20/11/2011 - 20:48

Nuôi động vật hoang dã thu nhập cao

Nhờ mạnh dạn đầu tư nuôi động vật hoang dã, những năm qua ông Huỳnh Văn Rở, ở ấp Hưng Quý, xã Hưng Phong (còn gọi là Cồn Ốc), huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đạt được thu nhập khá cao...

Ngoài nhím, ông Rở cũng đã nuôi chồn mướp thành công. 

Giữa năm 2004, thông qua quen biết với bạn bè, con trai của ông Rở lúc đó đang học Đại học luật ở TP HCM mua một cặp nhím giống đem về cho ông nuôi. Trọng lượng cặp nhím khi mua khoảng 14 kg, giá 10 triệu đồng. Ngày ông Rở nuôi nhím trên Cồn Ốc không ít người bàn tán là ông làm việc không giống ai, dám bỏ ra cả cây vàng để mua cặp nhím. Bởi lâu nay, người ta chỉ nghe nhím sống ở rừng. Trước những thông tin trái chiều này, cộng với bản thân là một nông dân làm vườn “rặt ri”, chỉ quen với chuyện “ăn chắc mặc bền” nên ông Rở cũng không tin chắc là mình sẽ nuôi nhím thành công.

Nhưng những lo lắng của ông Rở cuối cùng cũng qua đi! Và ông khiến nhiều người dân Cồn Ốc phải ngạc nhiên, lẫn khâm phục khi ông nuôi nhím thành công với thu nhập cao từ loài động vật hoang dã này. Bởi sau 6 tháng nuôi, cặp nhím giống ban đầu sinh sản được 1 cặp nhím con. Từ số nhím này, ông tiếp tục nhân đàn, tăng quy mô nuôi và tách đàn bán nhím giống. Những năm trước đây, mỗi năm ông bán cho khách hàng khoảng 4 cặp nhím con, riêng 2 năm nay mỗi năm ông bán 10 cặp; giá từ 6 -13 triệu đồng mỗi cặp nhím 2,5 tháng tuổi. Để nuôi nhím, ông Rở đầu tư xây chuồng rộng 1,2m2, cao 1,4 mét, mỗi chuồng nuôi được 2 con nhím. Xung quanh các chuồng, ông rào lưới B40 bao quanh để nhím không phóng ra ngoài. Ông Rở cho biết: Nhím rất dễ nuôi, dù đầu tư nguồn vốn ban đầu cao nhưng dễ đạt kết quả. Nhím con từ khi tách mẹ nuôi khoảng 18 - 20 tháng sẽ bắt đầu vào giai đoạn sinh sản. Mỗi năm nhím sinh sản 2 đợt, 3 tháng mang thai và 2,5 tháng nuôi con. Mỗi lần nhím sinh sản từ 1 - 3 con, phổ biến nhất là 2 con. Nhím tự phối giống, sinh sản và nuôi con, người nuôi không cần can thiệp. Thức ăn cho nhím là các loại rất dễ kiếm như: sắn, bí, khoai lang, bắp, rau muống... Bình quân một cặp nhím lớn mỗi ngày ăn khoảng 2 kg thức ăn, nhím nhỏ ăn khoảng 1 kg. Để chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng, mỗi ngày cần vệ sinh ít nhất 2 lần...

Sau thành công và đạt thu nhập cao từ việc nuôi nhím, ông Rở đã mạnh dạn đầu tư nuôi thêm các loài động vật hoang dã khác như: dong - (giống như kỳ nhông), chồn mướp, chim trĩ, cua đinh. Trong số các vật nuôi này, dong và chồn mướp bước đầu thu được kết quả. Đối với 6 kg dong, ông Rở mua đem về làm chuồng nuôi trong diện tích rộng khoảng 40m2 từ năm 2008 đến nay đã qua nhiều đợt đẻ trứng, nở con, đàn dong đã nhân số lượng lên trên 20 kg. Ông Rở đã bắt dong bán được 12 kg cho các nhà hàng ở TP HCM, giá 400.000 đồng/kg. Thức ăn cho dong là con mối, rau muống, giá, thức ăn gà... Riêng về chồn mướp, từ 2 cặp chồn ông mua của người dân địa phương năm 2009, đến nay đã nhân đàn được tổng cộng 10 con. Giá bán hiện nay khoảng 3 triệu đồng/cặp. Theo ông Rở, chồn cũng là vật rất dễ nuôi, thức ăn cho chồn là chuối và thức ăn gà. Điều đáng quan tâm trong nuôi chồn là lúc chồn cái có chửa cần tách chồn đực ra nuôi riêng, vì để chung khi chồn cái sinh sản, chồn đực sẽ ăn chồn con.

Đối với những vật nuôi như: nhím, chồn mướp, ông Rở đều đăng ký với ngành kiểm lâm. Nuôi động vật hoang dã chưa được nhiều nông dân đầu tư nuôi, do chi phí ban đầu khá cao. Tuy nhiên, nếu mạnh dạn đầu tư và nắm bắt rõ nhu cầu thị trường thì đây là những vật nuôi dễ đạt hiệu quả kinh tế.

Bài, ảnh: CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết