18/10/2023 - 22:39

Ở nhờ còn yêu cầu được công nhận quyền sử dụng phần đất ở nhờ

Ông S và bà L có thửa đất 982m2 toạ lạc tại ấp Nhơn Lộc, xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ (nay thuộc thị trấn Phong Ðiền, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ). Cuối năm 2011, ông S và bà L cho bà D (mẹ ruột ông H) mượn một phần đất để ở, có lập văn bản thoả thuận về việc cho ở nhờ và văn bản được Văn phòng Công chứng Cần Thơ công chứng vào ngày 5-1-2012, thời hạn cho ở nhờ là 4 năm (kể từ ngày 1-1-2012 đến ngày 31-12-2015). Khi đó, bà D có dựng căn nhà tiền chế để ở.

Ông S, bà L và bà D có thỏa thuận, chỉ bà D được ở, không chấp nhận cho bất kỳ ai ở nhờ trên đất và không yêu cầu hỗ trợ gì sau khi hết thời hạn cho ở nhờ. Tuy nhiên, khoảng đầu năm 2020, bà D rời khỏi địa phương, thì ông H tự ý vào ở tại phần đất bà D ở nhờ mà không có sự đồng ý của ông S và bà L. Ông H cũng không tiến hành khai báo tạm trú, tạm vắng tại nơi ở. Vì vậy, ông S và bà L đã nhiều lần yêu cầu ông H di dời đi nơi khác để trả lại phần đất trên nhưng ông H không đồng ý, còn có lời thách thức, đe dọa.

Bà L cho biết, vào đầu năm 2021, ông S và bà L đã nhiều lần gửi đơn đến Công an huyện Phong Ðiền, Công an thị trấn Phong Ðiền trình báo về hành vi chiếm giữ tài sản trái pháp luật và vi phạm pháp luật về cư trú của ông H. Sau đó, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên tạm dừng việc khởi kiện ông H. Nay do có nhu cầu cấp thiết về việc sử dụng thửa đất, bà L đã nhiều lần thông báo cho ông H thời gian di dời đi nơi khác, trả lại phần đất nêu trên nhưng ông H vẫn không thực hiện, còn có những lời nói hăm doạ, thách thức. “Lúc bà D nghèo khó, gia đình tôi đã dang tay giúp đỡ, đáng lý ông H là con còn phải cảm ơn gia đình tôi, nhưng đằng này ông H lại muốn chiếm luôn đất của tôi” -  bà L nói.

Sau đó, bà L đã làm đơn gửi đến Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Phong Ðiền yêu cầu ông H di dời nhà và vật kiến trúc trả lại phần đất như ban đầu cho gia đình bà L. TAND huyện Phong Ðiền đã thụ lý vụ án và tiến hành các bước giải quyết theo quy định pháp luật. Trong quá trình giải quyết, ông H có đơn phản tố gửi TAND huyện Phong Ðiền với nội dung không đồng ý yêu cầu di dời nhà và vật kiến trúc trả lại phần đất như bà L yêu cầu. Ông H cho rằng phần đất bà L yêu cầu trả lại là gia đình bà L đã hứa cho mẹ ông là bà D (hứa miệng không giấy tờ); văn bản thỏa thuận cho ở nhờ được ký lúc đó mẹ ông H không đủ minh mẫn; căn nhà đó cũng là chỗ ở duy nhất của vợ chồng nên yêu cầu được công nhận quyền sử dụng phần đất tranh chấp. Ông H đồng ý trả lại giá trị quyền sử dụng đất cho ông S và bà L theo đơn giá thị trường tại biên bản định giá ngày 7-3-2023.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định: Ông S và bà L yêu cầu ông H tháo dỡ nhà, trả lại phần đất có diện tích đo đạc thực tế 109m2 tại thị trấn Phong Ðiền, huyện Phong Ðiền, là có cơ sở vì ông S và bà L đã xuất trình được văn bản thỏa thuận cho ở nhờ. Nay thời gian cho ở nhờ đã hết thì người được ở nhờ phải có nghĩa vụ trả lại đất cho nguyên đơn. Bà D mất năm  2020, ông H là con của bà D đang sinh sống trong căn nhà bà D xây dựng trên đất của ông S và bà L mà không xuất trình được chứng cứ chứng minh việc sinh sống hợp pháp. Bị đơn “nại” ra rằng nguyên đơn có hứa tặng cho quyền sử dụng đất đối với phần đất tranh chấp cho bà D nhưng không xuất trình được chứng cứ để chứng minh cho lời trình bày của mình. Ngoài ra, bị đơn cho rằng văn bản thỏa thuận về việc cho ở nhờ ngày 5-1-2012 giữa ông S, bà L và bà D là lúc bà D bị bệnh, tinh thần không minh mẫn nhưng ông H cũng không xuất trình được chứng cứ chứng để chứng minh cho việc bà D mất năng lực hành vi dân sự hoặc mất khả năng nhận thức dẫn đến mất khả năng giao kết dân sự. Vì vậy, không có cơ sở để hủy văn bản thỏa thuận về việc cho ở nhờ được ký kết giữa nguyên đơn và bà D.

Tại phiên tòa, bị đơn cũng khẳng định phần đất có nhà của bà D xây dựng là đất của nguyên đơn. Khi bà D ở nhờ, nguyên đơn cũng không thu bất kỳ chi phí nào, nên hết thời hạn được ở nhờ thì bà D phải trả lại đúng hiện trạng ban đầu cho nguyên đơn. Nay bà D đã mất, ông H là người đang sinh sống trực tiếp trong căn nhà do bà D xây cất trên đất của nguyên đơn thì ông H phải có trách nhiệm tháo dỡ toàn bộ căn nhà và vật kiến trúc do bà D xây dựng, di dời cây trồng, trả lại đất cho nguyên đơn. Vì vậy, Hội đồng xét xử tuyên xử không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, khi án có hiệu lực, buộc ông H tháo dỡ và di dời toàn bộ nhà, vật kiến trúc, cây trồng ra khỏi phần đất tranh chấp, trả lại cho ông S và bà L phần đất có diện tích 109m2.

HOÀNG YẾN

 

 

Chia sẻ bài viết