04/11/2011 - 21:15

"Ông Bụt" của người nghèo

Ông Tám Thống (bìa trái) giám sát tập kết vật liệu xây cầu.

Tuổi 79, ông Lê Văn Thống (Tám Thống), ngụ ấp Nhơn Lộc 2A, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, vẫn hăng hái tham gia công việc của xóm làng, xây dựng, sửa sang cầu đường... Ông Tám rất được bà con ở địa phương kính trọng.

Đoạn đường chạy dài con rạch nối vàm Trà Niềng bé đến giáp xã Tân Thới, huyện Phong Điền, có hơn 20 cây cầu. Hiện nay trên tuyến rạch này chỉ còn 5 cây cầu đang được xây dựng là hoàn thành việc bê tông hóa.

Thật ra, đoạn đường này đã được tráng nhựa từ lâu nhưng bắc ngang những con rạch thủy lợi trên tuyến đường đều là cầu ván hoặc không đúng quy cách (nhỏ hơn mặt đường) nên bà con đi lại khá khó khăn, nguy hiểm. Ông Tám Thống đã đứng ra xin ý kiến của Chi bộ và Ban nhân dân ấp vận động bà con hùn tiền làm cầu. Ông Tám đến từng nhà vận động bà con góp công, góp của, lập ra tổ quản lý tài chính để công khai số tiền thu chi xây cầu. Ông Tám lo phần kỹ thuật, giám sát thi công. Khi làm cầu, ông Tám đều có cuốn sổ minh bạch tài chính và ghi công những người đóng góp, với cách làm rạch ròi đó ông Tám đã tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của bà con. Nhiều cây cầu ở rạch Trà Niềng bé và những con rạch khác trong ấp được hoàn thành, mỗi cây trị giá hàng chục triệu đồng mà không hề có lời ra tiếng vào.

Bà con lối xóm hết lời khen ông Tám dù tuổi cao nhưng vẫn nặng nợ với xóm làng, nhiệt tình lo cho xã hội... Ông Tám khiêm tốn: “Được vậy cũng là nhờ chính quyền và bà con ủng hộ...”.

***

Ở thị trấn Phong Điền, khi nói về ông Tám là người ta nghĩ ngay đến một tấm lòng thơm thảo, sẻ chia. Ông Tám hiện là Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ ấp Nhơn Lộc 2A. Trên chiếc xe đạp cũ, ông thường tìm đến những gia đình khó khăn trong ấp để thăm hỏi, giúp đỡ. Chẳng hạn như chị Nguyễn Thị Thanh, ở ấp Nhơn Lộc 2A bị tai nạn giao thông nằm liệt giường. Chồng bỏ, bà nội chị Thanh rước cháu về nuôi trong cảnh khó nghèo. Ông Tám đã liên hệ với các mạnh thường quân và bà con trong ấp quyên góp được gần 60 triệu đồng để giúp chị Thanh. Sau khi chị Thanh đã qua đời, ông Tám lại cùng bà con trong ấp lo ma chay cho chị rất chu đáo. Những dịp lễ, Tết, ông Tám cùng chính quyền liên hệ mạnh thường quân và những hộ khá giả trong ấp vận động tiền, nhu yếu phẩm... hỗ trợ người nghèo. Ông Tám thấu hiểu từng hoàn cảnh, nóc gia. Ông bộc bạch: “Bà con nghèo mà được chút ít tiền, gạo vậy chớ họ quý lắm. Thấy vậy mình lại tiếp tục cùng chính quyền mang thật nhiều niềm vui đến cho bà con”.

Một trường hợp khác là trường hợp vợ chồng anh Nguyễn Văn Dưỡng. Ra riêng không có đất sản xuất, nghề nghiệp không ổn định, vợ lại nay yếu mai đau, con nhỏ nên cảnh nhà anh Dưỡng thường xuyên thiếu trước hụt sau. Ông Tám đã đề nghị Hội Chữ thập đỏ thị trấn cho vợ chồng anh Dưỡng căn nhà tình thương. Anh Dưỡng xúc động: “Không có ông Tám không biết bao giờ tôi mới thoát cảnh mưa tạt gió lùa. Vợ chồng tôi coi ông Tám như “Ông Bụt của người nghèo”!”. Cách nhà anh Dưỡng không xa là nhà của bà Nguyễn Thị Sết, cũng do ông Tám cùng chính quyền làm hồ sơ xin hỗ trợ nhà tình thương và vừa mới hoàn thành cách đây gần 3 tháng.

Bà con còn quý ông Tám còn bởi lối sống mẫu mực, nhân hậu. Ở ấp này, ai xích mích chuyện gia đình, mâu thuẫn ruộng đất... thường được ông Tám cùng Tổ hòa giải khuyên can. Cách nói của ông có lý, có tình nên hầu như bà con đều “chín bỏ làm mười”. Thanh niên xóm ấp nhậu nhẹt, cờ bạc... ông Tám góp ý như người ông dạy cháu mình, thuyết phục để họ sửa đổi.

***

Ông Tám có 10 người con, tất cả đều có gia đình, kinh tế ổn định. Hiện ông Tám đang ở với người con gái thứ. Ông Tám có 15 đứa cháu và nhớ rành mạch đứa nào học gì, bao nhiêu tuổi. Hơn 3 năm trước, bà Tám bị tai biến, liệt đôi chân. Từ ấy đến nay, trước khi đi đâu, làm gì, ông đều lo làm vệ sinh, nấu cháo cho vợ trước. Ông Tám giải thích: “Dù có con gái nhng tôi cũng rảnh rang nên phụ con. Đó cũng là ngọn lửa sưởi ấm tình nghĩa vợ chồng. Già rồi, một chút quan tâm vậy chứ bà nhà tôi vui lắm!”.

Gia đình ông Tám nổi tiếng là “trên thuận dưới hòa” nhất ấp này. Con cháu ông cũng được mọi người yêu mến vì sống đàng hoàng, lễ độ. Dù các con ông đã trưởng thành nhưng ông Tám vẫn quan tâm khuyên bảo. Mỗi khi giỗ chạp hay lễ, Tết, các con cháu ông lại sum vầy bên nhau. Thấy ông Tám phơi nắng phơi mưa, nặng nhọc chuyện xây cầu, làm đường, vợ con ông khuyên ông nên nghỉ ngơi an hưởng tuổi già. Nhưng ông Tám cho rằng, những việc thiện nguyện vì xã hội, cộng đồng mà ông Tám làm hằng ngày cũng là “bài học sống” để giáo dục con cháu.

Gia đình ông Tám Thống nhiều năm liền được công nhận “Gia đình văn hóa tiêu biểu” của thị trấn Phong Điền. Riêng ông Tám được rất nhiều bằng khen, giấy khen các cấp. Nhưng với ông Tám, phần thưởng lớn nhất vẫn là gia đình ấm êm, con cháu thảo hiền, bà con yêu mến. Ông Trần Văn Tri, cán bộ Văn hóa thị trấn Phong Điền cho biết: “Ông Tám thật sự là “cây cao bóng cả”, đóng góp nhiều cho các phong trào ở địa phương”.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết