13/08/2014 - 14:12

Kiên Giang

Phát triển ngành kinh tế biển

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, kinh tế biển ở Kiên Giang đã có những bước phát triển khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế biển luôn ở mức 18% so với tổng sản phẩm xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh.

Một trong những tiềm năng của ngành kinh tế biển đang được tỉnh Kiên Giang tập trung thực hiện có hiệu quả, đó là lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của bà con ngư dân, ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Kiên Giang có sự phát triển nhanh, quy mô ngày càng lớn, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong 15 năm qua, tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản duy trì ở mức tăng trưởng 6,5%.

Tàu đánh bắt xa bờ đem sản lượng tôm cá về cho Kiên Giang mỗi năm đều tăng.

Về khai thác thủy sản, những năm qua bà con ngư dân trong tỉnh cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đã tập trung đầu tư đóng mới phương tiện, tổ chức thành tổ, đội để đánh bắt xa bờ gắn khai thác với bảo vệ tài nguyên môi trường. Đến nay, tỉnh Kiên Giang có hơn 10.700 tàu cá các loại, công suất trên 1,4 triệu CV, trong đó lực lượng tàu đánh bắt xa bờ có 3.446 chiếc, với công suất bình quân đạt 441CV, chiếm hơn 9% về số lượng và hơn 87% về công suất. Như vậy, nếu so với năm 2010, lượng tàu cá tăng gấp 1,6 lần, thu hút giải quyết việc làm cho 70.000 lao động trực tiếp làm ăn trên biển. Cùng với năng lực khai thác được tăng cường, sản lượng khai thác hàng năm tăng nhanh, năm 2013, đạt trên 380 ngàn tấn; 6 tháng đầu năm nay, sản lượng khai thác của tỉnh là 220 ngàn tấn tôm cá các loại, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh tăng nhanh năng lực phương tiện khai thác thủy sản, những năm qua công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng được tăng cường. Hiện Kiên Giang đã xây dựng triển khai chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; lực lượng chức năng đã tổ chức thường xuyên việc kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản; tuyên truyền vận động bà con ngư dân thực hiện tốt Quyết định của UBND tỉnh về nghiêm cấm cào bờ, xiệp mé, cào bay, sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ.

Theo ông Mai Anh Nhịn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến cuối tháng 7-2014, khai thác thủy sản đạt 270 ngàn tấn, đạt 70,72% kế hoạch. Tuy nhiên, ngành khai thác thủy sản dự kiến sẽ còn khó khăn do tình hình giá dầu tăng từ đầu năm đến nay. Do vậy, các chủ phương tiện có lúc phải nằm chờ. Trước hết là chờ giá mặt bằng thủy sản nhích lên, do giá xăng dầu tăng, giá thủy sản tăng không kịp. Bên cạnh đó, nhân giá dầu tăng thì các phương tiện "lên bờ" sửa chữa để tiếp tục ra khơi.

Bên cạnh phát triển mạnh ngành khai thác trên biển, nghề nuôi trồng thủy sản ở Kiên Giang cũng phát triển nhanh, đa dạng các đối tượng nuôi. Đặc biệt các đối tượng có giá trị kinh tế cao, như tôm sú, thẻ chân trắng, tôm càng xanh; nuôi cá lồng bè trên biển, nuôi nghêu, sò vùng bãi triều; nuôi cá ngọt, nước lợ vùng ven biển, rừng ngập mặn ngày càng phát triển rộng khắp. Công tác quy hoạch xây dựng các vùng nuôi thủy sản xuất khẩu đã được triển khai đồng bộ. Nhờ đó, thúc đẩy mạnh các hình thức đầu tư, quản lý phù hợp. Về mô hình nuôi thủy sản mang tính chuyên canh, luân canh và xen canh trong ruộng lúa, vườn dừa hoặc lâm, ngư kết hợp ngày càng mở rộng. Tính đến cuối tháng 6-2014, toàn tỉnh có hơn 130.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm là 81.000 ha, sản lượng hàng năm trên 34.000 tấn. So với năm 2010, diện tích nuôi thủy sản tăng gần 30%, sản lượng tăng gần 14 lần. Để giúp bà con chuyển đổi nuôi thủy sản có hiệu quả, những năm qua, Kiên Giang đã tăng cường công tác khuyến ngư, nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao các quy trình kỹ thuật tiên tiến. Cùng với đó, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến môi trường, xác định mùa vụ phù hợp, quản lý tốt vùng nuôi; quản lý phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường nuôi… để sản xuất đạt hiệu quả cao hơn.

Ông Mai Anh Nhịn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết: "Hướng tới, ngành nông nghiệp Kiên Giang sẽ tiếp tục đầu tư để hoàn thiện các hệ thống thủy lợi, đảm bảo môi trường nước, đảm bảo cung cấp nước mặn để người nuôi phát triển nghề nuôi thủy sản tốt hơn. Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ nguồn chất lượng con giống".

Để tiếp tục nâng cao vị thế ngành kinh tế biển, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã có chủ trương phát huy tiềm năng, lợi thế vùng ven biển, hải đảo; phát triển các vùng sản xuất tập trung gắn với công nghiệp chế biến, dịch vụ nghề cá, hình thành các trung tâm nghề cá tại một số trọng điểm ven biển trong tỉnh. Trên cơ sở đó, ngày càng đa dạng cơ cấu thủy sản chế biến; đồng thời sản xuất một số sản phẩm chủ lực có giá trị cạnh tranh cao để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. Ngành khai thác tiếp tục thực hiện chiến lược vươn ra xa bờ nhằm nâng cao hiệu quả và khai thác tốt tiềm năng gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Bài, ảnh: LÊ SEN

Chia sẻ bài viết