* Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Gặp gỡ và lắng nghe dân phải được đặc biệt coi trọng
* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại hà nội
Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, ngày 4-5-2009, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã có các buổi tiếp xúc với cử tri là cán bộ chủ chốt của tỉnh và đại biểu cử tri xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. Các buổi tiếp xúc đều tập trung vào chủ đề thực hiện chính sách, pháp luật đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Sau khi nghe đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh báo cáo dự kiến nội dung chương trình của Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, đông đảo cử tri đã phát biểu ý kiến và nêu nhiều kiến nghị. Cử tri khẳng định những thành tựu đạt được trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân những năm qua. Nổi bật là cơ sở hạ tầng (đường giao thông nông thôn, điện, trường học, trạm y tế) đã được Nhà nước quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng, đời sống của đại bộ phận nông dân được cải thiện rõ rệt... Cử tri kiến nghị một số vấn đề như: Muốn phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Trung ương và tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống đường nông thôn, kênh mương nội đồng; có chính sách hỗ trợ về giá điện cho nông dân (hiện người dân ở nông thôn vẫn phải dùng điện giá cao hơn ở thành thị); xây dựng cơ chế để nông dân được vay vốn dài hạn với lãi xuất ưu đãi cho phát triển nông nghiệp. Trung ương cần nghiên cứu để có định hướng rõ về mục tiêu của các chương trình 134, 135 từ đó quyết định nguồn lực và kéo dài thời gian thực hiện nhằm đảm bảo cho các chương trình đạt mục tiêu đề ra. Nâng mức khoán, khoanh nuôi và bảo vệ rừng lên mức 250.000 đồng/ha; mức thiết kế rừng lên 100.000 đồng/ha. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế quản lý, hỗ trợ phát triển hợp tác xã; cơ chế hỗ trợ thông tin định hướng phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Cử tri xã Tân Cương cũng kiến nghị một vấn đề bức xúc tại địa phương: Mặc dù nằm sát chân đập hồ Núi Cốc, nhưng hiện nay xã này vẫn thiếu nước sinh hoạt, tỉnh cần sớm đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt để đảm bảo cuộc sống cho nhân dân.
Phát biểu với cử tri, Tổng Bí thư biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong những tháng đầu năm 2009. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn hiện nay, Tổng Bí thư đề nghị: Tỉnh Thái Nguyên rà soát ngay cơ cấu kinh tế, mạnh dạn điều chỉnh để có cấu trúc kinh tế mới; đánh giá lại các dự án đầu tư về nông nghiệp, nông thôn. Các cấp, các ngành phải nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X), giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phải xác định rõ nông dân là chủ thể của quá trình phát triển nông thôn và phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, nông dân là nhiệm vụ then chốt.
Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, theo Tổng Bí thư: Tỉnh cần chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng tạo giá trị gia tăng lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp; tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ trong nông nghiệp; sớm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún và thực hiện việc dồn điền, đổi thửa; thử nghiệm mô hình nông nghiệp công nghệ cao và mô hình hợp tác tạo ra sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu. Là địa phương vốn có thế mạnh về rừng, Tổng Bí thư yêu cầu tỉnh Thái Nguyên phải làm tốt công tác bảo vệ rừng, phát triển tài nguyên rừng gắn với công nghiệp chế biến; bảo đảm cho người trồng rừng sống được và làm giàu từ nghề rừng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần chú ý phát triển nghề nuôi trồng thủy sản; tăng cường hoạt động khuyến nông, chú trọng việc dạy nghề cho nông dân để tạo điều kiện cho họ có việc làm ổn định.
* Sau cuộc gặp gỡ với gần 500 cử tri TP Hồ Chí Minh trong ngày tiếp xúc đầu tiên (4-5), chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 (Quốc hội khóa XII), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị chính quyền các cấp của TP Hồ Chí Minh coi việc gặp gỡ trực tiếp và lắng nghe dân là phương thức quan trọng để thực hiện nhiệm vụ điều hành, quản lý đồng thời là cách thể hiện nguyên tắc chính quyền thực sự là “của dân, do dân và vì dân”.
Nói chuyện với các cử tri, Chủ tịch nước chia sẻ và đồng cảm với nhiều bức xúc, trăn trở của người dân, nhất là đời sống của những bà con bị ảnh hưởng do quá trình thực hiện những dự án phát triển, đô thị hóa của địa phương và cả nước. “Ngay sau kỳ tiếp xúc cử tri này, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh sẽ làm việc trực tiếp và cụ thể với chính quyền TP Hồ Chí Minh, tìm giải pháp tháo gỡ cơ bản, trả lời thấu tình đạt lý đối với những vấn đề người dân bức xúc, đặc biệt là chính sách đất đai, đền bù giải tỏa và tái định cư”, Chủ tịch hứa với cử tri quận 1 và 2.
Chủ tịch nước cảm ơn nhiều cử tri đã thể hiện sự ủng hộ, chấp nhận thiệt thòi quyền lợi cá nhân để vun đắp cho lợi ích chung của thành phố và đất nước, hợp tác với chính quyền các cấp với thái độ thông cảm, cùng gánh vác, mong muốn người dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục sát cánh cùng chính quyền trong tinh thần chia sẻ và xây dựng, tìm những giải pháp hài hòa lợi ích của người dân và Nhà nước. Chủ tịch cũng khẳng định Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố “đã quyết tâm, nay sẽ quyết tâm hơn nữa” trong việc thực thi đầy đủ trách nhiệm đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của dân.
