02/02/2021 - 08:56

Phải đảm bảo thời gian làm việc, nghỉ ngơi của người lao động  

Vào những dịp lễ, ngày kỷ niệm, ngày Tết, một số doanh nghiệp, cơ sở sản yêu cầu người lao động làm thêm giờ và đôi khi hạn chế thời gian nghỉ ngơi của người lao động. Những hành vi đó đã vi phạm các quy định về lao động và tùy từng trường hợp, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm.

Người lao động cần được đảm bảo thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi theo quy định pháp luật.

Về thời gian làm việc, Bộ luật Lao động (BLLÐ) năm 2019 quy định cụ thể thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Trường hợp theo tuần, thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Ðối với thời giờ làm thêm giờ được sự đồng ý của người lao động thì không quá 12 giờ/ngày. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động. Theo quy định làm thêm giờ, thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động. Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi được sự đồng ý của người lao động; bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày. Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng; bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 1 năm (trừ trường hợp khác quy định tại luật này).

Bên cạnh đó, BLLÐ năm 2019 cũng quy định làm việc từ 6 giờ trở lên trong 1 ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục đối với làm việc vào ban ngày và 45 phút liên tục đối với làm việc vào ban đêm. Ðối với nghỉ chuyển ca làm việc theo ca, được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác. Về nghỉ hằng tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục mỗi tuần. Trong trường hợp người lao động không thể nghỉ hằng tuần thì được bố trí bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày. Về nghỉ Tết, Tết Dương lịch được nghỉ 1 ngày; Tết Âm lịch được nghỉ 5 ngày. Ðối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được nghỉ thêm 1 ngày Tết cổ truyền dân tộc họ.

Mặc dù BLLÐ 2019 quy định cụ thể về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi nhưng trên thực tế có nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh, người sử dụng lao động vẫn vi phạm những quy định này, đặc biệt là vào những mùa kinh doanh cao điểm như lễ, Tết. Bà Nguyễn Thanh Liêm, ngụ phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, chia sẻ: “Tôi bán hàng cho một công ty trên địa bàn quận Bình Thủy. Gần đây, vào mùa mua sắp Tết nên Công ty thường yêu cầu nhân viên làm nhiều hơn ngày thường. Bên cạnh đó, công ty chỉ cho nhân viên nghỉ 1 tháng 2 ngày (luân phiên chứ không cố định) nhưng công ty vẫn không trả thêm lương cho những ngày nhân viên không nghỉ. Biết vậy là thiệt thòi, nhưng vì cần công việc nên vẫn phải làm”. 

Luật sư Nguyễn Thị Hạnh, Công ty Luật TNHH hai thành viên Tín Nguyễn, cho biết, BLLÐ năm 2019 đã quy định cụ thể về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và Nghị định 28/2020/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nếu người sử dụng lao động vi phạm sẽ bị phạt hành chính tùy vào từng mức độ vi phạm. Cụ thể: người sử dụng lao động không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định; không rút ngắn thời giờ làm việc đối với người lao động trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu theo quy định; không thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về lao động tại địa phương về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong 1 năm, sẽ bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, Tết; phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động (trừ trường hợp theo quy định tại Ðiều 107 của BLLÐ năm 2019). Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định tại điểm b khoản 2 Ðiều 106 của BLLÐ hoặc quá 12 giờ trong 1 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần theo một trong các mức sau đây: từ 5-10 triệu đồng với vi phạm từ 1-10 người lao động; từ 10-20 triệu đồng với vi phạm từ 11-50 người lao động; từ 20-40 triệu đồng với vi phạm từ 51-100 người lao động; từ 40-60 triệu đồng với vi phạm từ 101-300 người lao động; từ 60-75 triệu đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Chia sẻ bài viết