04/11/2017 - 15:11

Ổn định nhịp sinh học, kiểm soát tốt sức khỏe 

Bạn là người sống theo thời gian biểu đã định hay là người có lối sống tùy thích, tức là ăn, ngủ, tập luyện bất cứ khi nào có thể? Nếu thuộc típ người thứ hai, bạn có thể đang làm hại sức khỏe bản thân. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy cuộc sống thiếu nề nếp dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe như cận thị, đau khớp và cả ung thư.

   

Theo các nhà nghiên cứu, lối sống không ổn định giờ giấc làm rối loạn hoạt động của “đồng hồ sinh học” (hay “nhịp sinh học”), ảnh hưởng tới quá trình sản xuất các prôtêin, hoóc-môn quan trọng để duy trì chức năng của cơ thể. Cùng với nhiều yếu tố khác, đồng hồ sinh học kiểm soát khi nào chúng ta tỉnh táo và buồn ngủ, một cơ chế được quản lý bởi một đồng hồ trung ương ở não – tên khoa học “Suprachiasmatic nucleus” (SCN), giúp cơ thể đồng bộ thời gian với thế giới bên ngoài.

Một khi thói quen sinh hoạt bị phá vỡ (do làm việc theo ca chẳng hạn), thì các đồng sinh học trong cơ thể cũng bắt đầu điều chỉnh theo. Nhưng vì tất cả đồng hồ sinh học không điều chỉnh ở tốc độ như nhau nên nó dẫn đến những hệ quả khôn lường tới sức khỏe, điển hình như:

Cận thị

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Ophthalmic and Physiological Optics cho thấy, so với người có thị lực bình thường, những thanh niên bị cận thị có nồng độ hoóc-môn mang lại cảm giác buồn ngủ melatonin cao gấp 3 lần vào thời điểm sáng sớm. Thông thường, nồng độ melatonin tăng cao khi trời tối giúp chúng ta buồn ngủ và bị ức chế sản sinh vào ban ngày để chúng ta tỉnh táo. Tuy mối liên hệ giữa tăng melatonin và cận thị chưa được làm rõ, song các nghiên cứu trên động vật cho thấy việc tiếp xúc lộn xộn với chu kỳ sáng/tối tự nhiên (như ngày ngủ, đêm thức) có thể khiến mắt phát triển “bất bình thường”.

Đau lưng, viêm khớp

Các đồng hồ sinh học cũng đóng vai trò gây nên tình trạng đau lưng, do chúng ảnh hưởng đến các đĩa đệm giữa đốt sống – bộ phận đóng vai trò giảm xốc cho xương sống. Đơn cử, thử nghiệm của Giáo sư ngành thời sinh học (chronobiology) Qing-Jun Meng tại Đại học Manchester (Anh) phát hiện, các đĩa đệm cột sống của nhóm chuột bị làm rối loạn nhịp sinh học có biểu hiện bắt đầu thoái hóa. Theo giải thích của ông, chu kỳ sinh học đảo lộn đã khiến mô đĩa đệm già hóa nhanh hơn. Cơ chế này cũng xảy ra tương tự ở các bệnh liên quan đến tuổi tác, bao gồm viêm khớp. Nói chung theo thời gian, quá trình lão hóa tự nhiên khiến các đồng hồ sinh học khó đồng bộ với nhau nên các vấn đề sức khỏe cũng trở nên trầm trọng.

Tăng cân, ung thư da

Ngoài tiếp xúc với ánh sáng, thời gian ăn cũng có thể làm rối loạn hoạt động của đồng hồ sinh học. Một nghiên cứu trình bày tại hội nghị Sleep 2017 cho thấy so với người chỉ ăn uống trong khung giờ từ 8 đến 19 giờ, những người ăn uống trong khoảng từ trưa đến 23 giờ tăng cân nhiều hơn, đồng thời cũng làm tăng mức độ các chỉ dấu sinh học có liên quan đến bệnh tim và tiểu đường. Các xét nghiệm cho thấy khi ăn trễ, cơ thể “đốt” chất bột đường nhiều hơn nhưng lại ít đốt cháy chất béo. Lượng chất béo dư thừa sẽ tích tụ và làm tăng cân, dễ phát sinh bệnh.

Bên cạnh đó, thời gian ăn không nhất quán cũng gây hại sức khỏe tổng thể. Thí dụ, một nghiên cứu gần đây trên chuột cho thấy ăn uống thất thường làm rối loạn đồng hồ sinh học trong tế bào da, bao gồm cả hoạt động của một enzyme chuyên sửa chữa các tổn thương do bức xạ ánh nắng gây ra. Nếu điều tương tự xảy ra ở người, thì tức là chúng ta cũng dễ bị tổn thương do nắng nóng, khiến làn da dễ cháy nắng và tăng nguy cơ ung thư.

AN NHIÊN (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết