05/12/2009 - 19:59

Phà Cần Thơ, mai này...

Theo kế hoạch cầu Cần Thơ sẽ hoàn thành vào tháng 3-2010. Tết nầy có thể là cái Tết cuối cùng của những chiếc phà Cần Thơ sau gần một thế kỷ bền bỉ và thủy chung đưa rước khách qua dòng sông Hậu.

NHỚ NHỮNG CHUYẾN PHÀ

 Phà Cần Thơ (xưa) trong buổi lễ đưa các quan chức Pháp (ảnh sưu tầm của ông Nguyễn Trung Vinh, nguyên P. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Cần Thơ).

Kể từ khi phà Mỹ Thuận ra đời vào đầu thế kỷ 20, hệ thống đường bộ Nam kỳ đã mở rộng. Tại Cần Thơ, người Pháp cũng bắt đầu xây dựng bến tàu và Bungalow để cho một số tàu khách và tàu buôn ghé qua giao thương mua bán. Đến năm 1915, toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị Định cho đắp lộ đá từ Sài Gòn đi Rạch Giá - Cần Thơ. Cùng lúc đó (khoảng 1914 -1918) việc xây dựng bến phà Cần Thơ cũng được tiến hành. (1) Khi phà Cần Thơ đi vào hoạt động, đường xe từ Cần Thơ đi Sóc Trăng, Long Xuyên, Vĩnh Long cũng bắt đầu đắp và dần dần chỉnh trang.

Nhiều vị cao niên, trong đó có luật sư Nguyễn Văn Khâm, 95 tuổi, kể rằng bến phà phía Cần Thơ đầu tiên nằm tại bờ sông gần dinh Tỉnh trưởng cũ, nay là địa điểm cầu Ninh Kiều bắc qua cồn Cái Khế, sau đó mới dời về vị trí hiện nay. Phà Cần Thơ ngang sông Hậu dài 1.840 mét, trong đó bờ Vĩnh Long - bờ Bắc đặt tại thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh. Trước đây, nhiều người gọi phà là “ bắc” (theo âm tiếng Pháp “bac”, có nghĩa là đò ngang) như bắc Cần Thơ, bắc Mỹ Thuận, Sở đò Mỹ Thuận.

Ông Nguyễn Văn Kiếm, 86 tuổi, nhân viên phà Cần Thơ từ năm 1945, tài công từ năm 1948, cho biết: “ Vào những năm 1945-1950, bắc Cần Thơ chỉ có 3 chiếc nhỏ, mui trần, cặp bến một đầu, mỗi chiếc chở được hai xe đò. Mỗi chiếc thường có 6 nhân viên phục vụ gồm 2 tài công chính, phụ; 2 thủy thủ và 2 thợ máy. Phà hoạt động hằng ngày từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm.

 Bến phà Cần Thơ hôm nay.

Ông Lê Tấn Phát, công nhân làm việc dưới phà cho biết ponton phà lúc đó rời gồm 2 phần: phần phao nổi cố định và phần di động cho xe lên xuống. Mỗi lần phà cặp bến, từng chiếc xe đổ xuống ponton rồi bốn nhân viên mới dùng tay quay bàn cầu có hình chữ thập sao cho đúng vị trí bàn phà để xe gie xuống. Lúc cặp bến, xe chạy thẳng lên bờ khỏi phải quay đầu.

Trong cuốn Hồi ký Sơn Nam, tác giả cho biết lúc nhỏ ông có dịp xuống phà chơi nhìn thấy ở bờ sông có ngôi miếu nhỏ thờ Thủy Long, dưới hầm máy cũng có trang thờ Thủy Long. Người coi lái phà ngồi trên mui cao, còn thợ máy thì làm việc dưới hầm tối om om để theo dõi việc vận hành của máy. Mỗi lần nghe tiếng kẻng hiệu lệnh của tài công (hoa tiêu), người thợ máy vội nắm cây cần điều khiển giảm tốc độ khi phà từ từ tiến vào bờ.

Thuở nhỏ, mỗi lần qua phà tôi thích nhất là nhìn dòng sông êm đềm và những về lục bình trôi man mác. Đặc biệt là những chiếc xuồng chài trên sông tạo thành một bức tranh quê dung dị, hiền hòa và thơ mộng. Trên phà lúc nào cũng sôi động, mọi người tất bật với công việc mưu sinh, mua bán.

