Truyện ngắn của NGUYỄN PHÚC LIÊM
Chúng tôi là anh em song sinh. Theo lời mẹ tôi, chúng tôi sinh vào năm 1975. Để tưởng nhớ ngày vui trọng đại đó nên chúng tôi được đặt là Hòa Bình. Chúng tôi giống nhau như hai giọt nước, người ngoài khó mà phân biệt đến nỗi cha tôi cũng thường lầm lẫn. Chúng tôi thường đùa, vật nhau, đè lên người nhau, la hét. Cha lại gọi to bằng cái tên chung: Ê! Hòa Bình!
Mẹ tôi lại khác, mẹ phân biệt rất rõ ràng từng đứa qua làn tóc cứng, mềm, qua đôi môi hơi nhọn của chúng tôi. Mẹ bảo rằng: “Hòa sinh ra trước là anh, nó có cái rốn lồi”. Tôi sinh ra sau lại có vành tai ép sát đầu. Từ cái giống nhau ấy xảy ra không biết bao nhiêu chuyện vui. Chúng tôi là trai nên nghịch lắm. Nhà bên có cây khế, ngày lại ngày hết khoèo trái rồi lại bứt hoa. Có lần tôi hái đến mười, mười lăm trái. Không ăn đã đành mà còn ném sang vườn bên. Bà chủ nhà lại đến mách mẹ là Hòa quậy phá. Thế là cả hai đều bị phạt. Chúng tôi lấm lét nhìn nhau cười, cảm thông sung sướng vì được giống nhau. Chúng tôi thương yêu nhau lắm, cái gì cũng chia nhau, chơi chung nhưng phần hơn thường về tôi vì lẽ giản đơn, theo lời mẹ dặn: “Bình là em nhưng nó có công đem “nhau thai” ra nó khổ hơn, làm anh phải nhường cho em”.
Ngày sinh chúng tôi gia đình túng bấn, mẹ lại bị băng huyết, chữa gần một tháng mới khỏi. Mẹ chỉ đủ sức nuôi một đứa thôi nên tôi được bú sữa mẹ. Anh Hòa phải nhờ vú nuôi. Vú chẳng ai xa lạ là cô tôi. Năm ấy cô cũng sinh một bé gái nhưng không nuôi được. Thừa sữa nên cô nuôi anh Hòa. Tuy vậy khi sắm vật gì, mẹ luôn mua một đôi. Họa hoằn lắm, khi chỉ có một thì chơi chung. Hòa vẫn luôn nhường phần cho tôi, dần dần quen đi, tôi lại ưa vòi vĩnh, không mấy khi anh bực tức. Những lúc ấy tôi lại cười hả hê. Tội nghiệp cho anh!
Thấm thoát chúng tôi đã vào lớp 12. Chúng tôi đều có năng khiếu toán và văn nghệ. Tôi nhớ nhất vào đêm vui cuối năm! Thầy An phụ trách văn nghệ trường đã bày một vở kịch “soi gương”. Đại để câu chuyện như sau: Một người giúp việc mải chơi, vô ý đập bể chiếc gương soi lớn, anh đang suy nghĩ cách chạy tội thì ông chủ về. Người giúp việc vội vàng đóng vai chủ xuất hiện sau tấm gương vỡ. Vui nhất là khi chủ soi gương. Những cái liếc mắt, sờ râu đều nhịp nhàng như thật! Nhờ chúng tôi giống nhau, lai hiểu ý nhau nên vở kịch đóng rất linh động, khiến cả trường vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt.
Chuyện đời đâu mãi là chuỗi vui cười, nhất là khi chúng tôi bắt đầu giã từ đời học sinh thi vào đại học. Cả hai anh em đều ghi tên vào Trường Kinh tế. Chúng tôi lại vùi đầu vào sách vở, trao đổi những khó khăn trong học tập. Chúng tôi rất mừng vì sức học ngang nhau.
Nhận giấy báo điểm thi anh Hòa 14,5 điểm, tôi được 15 điểm. Tôi vừa đủ điểm đậu. Anh Hòa hơi buồn vì chỉ thiếu nửa điểm. Tôi lại an ủi anh:
- Anh đâu thua gì em, nửa điểm rủi may thôi. Anh ráng chờ mùa sau.
- Mày được vào đại học cũng như tao thôi “Hòa Bình” mà... Anh lựa hai bộ đồ đẹp nhất đưa tôi, anh bảo:
- Bình đem theo mà mặc, ở nhà anh đâu cần. Là sinh viên mình phải như người ta.
Ngày tôi vào trường cũng là ngày anh trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Cha mẹ tôi an ủi anh “Ba mẹ chỉ đủ sức nuôi một đứa đi học thôi. Âu cũng là trời xếp đặt. Hai năm sau con cũng như Bình”.
***
Tôi học đại học là khó khăn cho gia đình. Cha tôi chỉ là ông giáo làng, với số lương ít ỏi, chỉ đủ chu cấp cho tôi. Phần còn lại, ba mẹ và chị phải chạy vạy xoay xở.
