24/10/2018 - 22:18

Nông nghiệp ĐBSCL chuyển mình với công nghệ 4.0
BÀI 2: Hội tụ công nghệ, chuyển mình phát triển 

Những ưu thế vàng của vùng châu thổ Cửu Long đã được nhìn nhận và khẳng định. Ngay lúc này, để nông nghiệp ĐBSCL vươn lên một bước tiến mới và tạo sự bứt phá đòi hỏi phải áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Và công nghệ tối ưu, mang lại kết quả trước mắt và lâu dài là thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Xu thế tất yếu

Các chuyên gia cho rằng, nông nghiệp 4.0 sẽ thay đổi phương thức quản lý trang trại, doanh nghiệp, hộ gia đình. Từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến tiêu dùng đều có thể ứng dụng kỹ thuật số nhằm giảm thiểu công lao động trực tiếp (thậm chí điều khiển từ xa hàng ngàn km), tiết kiệm vật tư đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường. Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quang Thạch, Đại học Nguyễn Tất Thành, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng: “Nông nghiệp 4.0 không những quản lý vĩ mô mà còn lưu trữ dữ liệu vi mô của từng cá thể trên mạng internet và chia sẻ nguồn dữ liệu cho nhiều người cùng sử dụng thông qua các thiết bị cảm biến kết nối với Internet. Nông nghiệp 4.0 hỗ trợ công khai minh bạch hóa quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ truy xuất nguồn gốc công khai quy trình công nghệ áp dụng tiêu chuẩn chất lượng đạt được đến mức độ nào thông qua điện thoại thông minh kết nối với các thiết bị IoT (Internet of Things – Internet của vạn vật). Đồng thời, trợ giúp dự tính, dự báo các rủi ro thiên tai như sạt lở đất, nạn chặt phá rừng, bảo tồn động vật quý hiếm”.


Cán bộ, nhà quản lý ngành nông nghiệp một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL trải nghiệm công cụ Bản đồ vùng nuôi cá tra E-MAP. Ảnh: MỸ THANH

Phát triển trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Theo đó, việc ứng dụng kịp thời các kỹ thuật tiên tiến của thời kỳ công nghệ 4.0 sẽ góp phần tăng hiệu quả của chuỗi sản xuất và thương mại hóa sản phẩm. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng: “Chúng ta phải làm sao để ĐBSCL không chỉ là nơi tiếp thu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của thế giới mà còn là nơi phát minh, sáng tạo ra nhiều mô hình mới đặc sắc trong nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, phải làm nổi bật vai trò của việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là các thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Mô hình ứng dụng công nghệ cao của nhiều nước trên thế giới đều đi từ thị trường và đưa ứng dụng công nghệ cao vào việc dự báo thị trường. Theo đó, dự báo thị trường được chia ra thành 2 nhóm: thị trường trong nước và quốc tế; thời gian được chia làm 3 mốc ngắn, trung và dài hạn. Theo ông Đặng Kim Khôi, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nếu Việt Nam áp dụng được công nghệ cao trong dự báo thị trường để kết nối vào hệ thống cơ sở dữ liệu từ trung ương đến địa phương sẽ hình thành hệ thống thông tin minh bạch. Từ đó, tạo được sự yên tâm, đồng thuận trong việc tổ chức sản xuất cũng như tìm đầu ra cho nông sản… Nhà nước cần kết nối doanh nghiệp và nông dân để hình thành nên chuỗi sản xuất thông minh từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; xây dựng mô hình Công viên Nông nghiệp tích hợp công nghệ cao, Vườn ươm công nghệ…”.

Các giải pháp công nghệ tích hợp ứng dụng trong nông nghiệp được xem xét như là những giải pháp tối ưu giúp giải phóng sức lao động, tăng năng suất, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Bộ, Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, những ngành có tiềm năng tiếp cận nông nghiệp 4.0 ở nước ta có thể kể đến như: chăn nuôi bò sữa, lợn, gà, tôm, cá da trơn quy mô công nghiệp; sản xuất hoa quả, nấm ăn, nấm/cây dược liệu, lúa gạo, cà phê, hồ tiêu... Các ngành hàng này đang có những mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng cao nên dễ dàng ứng dụng công nghệ của nông nghiệp 4.0 như tự động hóa, sử dụng robot, ứng dụng viễn thám trong quản lý sản xuất và sâu bệnh, công cụ quản lý cây trồng trên điện thoại thông minh…

