07/11/2008 - 08:14

Quốc hội thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2009

Phấn đấu GDP tăng trưởng 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 15%

Với đa số phiếu tán thành (87,36%), chiều 6-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009, cơ bản thống nhất với các chỉ tiêu chủ yếu do Chính phủ đề xuất, cụ thể: GDP tăng khoảng 6,5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 39,5%; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI ) tăng dưới 15%; Tạo việc làm cho 1,7 triệu lao động, trong đó đưa đi XKLĐ khoảng 90.000 người, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 12%; Cung cấp nước hợp vệ sinh cho 79% dân nông thôn. Tỷ lệ xử lý chất thải nguy hại: 65%; Tỷ lệ KCN-KCX có hệ thống nước thải tập trung, đạt tiêu chuẩn môi trường là 65%.v.v... Tiếp tục kiềm chế lạm phát; chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm hội nhập kinh tế thế giới.

Để đạt mục tiêu trên, trước mắt Chính phủ và các bộ, ngành địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, tạo điều kiện cho DN có khả năng tiếp cận nguồn vốn, nhất là DN nhỏ và vừa. Tạo điều kiện để nông dân có tích lũy thực sự để phát triển nông nghiệp. Nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ DN để đối phó với khủng hoảng tài chính. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo công bằng, đối xử bình đẳng. Hoàn thiện khung pháp luật, đối với Tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước. Coi trọng và nâng cao chất lượng quy hoạch, tổng kết đánh giá toàn diện việc phân cấp quản lý đầu tư, mô hình quản lý đầu tư XDCB, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả ngay từ khâu quy hoạch. Kết hợp nguồn vốn đầu tư NN với các nguồn khác. Tăng đầu tư cho nông nghiệp theo Nghị quyết TƯ 7, phù hợp với cam kết gia nhập WTO. Chú trọng việc thu hút đầu tư nước ngoài theo quy hoạch phát triển ngành. Kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, đặc biệt là hàng nhập khẩu không thiết yếu, giảm nhập siêu. Tăng cường mở rộng xuất khẩu, nhất là mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Coi trọng thị trường trong nước, kiểm soát thị trường, chống gian lận, hàng giả, hàng lậu. Thực hiện chính sách giá thị trường có sự quản lý của nhà nước theo mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách cho vay ưu đãi đối với SV các trường ĐH, CĐ và TH nghề. Tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Hoàn thiện văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, sửa đổi BLHS, nâng mức xử phạt để bảo đảm tính răn đe. Đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

* Trước đó, sáng 6-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật lý lịch tư pháp. Về cơ bản các đại biểu cho rằng phải ban hành Luật này, nhưng cần phân định rõ “lý lịch tư pháp” và hồ sơ quản lý nghiệp vụ của Công an để xác định cụ thể cơ quan quản lý lý lịch tư pháp của công dân phù hợp với pháp luật dân sự của nhà nước pháp quyền. Theo đó nên thành lập trung tâm lưu trữ quốc gia và của các tỉnh, thành phố để đáp ứng yêu cầu của các cơ quan Nhà nước và cả nhu cầu của công dân khi cần tra cứu (phần liên quan đến cá nhân). Về vấn đề xóa án tích, có đại biểu băn khoăn về việc khi người từng phạm tội đã được xóa án tích thì có lưu giữ trong lý lịch tư pháp hay chỉ lưu giữ ở hồ sơ quản lý nghiệp vụ của Công an?

Thảo luận về Đề án thực hiện việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã...đa số đại biểu cho rằng cần xem xét kỹ những cơ sở pháp lý để “tiến hành thí điểm” việc bầu Chủ tịch UBND xã. Về nội dung này, quốc hội sẽ còn tiếp tục xem xét.

HỒNG QUÂN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết