21/09/2012 - 21:26

Nông dân trông chờ hỗ trợ

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) đưa lãi suất các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua giai đoạn khó khăn do suy thoái kinh tế. Đồng thời giãn nợ tối đa 24 tháng đối với những trường hợp khách hàng tạm thời gặp khó khăn trên lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thịt heo, gia cầm và cá tra; giảm lãi suất cho vay về mức 11%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên. Những chủ trương này rất được nông dân, doanh nghiệp chờ đợi...

Rủi ro và những thiệt thòi

Nông dân nuôi cá tra trông chờ được vay vốn với lãi suất thấp. Ảnh: V. Cộng 

Sản xuất nông nghiệp đầy rủi ro- đó là nhận định của các chuyên gia ngành nông nghiệp. Thế nhưng, thời gian qua, những nông dân một nắng hai sương chỉ làm ra sản phẩm, còn cái quyền "mặc cả" giá cả hàng hóa, người nông dân rất khó thực hiện, do đầu ra sản phẩm phụ thuộc vào thương lái, doanh nghiệp. Rất nhiều mặt hàng nông sản của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như: gạo, cá tra, tôm, trái cây… đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chiến lược của quốc gia và là niềm tự hào của quốc gia khi giới thiệu với bạn bè thế giới. Vậy mà, nông dân vẫn nghèo, hạt lúa, con cá, con tôm, trái cây… làm ra phải chờ đợi thương lái, doanh nghiệp đến mua. Năm nào thời tiết thuận mùa, ít sâu, dịch bệnh, nông dân đỡ lo vì giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn thủy sản, chăn nuôi cứ tăng lũy tiến, còn giá mua nguyên liệu của thương lái, doanh nghiệp lại tỷ lệ nghịch. Trong khi nông dân không thẩm định được các thành phần chính ghi trên bao bì của phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi mà mình đưa xuống đồng ruộng, ao chuồng và bao nhiêu phần trăm trong các thành phần này được chuyển hóa thành chất dinh dưỡng tiêu hóa cho cây lúa, con cá, con heo tăng trưởng.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, nông dân nuôi cá tra ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, bức xúc: Trên bao bì thức ăn cho cá tra, nhà sản xuất ghi độ đạm 30%, nhưng nông dân làm sao kiểm định được có đúng là 30% và khi cho cá ăn thì bao nhiêu trong 30% này sẽ chuyển hóa thành đạm tiêu hóa. Nếu được 80% trong số 30% này thì nông dân sẵn sàng chịu mua với giá cao, nhưng nếu chỉ chuyển hóa có 50- 60% thì nông dân thiệt thòi đủ đường. Bởi nông dân dù có đầu tư đến 1 tỉ đồng tiền thức ăn cho cá trong vụ nuôi thì cũng không được hoàn 5% thuế VAT, trong khi doanh nghiệp nuôi cá mua thức ăn sẽ được hoàn khoản thuế này. Quy định này rất thiếu công bằng với nông dân trong ngành chăn nuôi và thủy sản.

Thêm vào đó, lãi suất cho vay ở mức cao trong thời gian dài, chính sách hỗ trợ giãn nợ, hạ lãi suất cho vay của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa đến kịp thời với nông dân. Ông Nguyễn Ngọc Hải, phường Thới An, cho biết thêm: "Tôi có nghe nói ngân hàng khoanh, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay xuống 11%, tôi và nhiều hộ nuôi cá ở đây rất háo hức chờ. Đi hỏi ngân hàng thì được trả lời là chưa có văn bản chính thức, chờ khi nào có văn bản sẽ trả lời cụ thể. Ngân hàng nói vậy, chúng tôi chỉ biết chờ vận may đến thôi". Theo ông Hải, thức ăn cho cá chiếm đến 80% giá thành sản xuất và số tiền này phải đi vay ngân hàng, bởi đầu tư nuôi 1ha cá tra cần 8-10 tỉ đồng, cao gấp đôi so với cách đây vài năm. Và 3 năm qua nhiều nông dân còn cầm cự với nghề nuôi cá tra chỉ nuôi theo sức của mình, có hợp đồng với nhà máy mới dám nuôi. Ông Hải đang vay vốn với lãi suất 14,5%/năm (từ tháng 6-2012 đến nay), mức lãi suất này đã giảm so với đầu năm 2012 (17%/năm) và cuối năm 2011 (20,5%/năm). Nông dân đang trông chờ được hưởng gói hỗ trợ với mức lãi suất ưu đãi để cầm cự và vượt qua giai đoạn trì trệ của sản xuất.

