16/07/2010 - 21:32

Ông già đam mê "ngũ cung"

Ông Tư say sưa trong tiếng nhạc với
cây đờn kìm.

Ông từng đạt giải “Thí sinh cao tuổi nhất” trong Hội thi “Tiếng hát nông dân” do Đài Phát thanh – Truyền hình và Hội Nông dân TP Cần Thơ tổ chức. Đã hơn 80 tuổi, dáng vẻ rất nghệ sĩ, ông vẫn “lên cống xuống xề” rất chắc nhịp, làn hơi đầy đặn. Ông không những là một người đam mê đờn ca tài tử sâu nặng mà còn là một mạnh thường quân rất nhiệt tâm ở Vĩnh Long.

Gần một thế kỷ theo đuổi đam mê

Ông tên Nguyễn Văn Tư, ngụ tại khóm 2, phường 2, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống đam mê đờn ca tài tử ở xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Thân sinh của ông là một tay đờn có tiếng ở Phú Quới. Từ nhỏ, ông đã theo cha đi sinh hoạt ở những nhóm ca tài tử tại quê nhà và được cha truyền dạy cách đờn, cách ca tài tử, vọng cổ. Năm 17, 18 tuổi, ông Tư đã biết đờn nhiều loại đờn cổ nhạc.

Lớn lên, gia đình không muốn ông Tư theo nghiệp đờn ca mà muốn ông có một nghề ổn định để mưu sinh nên cho ông đi học nghề trồng răng ở Sài Gòn. Thời buổi chiến tranh, việc làm nông của gia đình cũng gặp nhiều khó khăn nên tiền bạc cha mẹ gửi cho hạn chế, chi phí ăn ở, học tập ở Sài Gòn lại đắt đỏ. Ông Tư gói ghém, tằn tiện chi tiêu để có tiền theo học đờn ca. Ông theo học những nghệ nhân tài tử có tiếng ở Sài Gòn lúc bấy giờ: Thầy đờn Violon Còn, thầy Thủy ghi-ta... Đặc biệt, ông Tư gặp và có duyên làm học trò của đệ nhất danh ca Út Trà Ôn. Biết được ông Tư là người Vĩnh Long - đồng hương, lại có niềm đam mê lớn, nghệ sĩ Út Trà Ôn chỉ dạy rất tận tình, từ cách nhả chữ đến vô câu làm sao cho thật ăn đờn, thật mùi...

Năm 1954, ông Tư tốt nghiệp khóa học trồng răng và về mở phòng răng tại Long Hồ rồi sau này dời lên thị xã Vĩnh Long (nay là thành phố Vĩnh Long). Nhờ “mát tay” trong nghề làm răng mà khách đến phòng răng của ông Tư ngày càng nhiều, kinh tế dần khá lên. Lúc rảnh rỗi, ông Tư tập hợp những người bạn mê đờn ca thành lập ban đờn ca tài tử thường xuyên tụ họp lại, người đờn, người hát, hòa tấu, hòa ca với nhau rồi cùng bình phẩm, góp ý. Tiếng lành đồn xa, đám tiệc ở thị xã Vĩnh Long lúc bấy giờ đều mời ban tài tử của ông Tư đến phục vụ. Năm 1975, ông Tư sáp nhập ban tài tử của mình vào CLB Đờn ca tài tử của Phòng Văn hóa - Thông tin TX Vĩnh Long, ông được cử làm Trưởng ban Văn nghệ phường 2, rồi Trưởng ban Văn nghệ - Phòng Văn hóa - Thông tin TX Vĩnh Long. Năm 1986, ông kiêm nhiệm luôn vị trí Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long. Hiện ông Tư đã cao tuổi nên chỉ làm Chủ nhiệm danh dự của CLB, tham gia sinh hoạt tại CLB Đờn ca tài tử hưu trí của tỉnh.

Tại Hội thi “Tiếng hát nông dân” do Đài Phát thanh – Truyền hình và Hội Nông dân TP Cần Thơ phối hợp tổ chức, khán giả rất ấn tượng một ông cụ dáng vẻ rất nghệ sĩ với giọng hát vẫn còn đầy đặn, nhịp phách xử lý rất chuẩn. Ông Tư đã lọt vào vòng chung kết xếp hạng và đạt giải “Thí sinh cao tuổi nhất”. Ông Tư còn tham gia nhiều cuộc thi như: “Tiếng hát người cao tuổi tỉnh Bến Tre mở rộng” - đoạt hạng nhì, giải Bông lúa vàng do Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh tổ chức - vào vòng chung kết xếp hạng, Liên hoan Đờn ca tài tử tại Hậu Giang... Ông Tư tâm sự: “Tôi thi không phải để kiếm giải thưởng mà chủ yếu là để thỏa niềm đam mê ca hát và cũng để học hỏi thêm kinh nghiệm của các bạn đồng điệu”. Hội thi “Tiếng hát cải lương giải Út Trà Ôn” tỉnh Vĩnh Long tổ chức hằng năm đều mời ông Tư như là một khách mời danh dự và thường “mở màn” vài bài vọng cổ...

