12/07/2018 - 21:15

Ô Môn tạo động lực, chuyển biến mạnh mẽ kinh tế -xã hội 

Những tháng đầu năm 2018, quận Ô Môn  triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, vừa tập trung hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện đời sống của người dân… Nhờ đó, kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2018 có nhiều chuyển biến tích cực... 

Bước chuyển 

Ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, cho biết: Ngay từ đầu năm, quận đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các phòng, ban chuyên môn thường xuyên theo dõi, đánh giá, dự báo phân tích tình hình kinh tế-xã hội, kịp thời đề ra những giải pháp sát hợp, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh phát triển... Nhờ sự cố gắng của toàn hệ thống chính trị nên tình hình kinh tế-xã hội của quận 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ tăng trưởng khá; gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và thương mại–dịch vụ... Trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của quận đạt trên 8.017 tỉ đồng, đạt 51% kế hoạch, tăng hơn 9%. Hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển theo hướng đa dạng hóa các loại hình, hiện toàn quận hiện có 9.070 cơ sở thương mại và dịch vụ; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ  của quận đạt hơn 3.219 tỉ đồng, tăng 22,91% so cùng kỳ.

Mô hình trồng cam xoàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX cam xoàn Thới An, phường Thới An, quận Ô Môn cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhiều nhà vườn. Ảnh: M.HOA
Mô hình trồng cam xoàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX cam xoàn Thới An, phường Thới An, quận Ô Môn cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhiều nhà vườn. Ảnh: M.HOA 

Không chỉ tập trung cho các hoạt động sản xuất công nghiệp, quận Ô Môn còn quan tâm công tác phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn phát triển các mô hình sản xuất cây ăn trái có giá trị và có thị trường tiêu thụ tốt… Bước chuyển đổi này đã từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện thu nhập cho người dân. Một trong những kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2018 là quận Ô Môn đã hỗ trợ cho tổ hợp tác cam xoàn Thới An, phường Thới An chuyển đổi, nâng lên thành hợp tác xã (HTX); đồng thời hỗ trợ nhà vườn trong HTX thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Qua đó, đã giúp cho nhiều nhà vườn trong HTX cam xoàn Thới An, gia tăng giá trị sản phẩm và nâng cao chất lượng cuộc sống. Không chỉ vậy, thời gian qua quận Ô Môn còn tiếp sức cho nhiều nhà vườn ở HTX cam xoàn Thới An vay được nguồn vốn ưu đãi với 50 triệu đồng/hộ để đầu tư cho sản xuất… Ông Lê Văn Lợi, HTX cam xoàn Thới An, quận Ô Môn, cho biết: Nhờ có nguồn vốn vay hỗ trợ, 34 thành viên của HTX đã đầu tư phát triển vườn cam xoàn, ứng dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất, đầu tư hệ thống tưới tự động... góp phần gia tăng chất lượng và giá trị cho trái cam xoàn. Ước tính với 1ha, thu hoạch đạt từ 40 tấn/ha, bán với giá từ 25.000-30.000 đồng/kg, nhà vườn sẽ có lãi 500 triệu đồng/năm.

Để nâng cao hiệu quả canh tác cho các mô hình chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn trái có giá trị, 6 tháng đầu năm, quận đã tổ chức 46 cuộc tập huấn kỹ thuật, hội thảo đầu bờ cho người dân trên địa bàn quận. Anh Nguyễn Thanh Vũ, ở tổ hợp tác trồng nhãn Ido, khu vực Thới Trinh, phường Thới An, quận Ô Môn, cho biết: “Gia đình tôi đã trồng nhãn Ido hơn 10 năm, nhưng do thiếu kinh nghiệm kỹ thuật nên những vụ đầu tỷ lệ nhãn đậu trái và đạt chất lượng không cao… Vì vậy, khi ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nhãn Ido, tôi đã tham gia và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm kỹ thuật từ các anh em trong tổ hợp tác trồng nhãn Ido. Nhờ đó, tôi biết được các kỹ thuật tỉa cành, tạo tán cho cây và cách xử lý nhãn ra hoa nghịch vụ mà trái đạt chất lượng to và đều, năng suất đạt tốt hơn và bán được giá cao hơn. Theo anh Nguyễn Thanh Vũ, ước tính với 7 công đất nhãn Ido, năng suất đạt từ 1,5 tấn/công (1.000m2), bán với giá  từ 30.000 đồng/kg trở lên, sau khi trừ chi phí sản xuất, nhà vườn lời hơn 200 triệu đồng/năm”. Hiện toàn quận Ô Môn có trên 3.012 ha diện tích vườn cây ăn trái, trong đó diện tích vườn mang lại hiệu quả là 2.754 ha. 

Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu

Theo ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, để hoàn thành kế hoạch, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, các tháng còn lại của năm, quận sẽ tập trung thực hiện chủ đề năm 2018 theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; tăng cường thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiếp xúc doanh nghiệp, triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Triển khai có hiệu quả chương trình bình ổn thị trường năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán năm 2019.

Song song đó, quận Ô Môn sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả, kế hoạch triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” theo hướng dựa vào thế mạnh của địa phương; hỗ trợ người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; nhân rộng các mô hình liên kết hợp tác có hiệu quả trong nông nghiệp theo hướng liên kết hợp tác cùng với doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra nông sản cho người dân; từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái có giá trị cao với quy mô lớn; định hướng cho người dân chuyển đổi canh tác cây  ăn trái theo quy trình kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn chất lượng của thị trường trong nước và xuất khẩu. Song song đó, quận còn tăng cường và hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu... Từ đó, góp phần tạo tiền đề để quận sớm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra trong năm 2018.

M.HOA

Chia sẻ bài viết