Người miền Tây, ai cũng có nhiều kỷ niệm với phà Cần Thơ, với dòng sông và bến nước, nhất là những gánh hàng rong chân quê, mộc mạc suốt ngày lầm lụi trên những chuyến phà. Giờ đây những hình ảnh đó đã đi vào hồn, vào ký ức của mỗi người. Không còn bao lâu nữa mọi người sẽ tạm biệt con phà... Ai mà chẳng thương, chẳng nhớ và hoài niệm!

KHI CẦU CẦN THƠ NỐI LIỀN HAI BỜ SÔNG HẬU

Nhớ lại lúc Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải chính thức phát lệnh khởi công dự án cầu Cần Thơ lúc 10 g 30 ngày 25-9-2004, Thủ tướng đã nhấn mạnh về tấm vóc của dự án “Đây là cây cầu có ý nghĩa lịch sử đối với đất nước. Khi hoàn thành, toàn tuyến quốc lộ 1 sẽ không còn bến phà nào nữa”. Mới đây, hôm hợp long cầu, ông Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ đã phát biểu “Cầu Cần Thơ là công trình mang tính đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội không chỉ cho Cần Thơ mà cả vùng ĐBSCL”.

Cầu Cần Thơ trong ngày hợp long (12-10-2009). 

Hồ hởi trước viễn cảnh thông xe cầu Cần Thơ, nhiều người dân, cán bộ, công nhân viên chức, nhất là giới kinh doanh đều cảm thấy hân hoan và tự hào. Rồi đây, công việc làm ăn, đi lại của mọi người sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn. Sau khi cầu Cần Thơ thông xe, cùng với cảng Cần Thơ, cảng Cái Cui, sân bay Cần Thơ và tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ là điều kiện cho Cần Thơ cất cánh và nhiều cơ hội để phát triển toàn diện.

Chúng tôi còn nhớ cách nay 6 năm, trong một bài tham luận của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng tại hội thảo “ Tiềm năng phát triển du lịch ĐBSCL và cơ hội đầu tư” do UBND tỉnh Cần Thơ tổ chức , có đoạn viết: “Bốn quả đấm mà Tây Đô dứt khoát phải tập trung: công nghiệp hóa – chế biến nông thủy sản và hàng tiêu dùng then chốt – dịch vụ và trung chuyển cả đường thủy - bộ - không và cửa khẩu ra Đông Nam Á. Cần Thơ phải tự xóa mình không còn là Cần Thơ nữa mà là Tây Đô, một “ minh chủ” của khu vực”. Bây giờ chỉ còn có vài tháng nữa thôi là cầu Cần Thơ sẽ khánh thành, mở ra một triển vọng mới, đáp ứng lòng mong đợi của các doanh nhân. Cần Thơ nhất định sẽ thực hiện được bốn “quả đấm” để tiếp tục vươn mình lên tầm cao mới.

Mai nầy, dù cho được đi trên cây cầu dây văng lộng lẫy, hoành tráng và hiện đại nhất nước, nhưng chúng ta không bao giờ quên được những chiếc phà đã từng soi bóng trên dòng Hậu Giang, những chuyến phà lặng lẽ và cần mẫn đưa tiễn khách suốt gần suốt một thế kỷ đầy biến động. Đối với phà Cần Thơ, chúng ta có muôn vàn kỷ niệm để nhớ, nhớ một cách quay quắt, nhớ cả những chuyến phà lỡ hẹn, nhớ em bé bán đậu phộng rang và chị bán hàng rong có tiếng rao chè sâu lắng. Nhớ nhất là dòng sông mênh mang, huyền thoại có bao nhiêu nước cũng chắt chiu cho vườn cây mảnh ruộng và cưu mang bồi đắp phù sa cho cả vùng châu thổ.

Bài, ảnh: Hoài Phương

(1)- Theo “Địa chí Cần Thơ”- xuất bản năm 2002.


Tài liệu tham khảo:

-Nam bộ Xưa và Nay – NXB TP.Hồ Chí Minh-Tạp chí Xưa & Nay.
-Đồng bằng sông Cửu Long – Sơn Nam - NXB.An Tiêm –1970.
-Địa chí Cần Thơ – Tỉnh ủy và UBND tỉnh Cần Thơ – 2002.

Chia sẻ bài viết