06/12/2017 - 22:10

Phấn đấu đến năm 2020 có 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả 

(CT)- Ngày 6-12-2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012. Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể chủ trì. Tại điểm cầu TP Cần Thơ, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chủ trì (ảnh).

Ảnh: M.HOA

Sau khi Luật HTX năm 2012 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, các tỉnh, thành trong cả nước đưa nội dung củng cố, đăng ký chuyển đổi và phát triển kinh tế tập thể làm nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch công tác. Đồng thời, nhiều địa phương hình thành các tổ chuyên trách thực hiện việc chuyển đổi, đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012. Tính đến hết ngày 31-12-2016, cả nước có 43 Liên hiệp HTX và 19.569 HTX. Trong đó, số HTX phải chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 là 15.606 HTX và hiện có trên 13.094 HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, đạt tỷ lệ 83,9%. Quá trình chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, nhiều HTX đã khắc phục hạn chế, từng bước nâng chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu của thị trường, phát triển liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị, phục vụ tối đa lợi ích cho các thành viên tham gia vào HTX.

 Hiện cả nước có nhiều HTX hoạt động với quy mô hơn 100 thành viên, vốn điều lệ  từ 1 tỉ đồng trở lên, diện tích sản xuất từ 200-500ha, có doanh thu hàng chục tỉ đồng/năm. Trong đó, vùng ĐBSCL là vùng tập trung sản xuất hàng hóa nông sản lớn cả nước, xuất hiện nhiều HTX tiêu biểu, như: HTX nông nghiệp Evergrowth (tỉnh Sóc Trăng), HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Cường (tỉnh Đồng Tháp), HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công (tỉnh Tiền Giang), HTX nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi (TP Cần Thơ)... có quy mô hoạt động lớn, doanh thu đạt trên 10 tỉ đồng/năm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Để Luật HTX năm 2012 đi vào cuộc sống, các bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về ý nghĩa phát triển kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX. Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, xem xét quy định thuế thu nhập  HTX so với doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ về đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX; quan tâm và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho HTX; tạo điều kiện phát triển các mô hình doanh nghiệp trong HTX. Các HTX cũng cần chú trọng nâng cao năng lực quản lý và điều hành trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Song song đó, các bộ, ngành và các địa phương cần định hướng tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho các HTX, nhất là HTX nông nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng theo hướng mở rộng điều kiện cho vay, nhất là đối với HTX không có tài sản đảm bảo. Phấn đấu đến năm 2020, cả nước sẽ có 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường... Từ đó, đưa kinh tế tập thể, HTX phát triển ngang tầm với các loại hình kinh tế khác, đóng góp quan trọng vào tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

    M.HOA

Chia sẻ bài viết