Tại TP Hồ Chí Minh, cử tri hai quận đều nhắc lại những bức xúc cũ đã diễn ra nhiều năm qua liên quan đến công tác đền bù giải tỏa, tái định cư của một số dự án (chung cư 289 Trần Hưng Đạo, 74 Hồ Hảo Hớn, Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, Đại lộ Đông Tây
) song chậm được giải quyết, hoặc phương án giải quyết không được đa số cử tri đồng tình. Nhiều cử tri đã đề nghị chính quyền thành phố tổ chức gặp dân, thương thảo và cung cấp thông tin kịp thời, xác đáng cho dân hiểu. Nhiều ý kiến khác đề nghị tăng cường giám sát thực thi pháp luật, đẩy mạnh hơn nữa công tác chống tham nhũng và cải cách hệ thống thủ tục hành chính. “Quốc hội cần đảm bảo việc ban hành luật và đưa ra những quyết sách lớn cho sự phát triển của đất nước trong tinh thần đổi mới, công khai, minh bạch, giúp tăng hiệu lực quản lý nhà nước đồng thời đảm bảo lợi ích của người dân”, cử tri Nguyễn Văn Hạnh (phường Thủ Thiêm quận 2) đề nghị.
* Chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XII, ngày 4-5, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Phú Trọng cùng các Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Cầu Giấy (Hà Nội).
Qua tiếp xúc, đa số ý kiến cử tri phản ánh những vấn đề liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất đai, quản lý và xây dựng đô thị, giữ gìn trật tự văn minh đô thị và kiến nghị các cấp chính quyền thành phố tăng cường quản lý, Quốc hội giám sát chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm pháp luật được thực thi. Nhiều đại biểu cho rằng, còn nhiều bất hợp lý trong việc quản lý, bảo dưỡng, thu phí tại các khu chung cư cao tầng, cần bảo vệ quyền lợi của người dân, tránh để các nhà đầu tư “tự tung tự tác”. Việc di dân tái định cư có nơi làm chưa đến nơi, đến chốn, kéo dài thời gian, chất lượng các khu tái định cư không được bảo đảm, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. Một số khu đông dân cư, phường mới thành lập trên địa bàn, nhưng đến nay vẫn chưa có nhà trẻ, trường cấp I, cấp II...; cần bố trí hợp lý đất xen kẽ trong các khu dân cư để xây dựng trường học, các công trình phúc lợi công cộng phục vụ nhân dân. Cử tri còn phản ánh nhiều vấn đề như: tăng cường bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; cần có chế độ chính sách thỏa đáng đối với thanh niên xung phong; chế độ phụ cấp đối với các chức danh ở cơ sở. Cử tri cũng đề cập đến việc tăng cường công tác dân vận, công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, việc thực hiện chính sách thuế, việc sử dụng xe công của cán bộ công chức, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, chăm lo đời sống của nông dân, tình trạng tai nạn giao thông không giảm...
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những ý kiến tâm huyết và trách nhiệm của cử tri đối với nhiều vấn đề của đời sống xã hội, liên quan đến công việc của thành phố và của Quốc hội, có những vấn đề ở tầm vĩ mô, có những vấn đề cụ thể, thiết thân hàng ngày.
Chủ tịch QH nêu rõ, cùng với những nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, công tác tiếp xúc cử tri cũng đã có nhiều đổi mới, lịch tiếp xúc cử tri được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, không còn tình trạng “cử tri chuyên nghiệp” như trước đây. Mọi cử tri đều có quyền đề đạt ý kiến với Quốc hội, đồng thời Đại biểu Quốc hội phải gần dân, lắng nghe ý kiến đóng góp, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của dân. Công tác tiếp xúc cử tri không chỉ được tiến hành trong các cuộc tiếp xúc cử tri chính thức, định kỳ trước và sau kỳ họp theo luật định, mà còn được tiến hành hàng ngày, ở mọi nơi, mọi lúc, trong khi gặp gỡ bạn bè, người thân, hàng xóm láng giềng
Tuy nhiên, Chủ tịch QH mong cử tri phản ánh vấn đề có chọn lọc, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, tập trung đóng góp ý kiến về nội dung, chương trình, cách thức tiến hành Kỳ họp của Quốc hội, nội dung các dự án luật
Về ý kiến đề nghị nên rút ngắn thời gian kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch QH cho biết, Quốc hội đang đứng trước hai yêu cầu: làm sao vừa rút ngắn thời gian kỳ họp, vừa bảo đảm nâng cao được chất lượng hoạt động của Quốc hội. Thời gian kỳ họp quá ngắn sẽ không đủ để Quốc hội giải quyết các công việc cần làm, trong khi còn rất nhiều luật phải hoàn thành để đến năm 2020 chúng ta cơ bản có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị cử tri tiếp tục đóng góp ý kiến hoàn thiện dự Luật quy hoạch đô thị, qua đó góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch và phát triển đô thị; nâng cao chất lượng công tác giám sát, trong đó có hình thức chất vấn tại các Kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vấn đề hiệu lực, hiệu quả sau chất vấn. Trước sự quan tâm của nhiều cử tri về dự án Bô-xít ở Đăk Nông, Chủ tịch QH nêu rõ, đây là một chủ trương của Đảng, chúng ta có nhiều tài nguyên quí chưa được khai thác, vấn đề là phải bảo đảm hài hòa giữa hiệu quả, việc bảo vệ môi trường sinh thái, công tác giữ gìn an ninh
việc khai thác cần tiến hành từng bước vững chắc, nhằm xây dựng và phát triển khu vực Tây Nguyên giàu mạnh. Chủ tịch QH cũng đã dành thời gian trả lời nhiều vấn đề cụ thể mà cử tri nêu; đồng thời mong muốn cử tri tiếp tục đóng góp những ý kiến thẳng thắn, chân tình, xây dựng, để Quốc hội thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả, xứng đáng với niềm tin và sự mong đợi của cử tri.
NHÓM PV TTXVN