Giảm lãi vay, cứu nông dân

Theo thống kê của ngành nông nghiệp các địa phương ĐBSCL, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 3 năm gần đây diện tích nuôi cá tra nhỏ lẻ ở ĐBSCL không nhiều, các doanh nghiệp chủ động vùng nguyên liệu cho nhà máy đến 70%. Còn theo nhiều nông dân nuôi cá tra ở TP Cần Thơ, tình trạng "thâu tóm", "cá lớn nuốt cá bé" đã xuất hiện trong thời gian qua. Một lão nông có thâm niên trong nghề nuôi cá tra cho rằng, trong 3 năm tới sẽ không còn nông dân nuôi cá tra nữa mà chỉ làm thuê, hoặc gia công cho doanh nghiệp, bởi nông dân giờ đã khánh kiệt. Và ngành cá tra hiện cần đến 2.000 tỉ đồng để giải cứu (thống kê của VASEP), nhưng bao nhiêu trong số tiền này đến được với nông dân nuôi cá?!

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước khoanh nợ, giãn nợ "cứu" nông dân, doanh nghiệp chăn nuôi heo, cá tra, tôm… Hiện một số ngân hàng đã công bố chủ trương khoanh, giãn nợ, như Agribank ban hành văn bản số 7229 yêu cầu Sở giao dịch, chi nhánh loại I, loại II thực hiện việc cho vay đối với khách hàng là các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt heo, thịt gia cầm, nuôi cá tra, chế biến cá tra xuất khẩu. Agribank cũng yêu cầu các đơn vị trên tiến hành rà soát, đánh giá lại các khoản nợ cũ của khách hàng tính đến thời điểm 15-8-2012 và thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản nợ cũ của khách hàng; giãn nợ tối đa 24 tháng đối với những trường hợp khách hàng tạm thời gặp khó khăn chưa trả được nợ đúng hạn. Tiếp tục cho vay mới theo cơ chế cho vay thông thường đối với khách hàng có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi với mức lãi suất cho vay tối đa không quá 11%/năm mà không phụ thuộc vào việc khách hàng có dư nợ cũ đã được cơ cấu lại.

Theo phản ánh của nhiều nông dân nuôi cá, việc hạ lãi suất theo chủ trương của NHNN là rất cần thiết đối với nông dân thời điểm này, nhưng thời hạn để tiếp cận vốn lãi suất thấp bao lâu mới là vấn đề đáng bàn. Mặc dù nhiều ngân hàng công bố khoanh nợ, giãn nợ cũ, nhưng muốn vay mới, nông dân phải "chạy" tiền trả khoản cũ, bởi ngân hàng vẫn theo cơ chế cho vay thông thường. Nông dân đang chật vật chống đỡ với nhiều khó khăn, tình trạng "treo ao" đã diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua do nông dân thiếu vốn sản xuất, trên 80% phải đi vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi cá. Do vậy, tiếp cận lãi suất cho vay nuôi cá ở mức 11%/năm, nông dân rất phấn khởi, nhưng nông dân băn khoăn là mức lãi suất này sẽ được duy trì bao lâu, bởi thời gian nuôi cá kéo dài từ 8 đến 12 tháng. Nông dân đang cần vốn lãi suất thấp, nhưng phải ổn định, bởi nếu ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất cho vay thì nông dân lại lâm vào cảnh nợ nần.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết