt cắt địa tầng của các điểm di tích khai quật; nghiên cứu phạm vi về mặt không gian, thời gian của cư dân Óc Eo để tìm hiểu các vấn đề chính trị kinh tế, văn hóa xã hội, tôn giáo của cư dân Óc Eo. Các nhà khoa học đã chứng minh ở Gò Tháp có con người cư trú khá sớm, từ giai đoạn Óc Eo thế kỷ 2 trước Công nguyên, phát triển đến văn hóa Óc Eo điển hình rồi đến giai đoạn Hậu Óc Eo (thế kỷ 12). Gò Tháp chính là một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội lớn của một tiểu quốc “Chinh phục từ đầm lầy”.

Khu di tích lịch sử Gò Tháp là di tích quốc gia đặc biệt thuộc xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây hiện còn quần thể di tích của Vương quốc Phù Nam cách đây hơn 1.500 năm; có di tích 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cùng nhiều tầng văn hóa dân gian.

Nguyễn Văn Trí (TTXVN)

Chia sẻ bài viết