Tôi vào học năm thứ ba thì anh Hòa cũng vừa xong nghĩa vụ quân sự trở về nhà. Ngày gặp lại, chúng tôi ôm nhau cười nói sung sướng. Bao nhiêu hy vọng lại về... Tôi đâu ngờ sau hai năm học của tôi đã làm gia đình tôi kiệt quệ. Về thăm nhà, tôi nhận ra anh ngay từ xa. Trên cánh đồng đổ nắng, anh đang chăn vịt! Anh mặc chiếc áo cũ mèm ngày nào, chiếc áo mà chúng tôi thường đổi nhau giở trò ú tìm. Nhìn anh cầm cây sào dài lùa đàn vịt mà thương! Gặp tôi, anh kéo tay bảo ngồi bên bờ ruộng:
- Bình mới về! Ở nhà không có công việc làm, anh chăn tạm trăm con vịt cho vui. Anh lại cười, người quê mình lại đùa: “Thằng Hòa thế mà hay. Đi nghĩa vụ về, chỉ huy một “đại đội””. Tôi và anh cùng cười.
Về đến nhà, không khí như khác ra. Anh mới về mấy tháng mà trong nhà dường như có sinh khí và ấm cúng hẳn lên. Ba tôi bảo:
- Nghề chăn vịt xem ra khá đấy. Mới mấy tháng mà giải quyết được bao nhiêu việc. Được mùa lúa đổ nhiều vịt no nê, đẻ nhiều trứng, giá lại cao. Ba mẹ đỡ chạy vạy tiền trường! Anh con lo hết đấy! Thấy cả nhà vui, tôi cũng cười mà nước mắt cứ chờ tuôn ra. Ra vườn sau, tôi lặng lẽ để cho hai dòng nước mắt tha hồ chảy. Tôi chợt hiểu, những gì tôi có hôm nay đều từ sự hy sinh của gia đình và nhất là anh Hòa.
Hình ảnh anh lang thang trên đồng như cứ hiện ra trong đầu tôi! Anh đen và choắt người đi để cho tôi một ngày một trắng ra. Với đôi kính cận nửa độ làm tôi đẹp với vẻ trí thức. Tôi suy nghĩ miên man về hai cuộc đời tôi và anh dường như có một khoảng cách.
Tôi vào năm thứ tư đại học. Năm đó anh Hòa có gia đình. Tôi về anh mừng lắm. Anh cho biết anh cần có gia đình để giúp đỡ cha mẹ, anh luôn nói: Bình chỉ còn một việc là học thôi, mọi việc anh đều chu tất. Ngày cưới của anh tôi băn khoăn mãi làm gì cho anh đây? Cuối cùng tôi mua cho anh chiếc cà vạt vì ngoài sách vở tôi có gì đâu? Tôi nguyện sau này! Biết bao giờ! Tôi sẽ dành cho anh một phần cuộc đời tôi.
Cuối cùng ngày vui đã đến, tôi ra trường với điểm ưu và được về làm cho một xí nghiệp kinh tế. Chỉ hơn hai năm, tôi đã được đề bạt làm Trưởng phòng kế toán. Người yêu tôi, không ai xa lạ, cô gái làm chung phòng, con một doanh thương giàu có. Mọi việc cưới hỏi đều do cơ quan và cha mẹ vợ chu tất.
Ngày cưới. Tôi hân hoan đón mừng hai họ và bạn bè. Cuộc vui mỗi lúc một dâng cao. Tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng cười, tiếng chúc tụng như không dứt. Trong lúc bận rộn, anh kéo tay tôi ra ngoài, dí vào tay tôi một gói nhỏ cồm cộm:
- Anh cho em gì đây?
- Chỉ có năm phân vàng thôi, em cầm lấy mà chi phí...
- Tôi viện đủ lý do để từ chối. Trông nét mặt buồn hiu của anh, khiến tôi vừa giận lại vừa thương.
Cuộc vui đã đến đỉnh cao! Kẻ hát bài này, người kể chuyện nọ giúp vui. Bạn bè lại thúc giục, yêu cầu: cô dâu và chú rể ra mặt góp vui. Những tràng pháo tay, những tiếng hoan hô như không dứt.
Anh từ từ bước đến bên tôi trong sự ngạc nhiên của mọi người. Chúng tôi quả như hình với ảnh. Chúng tôi nắm tay nhìn nhau cảm động không nói nên lời. Tôi tưởng như vở kịch “soi gương” được diễn lại.
Cuộc đời chúng tôi như hài kịch hay bi kịch đây? Ai là hình ai là ảnh? Ngày mai anh sẽ về với con trâu cái cày. Cuộc đời sẽ bình lặng thanh bạch. Còn tôi từ đây sẽ là ông chủ? Hai cuộc đời khác nhau chỉ vì nửa điểm trong kỳ thi! Dù là gì chúng tôi vẫn là anh em, anh em sinh đôi! Giữa chúng tôi có một sợi dây vô hình và thiêng liêng ràng buộc hai cuộc đời với nhau như một.