* Cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Bảo hiểm tiền gửi
Phải đánh giá đúng thực trạng để tìm giải pháp khả thi cao trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đó là đề nghị của nhiều Ủy viên tại Phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến vào báo cáo tổng kết Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, sáng 11-10.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đăng Khoa: Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc giảm sản lượng khai thác đối với rừng tự nhiên. Trên cơ sở triển khai Đề án “phát triển mạnh trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, hướng tới đóng cửa rừng tự nhiên” đã giảm số tỉnh khai thác từ 36 xuống còn 20 tỉnh và số lâm trường từ 241 xuống còn 134, sản lượng khai thác gỗ tự nhiên hàng năm giảm từ 1,2 triệu m3 xuống còn 300.000 m3, trong đó khai thác chính hàng năm là 150.000 m3 .
Hàng năm, Dự án đã dành khoảng 150 - 200 tỉ đồng để khoán bảo vệ hơn 2 triệu ha rừng tập trung tại các địa bàn cần ưu tiên để các địa phương chủ động giao khoán bảo vệ rừng. Do vậy, số vụ vi phạm năm 2010 chỉ còn trên 33.800 vụ, giảm 46% so với năm 1998. Diện tích rừng mất đi do các hành vi vi phạm lâm luật tuy vẫn còn lớn, nhưng cũng đã có xu hướng giảm nhiều, đến năm 2010 là trên 7.400ha, giảm 60% so với năm 1998. Diện tích rừng tăng lên năm 2010 là gần 13,4 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là hơn 10,3 triệu ha.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị có tổng kết đánh giá xác đáng về thực trạng, tình hình thực hiện mục tiêu 5 triệu ha rừng để có giải pháp định hướng trong thời gian tới. Phải dựa vào dân, mang lại quyền lợi cho dân, thì nhân dân mới bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Đăng Khoa không đồng tình với quan điểm bố trí biên chế kiểm lâm trên diện tích rừng mà phải xã hội hóa, huy động nhân dân, để chính nhân dân tham gia bảo vệ rừng, kiểm lâm chỉ là lực lượng nòng cốt.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị xem lại các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng đã phù hợp chưa, vì sao rừng nhiều nhưng vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu, biện pháp gì để có đủ nguyên liệu phát triển kinh tế từ rừng, không phải nhập khẩu mà thậm chí còn xuất khẩu. Giao đất giao rừng là cách làm hay, rừng có chủ, cần đánh giá mô hình này để tiếp tục thực hiện trong công tác quy hoạch về sau.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến nghiêng về quan điểm nên kết thúc dự án theo tiến độ Quốc hội cho phép để chuyển sang giai đoạn bảo vệ, phát triển vốn rừng theo tiến độ chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020.
* Tiếp tục chương trình phiên họp thứ ba, chiều 11-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật phòng, chống rửa tiền.
Trình bày Tờ trình Luật phòng, chống rửa tiền, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp với nhiều quy trình và cách thức, biện pháp đặc biệt. Lĩnh vực này vẫn được coi là còn khá mới với các khái niệm, thuật ngữ chưa được phổ biến trong đại bộ phận dân chúng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố là vấn đề phức tạp, có nhiều cách hiểu khác nhau. Luật cần làm rõ các khái niệm, đảm bảo tính khả thi trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với ý kiến các đại biểu và vấn đề chống tài trợ khủng bố chỉ nên được đề cập ở một mức độ trong Luật này, bởi sẽ được điều chỉnh tại Luật phòng, chống khủng bố.
Cũng trong chiều 11-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật bảo hiểm tiền gửi. Điểm đáng chú ý của dự án Luật này là hoàn thiện hơn nữa các quy định về nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi; nâng cao giá trị pháp lý của các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi nhằm giúp hoạt động này hiệu quả hơn, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, Luật xác định rõ vị trí của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nhằm tránh chồng chéo nhiệm vụ với các cơ quan khác.
Ủy ban Kinh tế cũng đồng tình với quy định của dự thảo Luật, chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân, không bảo hiểm tiền gửi của tổ chức, vì mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người dân không có điều kiện tham gia sản xuất-kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin.
THANH VÂN-THANH HÒA (TTXVN)