Đa dạng giải pháp công nghệ

Nhiều doanh nghiệp đã tham gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới nhằm tiết kiệm năng lượng và chi phí nhân sự trong sản xuất trên cơ sở kết hợp giữa công nghệ thông minh và năng lượng tái tạo ứng dụng trong nông nghiệp hiện đại. Ông Trịnh Đặng Khánh Toàn, Tổng Giám đốc điều hành T.C Group, cho biết: T.C Group đã dành hơn 2 năm lên ý tưởng thiết kế, thử nghiệm và chế tạo thành công “hệ thống giám sát chất lượng nước online- T.C Check”. Đây là giải pháp ứng dụng IoT kết hợp linh kiện và thiết bị điện tử do giúp người nuôi trồng thủy sản ứng phó kịp thời với các biến động môi trường nước; cắt giảm chi phí nhân công, tiết kiệm điện năng, giải phóng sức lao động và tránh cung cấp dư thừa thức ăn giúp việc canh tác trở nên nhẹ nhàng, an toàn và tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư.


Sản xuất nấm là một trong những ngành có tiềm năng tiếp cận nông nghiệp 4.0. Ảnh: MỸ THANH

Cá tra là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL và việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình kiểm soát vùng nuôi được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Ông Trần Thanh Phong, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPHA), cho biết: “Với công cụ Bản đồ vùng nuôi cá tra (E-MAP), hiện VINAPHA đã cập nhật 300 vùng nuôi cá tra (thuộc TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang), với tổng số 1.805 ao nuôi cá tra, diện tích 1.800ha. Công cụ E-MAP giúp người nuôi, doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm thông tin và xác định chính xác vị trí vùng nuôi trên hệ thống (diện tích, sản lượng, tình trạng chứng nhận, dự báo sản lượng thu hoạch…). Dữ liệu của bản đồ vùng nuôi làm nền tảng cho Đề án khảo sát đánh giá tác động của xâm nhập mặn đến môi trường và hiệu quả kinh tế trong nuôi cá tra thương phẩm ở ĐBSCL”.

Với công nghệ máy bay không người lái, khâu quan sát, chăm sóc đồng ruộng được thực hiện dễ dàng hơn. Ông Nguyễn Đức Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thành, cho biết: “Công nghệ máy bay không người lái (AUV) được điều khiển từ xa bằng trình điều khiển riêng biệt hoặc có thể kết nối với điện thoại, máy tính bảng qua sóng radio. Công nghệ này được ứng dụng trong phun thuốc bảo vệ thực vật, gieo hạt giống, bón phân… Sử dụng công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật chi phí chỉ từ 60.000-80.000 đồng/ha, rẻ hơn rất nhiều so với cách phun thông thường. Ngoài ra, có thể tiết kiệm 90% lượng nước tiêu thụ, 30-40% thuốc bảo vệ thực vật và cách phun này cũng đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người”.

Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất minh bạch và kết nối thị trường nông sản cũng đã ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Mai Quang Vinh, Trung tâm Công nghệ Nông nghiệp 4.0, Viện Phát triển Công nghệ và Giáo dục, Trung tâm Công nghệ Nông nghiệp 4.0 đã nghiên cứu và phát triển Bộ công nghệ E-GAP nhằm truy xuất, giám sát minh bạch và quản lý hoạt động sản xuất, kết nối cơ sở sản xuất với thị trường tiêu thụ. Ứng dụng này giúp người tiêu dùng kiểm tra được những thông tin như: cơ sở sản xuất, lịch sử canh tác, thu hoạch, sơ chế đóng gói, hạn sử dụng... Các cơ sở sản xuất tham gia sử dụng Bộ giải pháp công nghệ E-GAP sẽ được kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và thời tiết để được tư vấn, xây dựng và chuẩn hóa quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ phù hợp với điều kiện từng địa phương. Những thông tin về tình hình thời tiết, sâu bệnh sẽ được các chuyên gia phát thông báo trên hệ thống của E-GAP và người sản xuất sẽ nhanh chóng nhận được thông tin qua ứng dụng Nhật ký điện tử, hệ thống website quản lý…

Nông nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu và là lựa chọn của nhiều quốc gia hiện nay. Riêng đối với Việt Nam, dựa vào điều kiện khí hậu, sản phẩm đặc thù, kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, trình độ lao động… nên  lựa chọn mô hình, công nghệ phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu nhất.

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, thuật ngữ “Nông nghiệp 4.0” xuất phát từ châu Âu được hiểu là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi được kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị nhưng không cần sự có mặt trực tiếp của con người và dựa vào hệ thống thiết bị có thể đưa ra những quyết định một cách tự động. Nông nghiệp 4.0 còn được coi là hàm số của nông nghiệp thông minh x công nghệ thông minh x thiết kế thông minh x doanh nghiệp thông minh…

MINH HUYỀN - MỸ THANH

BÀI CUỐI: Nông nghiệp 4.0 “thúc” tái cơ cấu nông nghiệp

Chia sẻ bài viết