Ngoài khả năng đờn, ca, ông Tư còn có thể viết lời, sáng tác vọng cổ ca ngợi Đảng, Bác Hồ và sự đổi mới, giàu đẹp của quê hương. Dịp khánh thành cầu Cần Thơ, ông Tư đã sáng tác bài vọng cổ “Niềm vui bên cầu Cần Thơ” đăng trên báo Vĩnh Long. Tay bợ cần đờn, tay bấm phím, ông Tư cất giọng: “Đẹp thay những buổi chiều nhạt nắng, đứng trên nhịp cầu treo nhìn theo dòng nước mênh mông chảy ra sông Cửu Long chín nhánh, lòng sung sướng nôn nao không sao tả xiết nỗi vui... mừng...”. Nghe những câu hát ấy, chúng tôi như cảm nhận được tiếng sóng rì rào của dòng Hậu giang, như có tiếng chim ríu rít hót trên những sợi dây văng, nghe mùi thơm thoang thoảng của hương bưởi, hương chanh và nghe được niềm vui khi cầu Cần Thơ khánh thành của một người nghệ sĩ đã “đi đến cuối cuộc đời”...

Cái tủ kính đặt nơi trang trọng trong nhà của ông Tư cất giữ hơn chục cây đờn gồm đủ các loại trong dàn nhạc tài tử và được đặt nơi trang trọng nhất. Ông có thể chơi gần hết các loại đờn, duy có đờn kìm, đờn sếnh và ghi-ta phím lõm là ông Tư có “ngón nghề” hơn cả. Thú vui của ông Tư là tự ca và thu âm các bài vọng cổ, in ra thành đĩa để làm kỷ niệm và tặng những bạn bè tri âm, tri kỷ. Lúc rảnh rỗi, ông Tư lại đem đờn ra rao vài câu vọng cổ rồi nhẩm hát cho vui. Năm 1998, ông Tư được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn nghệ quần chúng”, được sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hóa tỉnh tặng rất nhiều bằng khen, giấy khen khác nhau cùng với đó là rất nhiều giấy khen trong những lần ông tham gia các hội thi, hội diễn.

Có một tấm lòng...

Căn nhà của ông Tư nằm trên đường Phạm Hùng, khóm 2, phường 2, TP Vĩnh Long. Căn nhà khá khang trang và ngăn nắp. Ông Tư “khoe”: Niềm đam mê của ông luôn được vợ và các con, cháu ủng hộ, động viên. Dù tuổi cao nhưng ông vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn và có vẻ trẻ hơn so với tuổi, luôn toát lên sự tươi trẻ của một tâm hồn nghệ sĩ. Ông Tư có 10 người con, trong đó đã có 7 người theo ngành y, tất cả đều có cuộc sống ổn định. Hiện ông Tư vẫn đang làm nghề răng tại nhà.

Ông Tư còn được biết là người hết mình với sinh hoạt văn hóa tại địa phương. Ông Tư sẵn lòng bỏ tiền ra hỗ trợ thêm cho anh em những chi phí cho các buổi biểu diễn văn nghệ của địa phương hay đi thi. Ông Nguyễn Hoàng Oanh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Long, kể rằng: Ông Tư dự sinh hoạt, hướng dẫn các bạn trẻ nghệ thuật đờn, ca các CLB của khóm ấp, xã phường. Hầu như CLB nào ông Tư cũng biết và hỗ trợ vật chất. Dù số tiền không nhiều nhưng nó mang ý nghĩa lớn, tiếp lửa cho phong trào.

Khi con cái đã có cơ ngơi ổn định, cuộc sống không phải chạy vạy áo cơm, những đồng tiền tích cóp được từ lao động miệt mài, ông Tư dành ra một phần chia sẻ với người nghèo. Ông Tư là thành viên Ban công tác từ thiện của Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long. Trong các đợt Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Ban từ thiện của Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long đi cứu trợ, phát chẩn từ thiện ở các tỉnh xa: Đông Nam bộ, miền Trung... đều có mặt ông Tư. Những đợt vận động quyên góp vì người nghèo, xây nhà tình thương ông Tư đều đóng góp hết tình. Ông Tư đã “tích cóp” được 10 bằng ghi nhận công đức do Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long trao tặng (mỗi bằng ghi nhận tương đương với 20 triệu đồng đóng góp). Ông còn vận động anh em trong CLB Đờn ca tài tử hưu trí và những nghệ nhân trong các CLB của tỉnh biểu diễn trong các buổi văn nghệ gây quỹ từ thiện của địa phương.

Nói về tấm lòng nhân ái của mình, ông Tư khiêm tốn nói: “Tôi chỉ mong rằng “lá lành đùm lá rách” để góp phần nhẹ đi những cảnh đời bất hạnh”. Nụ cười hiền, cử chỉ chậm rãi, không khoa trương, ở nơi ông có một tấm lòng rất sáng, rất thanh cao.

***

Ông Tư được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng bằng khen, Hội Chữ thập đỏ các cấp của tỉnh Vĩnh Long tặng rất nhiều giấy khen, bằng tuyên dương... Ông Tư tâm sự rằng: “Đời tôi cũng giống như những cung xàng, cung xự trong đờn ca tài tử với đủ hỉ, nộ, ái, ố. Tôi cố gắng trổi lên những điệu Nam xuân vui tươi cho cuộc đời này thêm nhiều sức sống”. Cuộc sống tràn đầy tình yêu thương, san sẻ và một tình yêu nồng nhiệt với đờn ca tài tử khiến nhiều người thán phục: Ông Tư “tuổi già mà tâm hồn không già”. Một trong những người góp phần nhỏ bé của mình giữ gìn loại hình âm nhạc đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết