Để cứu vãn sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, đế quốc Mỹ âm mưu đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng đánh trả bước “leo thang” chiến tranh mới của đế quốc Mỹ.
Tàu chiến của Hải quân tham gia đánh máy bay Mỹ tại Lạch Trường, Thanh Hóa, ngày 5-8-1964. Ảnh: Tư liệu
Tháng 4-1964, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân họp, quyết định mở cuộc sinh hoạt chính trị học tập, quán triệt lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Chính trị đặc biệt và Chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng “Chuyển một bộ phận lực lượng vũ trang sang trạng thái thời chiến”. Qua đó làm cho mọi quân nhân, công nhân viên quốc phòng nhận thức đúng tình hình, yêu cầu nhiệm vụ mới, xác định tốt tư tưởng, trách nhiệm, xây dựng ý chí quyết tâm, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.
Cán bộ, chiến sĩ Hải quân đẩy mạnh thi đua “Giết giặc lập công, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì chủ nghĩa xã hội, vì thống nhất Tổ quốc”, nhằm tạo động lực mạnh mẽ, chủ động chuẩn bị tốt mọi mặt, từng bước chuyển Quân chủng vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu với quyết tâm cao nhất. Toàn Đảng bộ thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Sẵn sàng khi có lệnh là đi, có địch là đánh; nhiệm vụ ở đâu cũng làm, khó khăn mấy cũng vượt; kẻ địch nào cũng đánh, đánh là phải tiêu diệt”. Đồng thời xây dựng tinh thần đoàn kết giúp nhau tiến bộ; ra sức học tập, đuổi kịp và vượt các điển hình tiên tiến, phổ biến bồi dưỡng kinh nghiệm, đẩy mạnh thi đua “Ba nhất”, hăng hái ghi tên đi chiến đấu và thi đua giành “Đơn vị Quyết thắng”.
Tháng 6-1964, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Hải quân “chấm dứt 9 năm xây dựng hòa bình, nhanh chóng chuyển vào trạng thái thời chiến”. Đầu tháng 7-1964, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng họp hội nghị mở rộng quán triệt tình hình nhiệm vụ và xác định quyết tâm chuyển Quân chủng sang thời chiến, sẵn sàng chiến đấu đánh trả máy bay, tàu chiến của Mỹ với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao nhất, không để bị bất ngờ, quyết đánh thắng ngay từ trận đầu.
Rạng sáng ngày 1-8-1964, đài quan sát của Hải quân phát hiện tàu Khu trục Ma-đốc của đế quốc Mỹ xâm phạm vào vùng biển Quảng Bình và đi ngược lên phía Bắc, đã kịp thời báo cáo về Sở chỉ huy cấp trên, đồng thời tiếp tục bám sát, theo dõi hoạt động của địch.
Chấp hành sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu, đêm ngày 1-8-1964, Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh sử dụng một phân đội tàu phóng lôi làm nhiệm vụ đánh tàu khu trục Ma đốc của địch, không cho chúng ngang nhiên xâm phạm vùng biển của ta.
Ngày 2-8-1964, Phân đội 3 Tiểu đoàn 135 tàu phóng lôi gồm 3 tàu 333, 336, 339 do đồng chí Nguyễn Xuân Bột, Phân đội trưởng kiêm Thuyền trưởng Tàu 333 chỉ huy được lệnh xuất kích đánh tàu địch.
Mặc dù tàu khu trục Ma đốc của Mỹ có vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, trọng tải và quân số lớn gấp trăm lần tàu của ta, lại được máy bay của chúng chi viện yểm trợ, song với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao và ý chí quyết tâm chiến đấu đến cùng, quyết trừng trị quân xâm lược, cán bộ, chiến sĩ Phân đội Tàu phóng lôi đã dũng cảm tiến công đánh đuổi tàu địch mưu trí cơ động tránh các làn hỏa lực của chúng, bắn bị thương tàu khu trục Ma-đốc và bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương một chiếc khác, buộc tàu địch phải tháo chạy ra khỏi vùng biển của ta; mở đầu trang sử chiến đấu anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Ngay sau đó, nhà cầm quyền Mỹ đã dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” vu cáo Hải quân Việt Nam cố ý tiến công tàu chiến Mỹ ở vùng biển quốc tế, lấy cớ để ngày 5-8-1964 tiến hành cuộc tập kích bằng không quân đánh phá hầu hết các căn cứ, khu trú đậu và lực lượng tàu thuyền của Hải quân Nhân dân Việt Nam trên suốt dải bờ biển miền Bắc từ Quảng Bình đến Quảng Ninh.
Do đã được chuẩn bị từ trước, với tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, lực lượng ở các căn cứ và các tàu Hải quân đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng vũ trang ba thứ quân và nhân dân các địa phương anh dũng chiến đấu, đã bắn rơi 8 chiếc máy bay địch, bắn bị thương nhiều chiếc khác và bắt sống tên giặc lái đầu tiên của đế quốc Mỹ trên miền Bắc nước ta (Trung úy phi công An vơ rét).
Chiến công trong đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc ngày 2 tháng 8 và trong đánh trả máy bay giặc Mỹ xâm lược ngày 5-8-1964 đã thể hiện bản lĩnh chiến đấu anh hùng, tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường “Dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng” kẻ địch có tiềm lực kinh tế, quân sự và vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại hơn ta gấp nhiều lần, làm nên truyền thống “Đánh thắng trận đầu” của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến công đó cũng khẳng định sự trưởng thành lớn mạnh của bộ đội Hải quân, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần không sợ Mỹ, quyết tâm chiến đấu và quyết chiến thắng giặc Mỹ xâm lược của quân, dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc, cổ vũ sức mạnh của toàn Quân chủng tiếp tục đi lên xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành từng bước vững chắc.
Theo Báo Hải quân Việt Nam